CHƯƠNG 2: TIỀM NĂNG VÀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH Ở HUYỆN GIAO THỦY TỈNH NAM ĐỊNH
2.2. Các điều kiện phát triển cung du lịch ở huyện Giao Thủy
2.2.2. Các điều kiện kinh tế xã hội và tài nguyên du lịch nhân văn
2.2.2.2. Tài nguyên du lịch nhân văn
Giao Thủy là vùng đất mới, có lịch sử hình thành khoảng 500 năm, mang đặc trưng của văn hóa lúa nước đồng bằng sông Hồng. Người dân Giao Thủy từ bao đời nay kiên cường trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên, vật lộn với biển khơi, miệt mài quai đê lấn biển, khai hoang lập ấp hình thành nên những làng quê trù phú. Tinh thần cố kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm rất bền chặt. Giao Thủy có 3 tôn giáo chính là đạo Phật, đạo Thiên Chúa và đạo Tin lành. Trên địa bàn huyện có hàng chục di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng cùng nhiều công trình tôn giáo có kiến trúc độc đáo sẽ là những địa chỉ thú vị đối với khách tham quan.
Với truyền thống canh tác “lúa lấn cói, cói lấn vẹt, vẹt lấn biển”, những nét sinh hoạt văn hóa mang đậm dấu ấn của nền văn minh lúa nước như chèo cổ, chầu
văn, bơi chải. múa lân, chọi gà hay đấu vật,…trong các dịp lễ hội cùng với sinh hoạt thường nhật của cộng đồng. Đặc biệt du khách đến đây sẽ được nghe những làn điệu dân ca do chính người dân địa phương biểu diễn như “Sắp cổ phong”,
“Hát mời trầu”, “Hát giã bạn”,…
Văn hóa phi vật thể ở đây bao gồm hệ thống kiến trúc truyền thống đan xen hòa quyện với các công trình kiến trúc hiện đại như nhà Bổi, nhà thờ, cảng cá, chợ chiều, khu thị tứ sầm uất, các điểm sản xuất nước mắm truyền thống, các sản phẩm du lịch độc đáo,…cùng với tấm lòng rộng mở của người dân miền biển quen đối diện với biển trời bao la…
Nhà Bổi: xã Giao Xuân huyện Giao Thủy còn có những ngôi nhà bổi – nhà đặc trưng của vùng đất ven biển ngập nước, cũng là điểm đến thu hút du khách.
Nhàbổi là những căn nhà khung gỗ, nền đất, được lợp bằng cói và rạ, mỗi mái nhà nặng hơn hai tấn, dày từ 1m – 1,2m, mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
Qua thời gian, mái bổi xẹp dần xuống, nhưng vẫn rất bền, chịu đựng được sức tàn phá của gió biển. Những căn nhà mái bổi ở Giao Xuân có tuổi thọ hàng trăm năm và được người dân rất gìn giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Người Giao Xuân cung cấp dịch vụ lưu trú cho du khách, khách ăn ngủ ngay tại nhà dân, nếu may mắn, bạn có thể được nghỉ tại một trong những căn nhà bổi này.
Đặc biệt, ở Giao Thủy còn có làng nghề nước mắm Sa Châu – xã Giao Châu nổi tiếng với các loại mắm ngon với trên 100 hộ tham gia sản xuất, chế biến, sản lượng bình quân đạt 450.000 – 500.000 lít nước mắm/năm.
Cùng với sự phong phú của tài nguyên du lịch tự nhiên, khu vực phụ cận của huyện Giao Thủy có rất nhiều tài nguyên du lịch nhân văn có giá trị có thể kết hợp trong các Tour du lịch. Trước hết, trên đường đi đến thành phố Nam Định du khách có thể ghé thăm Phủ Dầy (Một di tích lịch sử nổi tiếng – nơi thờ Bà Chúa Liễu Hạnh ở huyện Vụ Bản – cách thành phố Nam Định khoảng 15km). Đến thành phố Nam Định du khách tham quan cụm di tích lịch sử: Đền Trần, Chùa Tháp, Đền Bảo Lộc – là nơi lưu giữ những chứng tích hào hùng về một triều đại hưng thịnh vào loại bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Du khách cũng có thể ghé thăm tượng đồng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn uy nghi bên hồ Vị Xuyên.
Trước khi rời thành phố Nam Định đến với mảnh đất Giao Thủy để có dịp tìm hiểu
thêm về đất và người của mảnh đất ngàn năm văn hiến này, du khách hãy ghé thăm làng trồng hoa cây cảnh Vị Khê – Nam Điền (ở ngoại thành thành phố Nam Định).
Đến đây du khách sẽ gặp những bất ngờ hết sức thú vị khi chứng kiến những cỏ cây hoa lá tự nhiên vô tri vô giác nhưng dưới những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã trở thành những sinh vật có hồn, đẹp mắt và sống động lạ thường. Xuôi tiếp xuống phía nam du khách có thể ghé thăm chùa Keo – Cổ Lễ, nơi gắn liền với các truyền thuyết về Thánh sư Khổng Minh Không và những điển tích của Phật giáo kỳ thú, cùng với lối kiến trúc độc đáo và vẻ đẹp huyền bí, chùa Keo như đưa con người về với cội nguồn của tiêu chí “ Chân, Thiện, Mỹ”. Đi xuôi xuống đất Xuân Trường du khách có thể ghé thăm một điểm văn hóa – lịch sử khác cũng rất có ý nghĩa, đó là Tượng đài bằng đồng và Nhà lưu niệm của Cố Tổng bí thư Trường Chinh tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng. Cách làng Hành Thiện không xa là tòa thành Phú Nhai và Trường dòng Bùi Chu. Đây còn là một trung tâm lớn của Đạo Thiên Chúa giáo. Trường dòng Bùi Chu cùng với nhà thờ Phát Diệm là hai cái nôi đầu tiên của Thiên Chúa giáo ở miền Bắc Việt Nam và cũng là nơi cung cấp cho chúng ta cái nhìn tổng quát về lịch sử phát triển và ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo ở khu vực. Trên đường đến với Giao Thủy, du khách có thể ghé thăm Tòa thánh Phú Nhai – là nhà thờ lớn nhất Đông Nam Á được xây dựng từ những năm 30 của thế kỷ trước. Giao Thủy là khu vực giao thoa của nhiều văn hóa, nhiều tập tục sinh hoạt khác nhau (đi theo đạo Thiên Chúa có xã chiếm 80% dân số. Trên địa bàn huyện có rất nhiều nhà thờ Thiên Chúa giáo trong đó có 15 nhà thờ lớn nằm rải rác ở các khu vực trong huyện (phụ lục 3). Điều này vừa tạo nên những khó khăn cho công tác quản lý, song đồng thời cũng tạo nên một đặc điểm hấp dẫn đối với việc phát triển du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng. Giá trị văn hóa bao trùm của huyện Giao Thủy là văn hóa vùng biển. Thời gian gần đây, chính quyền địa phương rất chú trọng việc đầu tư nâng cấp lễ hội truyền thống của cư dân.
Với những tiềm năng và thế mạnh trên cho thấy Giao Thủy là một vùng đất có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch đặc biệt khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy với hệ sinh thái nguyên sơ rất thích hợp với việc phát triển các loại hình du lịch sinh thái biển.( phụ lục 4)