Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN BẢO VỆ QUYỀN CON NGƯỜI TRONG XÉT XỬ HÌNH SỰ
1.3 Các yếu tố tác động đến bảo vệ quyền con người trong xét xử hình sự
1.3.4 Các yếu tố khác
Ngoài các yếu tố nêu trên, yếu tố chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức làm việc trong hệ thống các cơ quan áp dụng, thực thi pháp luật mà cụ thể trong hoạt động xét xử là Tòa án cũng là một trong những yếu tố có thể tác động đến việc bảo vệ quyền con người. Chế độ đãi ngộ tốt sẽ khuyến khích cán bộ hăng hái làm việc, chống lại sự tha hoá, biến chất, mua chuộc;
ngược lại, chế độ đãi ngộ không hợp lý sẽ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lơ là công việc, không hăng say phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ tham gia xét xử.Chế độ chính sách đãi ngộ giữ vai trò hết sức quan trọng, từ chế độ đề bạt, bổ nhiệm, bố trí công tác đến chế độ khen thưởng, chế độ tiền lương và kỷ luật… đây là động lực thúc đẩy cán bộ ngành Toà án không ngừng vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao,góp phần thực thi có hiệu quả các quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của những người tham gia tố tụng.
Tóm tắt chương 1
Quyền con người là thành tựu của nhân loại nên được các quốc gia tiến bộ trên thế giới đặc biệt coi trọng. Đó là những năng lực, nhu cầu vốn có và chỉ có ở con người với tư cách là thành viên của cộng đồng nhân loại, được thể chế hoá bằng pháp luật quốc gia và các thoả thuận pháp lý quốc tế. Ở Việt Nam, QCN là thành tựu gắn liền với cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, đó là thành quả mà nhân dân ta đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Theo quy định tại Điều 50 Hiến pháp 1992 sửa đổi, ở nước ta, QCN được thể hiện ở các quyền công dân được quy định trong Hiến pháp và luật. Bảo vệ QCN được hiểu là sự đảm bảo bằng chính các yếu tố điều kiện cần và đủ để thực hiện QCN đạt kết quả cao nhất như:
đảm bảo về chế độ chính trị, kinh tế, nền dân chủ xã hội…Còn bảo vệ QCN trong hoạt động xét xử là đảm bảo các yếu tố, điều kiện cần và đủ cho quá trình thực hiện QCN trong lĩnh vực xét xử hình sự có hiệu lực, hiệu quả cao nhất. Bảo vệ QCN nói chung và bảo vệ QCN trong xét xử án hình sự nói riêng chính là mục tiêu và động lực nhằm góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, góp phần trong đấu tranh và phòng ngừa tội phạm,duy trì trật tự an toàn xã hội đang là vấn đề được Đảng, nhà nước và nhân dân đặc biệt coi trọng.
Nghiên cứu những vấn đề lý luận về QCN nói chung và bảo vệ QCN trong hoạt động xét xử án hình sự nói riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Từ sự nghiên cứu này không chỉ giúp những người làm công tác nghiên cứu lý luận khoa học pháp lý nhận thức đúng đắn về quyền con người nói chung, nhất là QCN trong hoạt động tố tụng hình sự, mà cụ thể là hoạt động xét xử của Tòa án để từ đó có những điều chỉnh, soạn
thảo, đóng góp nhằm hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật nước ta với vai trò là nhà nước pháp quyền “của dân, do dân và vì dân”. Đây cũng là cơ sở khoa học để tác giả đánh giá tình hình, thực trạng về bảo vệ quyền con người thông qua hoạt động xét xử các vụ án hình sự cũng như chỉ ra những tồn tại, hạn chế, thiếu sót của hệ thống pháp luật nước ta hiện nay, trên cơ sở đó xây dựng các giải pháp hạn chế, khắc phục nhằm tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công dân ở những chương tiếp theo.