Theo tìm hiểu của tác giả, đã có một số đề tài, công trình nghiên cứu, bài báo đề cập tới việc tăng cường công tác quản lý khai thác hệ thống cấp nước sạch nông thôn. Một số tài liệu cơ bản có liên quan bao gồm:
i) Đánh giá hiện trạng cấp nước nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất giải pháp phát triển. Tác giả: Đoàn Thu Hà (Trường Đại học Thủy lợi) – Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thủy lợi và Môi trường (số 43: tháng 12/2013).
Bài báo tập trung vào việc đánh giá hiện trạng cấp nước nông thôn thông qua chỉ tiêu chất lượng nước, đánh giá chất lượng công trình, quá trình đầu tư phát triển cấp nước và tình hình tổ chức quản lý công trình ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, tác giả cũng đã nêu một số giải pháp về chính sách và tổ chức để cải thiện công tác tổ chức, quản lý khai thác công trình tại khu vực này.
ii) Luận văn thạc sĩ: “Đánh giá hiện trạng quản lý, sử dụng các công trình cấp nước tập trung tại huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam”. Tác giả: Nguyễn Thị Thoa, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (2015).
Nội dung chính của luận văn này tập trung vào việc đánh giá hiện trạng công tác quản lý, sử dụng các công trình cấp nước tập trung tại 01 huyện (huyện Bình Lục) của tỉnh Hà Nam và đưa ra một sốđề xuất về quy trình quản lý các hệ thống cấp nước tập trung của huyện này.
iii) Đề tài Luận án Tiến sĩ kinh tế: “Nghiên cứu hình thức quản lý dựa vào cộng đồng các công trình cấp nước tập trung nông thôn Việt Nam”. Tác giả: Nguyễn Thị Lan Hương, Trường Kinh tế quốc dân (2010).
Đề tài tập trung vào việc tìm hiểu, đánh giá thực trạng và đề xuất cho một trong các mô hình quản lý công trình cấp nước tập trung nông thôn, đó là mô hình quản lý dựa vào cộng đồng. Đây là mô hình quản lý các công trình cấp nước tập trung có quy mô rất nhỏ(<50m3/ngày đêm) và nhỏ (từ 50-300m3/ngày đêm), thường được áp dụng cho công trình cấp nước tự chảy ở miền núi, vùng đồng bằng dân cư phân tán theo từng cụm nhỏ. Sau khi đánh giá thực trạng chung, tác giả đã đi tới một số kết luận và giải pháp về chính sách và tổ chức quản lý vận hành công trình nhằm nâng cao hiệu quả quản lý công trình CNTT nông thôn.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Thông qua các nội dung của Chương 1, luận văn đã hệ thống hóa phần cơ sở lý luận cũng như thực tiễn liên quan tới công tác quản lý khai thác và phát triển bền vững các công trình cấp nước sạch nông thôn tại Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Trước hết, luận văn đã làm rõ về khái niệm, đặc điểm cũng như vai trò, tầm quan trọng của các hệ thống cấp nước nông thôn trong việc việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân và đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, phòng tránh các bệnh do nước không an toàn gây ra.
Luận văn cũng đã trình bày về các nội dung quan trọng trong công tác quản lý khai thác hệ thống cấp nước nông thôn, bao gồm nội dung về phân cấp, mô hình quản lý, công tác kế hoạch và cơ chếgiá nước áp dụng cho các hệ thống ở khu vực nông thôn.
Đồng thời, một số tiêu chí đánh giá kết quả công tác quản lý khai thác hệ thống cũng đã được tìm hiểu và trình bày để làm rõ khía cạnh cơ sở lý luận chung khi áp dụng cụ thểvào lĩnh vực cấp nước nông thôn.
Đồng thời, Chương 1 của luận văn cũng đã trình bày sơ lược về quá trình phát triển các hệ thống cấp nước, và các mô hình quản lý công trình cấp nước nông thôn trên phạm vi cảnước. Các quy định, chính sách mới nhất áp dụng trong lĩnh vực cấp nước nông thôn cũng được nêu ra nhằm hệ thống hóa tài liệu pháp lý, cơ sở quản lý của Nhà nước trong hoạt động đầu tư, quản lý vận hành các hệ thống cấp nước nông thôn.
Bên cạnh đó, trong phần cuối Chương 1, luận văn cũng đã chỉra được những nhân tố (chủ quan và khách quan) ảnh hưởng tới chất lượng công tác quản lý vận hành các hệ thống cũng như một số bài học kinh nghiệm về quản lý khai thác công trình cấp nước trên địa bàn nông thôn.
Việc tham khảo, vận dụng một cách phù hợp tùy theo đặc điểm riêng của từng vùng miền những yếu tố và bài học kinh nghiệm nêu ra sẽ là tiền đề quan trọng cải thiện đáng kể chất lượng công tác quản lý vận hành các công trình cấp nước tập trung nông thôn. Tìm hiểu đầy đủ về cơ sở pháp lý của Nhà nước và học hỏi các bài học kinh nghiệm phù hợp đúc rút trên phạm vi toàn quốc sẽ giúp các tỉnh tăng cường công tác
đầu tư, quản lý vận hành, tăng cường tính bền vững các hệ thống cấp nước, góp phần thực hiện thành công Chương trình MTQG Xây dựng Nông thôn mới hiện đang được Chính phủ triển khai và thúc đẩy trên phạm vi toàn quốc.