Về phương diện nghệ thuật

Một phần của tài liệu SO SÁNH BÌNH LUẬN PHÓNG SỰ VŨ TRỌNG PHỤNG VÀ PHÓNG SỰ CỦA NGÔ TẤT TỐ (Trang 21 - 24)

CHƯƠNG 2. SO SÁNH BÌNH LUẬN PHÓNG SỰ NGÔ TẤT TỐ VÀ VŨ TRỌNG PHỤNG

2.1.2. Về phương diện nghệ thuật

Không những gặp nhau trong phương diện về nội dung, mà những tác phẩm của Ngô Tất Tố và Vũ Trọng Phụng cũng có rất nhiều điểm tương đồng trên phương diện nghệ thuật.

2.1.2.1. Sử dụng các chi tiết điển hình

Qua việc đọc và khảo sát các tập phóng sự của Ngô Tất Tố và Vũ Trọng Phụng, chúng tôi nhận thấy hai nhà văn đều sử dụng các chi tiết điển hình nhằm khắc sâu sự kiện, làm nổi bật tính cách nhân vật và tô đậm chủ đề tác phẩm.

Để làm nổi bật được sự quằn quại, điêu đứng, kiệt quệ của người nông dân Việt Nam dưới gánh nặng của hủ tục, Ngô Tất Tố đã sử dụng nhiều chi tiết điển hình trong tập phóng sự Việc làng. Gánh nặng của hủ tục đè nặng trên vai người dân thường được Ngô Tất Tố miêu tả gắn với hình ảnh của bọn cường hào ở làng quê. Trong Xâu lòng thờ, chi tiết bác Hai Đắc chỉ vì quên biếu cụ Chưởng lễ một xâu lòng thờ hôm tế ở đình đã bị cụ dọa nhất định đưa lên quan, để buộc bác phải theo những điều kiện: một là giết lợn mời làng tế thánh để lấy một xâu lòng thờ biếu hắn, hai là phải “đền” hắn một trăm bạc, đã làm nổi bật nỗi khốn khổ của người dân cũng như bản chất đê tiện của bọn cường hào.

Ngô Tất Tố cũng đã lựa chọn rất nhiều hình ảnh tiêu biểu để việc ăn uống, tranh giành nhau từng góc chiếu, miếng thịt giữa làng, từ đó nổi bật lên được tính hài hước và nạn xôi thịt ở nông thôn. Trong Một chiếc lăm lợn, chỉ vì tranh nhau ngôi chủ tế và cái lăm lợn mà đã xảy ra một cuộc hỗn chiến: “Ồ lạ! Trong đám người ấy lại có người mặc áo thụng lam và đội mũ nhiễu hoa bạc! Tuy rằng đứng ở đằng xa cũng trông rõ (…).. Cái gì thế nhỉ? Cớ sao người ta lại bận lễ phục đi đánh nhau? Hay ở đây cũng là của Khổng, sân Trình, cho nên đi đánh nhau cũng phải giữ lễ?”. Thực ra bọn này chính là bọn “tư văn” trong làng, chỉ vì một chiếc lăm lợn mà bọn chúng tham chiến, tranh giành nhau đến vỡ đầu mẻ trán.

Về Vũ Trọng Phụng, trong các phóng sự của mình, ông đã sử dụng nhiều chi tiết điển hình nhằm làm nổi bật chủ đề của tác phẩm. Trong phóng sự Cơm thầy cơm cô, khi dựng lại cuộc đời của con sen Đũi, từ lúc ấu thơ đến khi gia biến và trở thành con sen và rồi bị tha hóa, tác giả đã chọn một chi tiết điển hình nhằm làm nổi bật thân phận khốn cùng của những đứa trẻ phải chịu kiếp tôi đòi: “Tôi lúc ấy mới mười ba tuổi đầu mà nó nhét giẻ vào mồm tôi, giữ hai chân tôi cho thằng oẳn cứ việc hiếp lấy, hiếp để”. Sự kiện bị hãm hiếp đó đã đưa cuộc đời cái Đũi sang một trang khác. Ba ngày sau nó chính thức

gia nhập làng mại dâm rồi cũng từ đó bị tha hóa đến mức dày dặn. Những chi tiết đó không chỉ có ý nghĩa khái quát cho số phận cay cực của những đứa trẻ rơi vào kiếp đời phiêu bạt của cảnh cơm thầy cơm cô mà còn có giá trị tố cáo sâu sắc bản chất tàn ác, khả ố, mất hết tính người của những mụ chủ, đó cũng là bản chất xấu xa của một chế độ.

Có thể nói, Ngô Tất Tố và Vũ Trọng Phụng đều đã sử dụng, lựa chọn những chi tiết điển hình, đắt giá để khái quát hiện thực và làm nổi bật chủ đề của tác phẩm

2.1.2.2. Xu hướng tiểu thuyết hóa

Các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố một mặt mang tính thời sự, cập nhật sâu sắc, mặt khác cũng thể hiện sức sống mạnh mẽ, vượt thời gian của mình, dường như chúng vẫn còn giá trị cho đến tận ngày nay. Một trong những nét nghệ thuật tiêu biểu nổi bật trong các thiên phóng sự của hai tác giả là đều có xu hướng tiểu thuyết hóa.

Từ việc đặt tên các phóng sự của mình, hai nhà văn đã thật sự tạo được ấn tượng mạnh đối với độc giả: Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô, Lục sì, Vẽ nhọ bôi hề (Vũ Trọng Phụng)…; Việc làng, Tập án cái đình (Ngô Tất Tố). Cách đặt tên các nhan đề rất gọn ghẽ, không cầu kỳ, không dài dòng và làm cho độc giả tò mò từ chính nhan đề tác phẩm. Các tiêu đề được đặt theo kiểu “tiểu thuyết” đã gợi hàm ẩn sâu xa, không dừng lại ở mục đích thông báo về người thực, việc thực mà qua đó vô tình hoặc cố ý đã định hướng tiếp nhận giá trị đích thực của tác phẩm cho người đọc.

Thông qua những nhân vật, với những số phận, những cuộc đời bằng xương, bằng thịt, phóng sự của Ngô Tất Tố và Vũ Trọng Phụng đã khái quát được những vấn đề xã hội lớn mang tính thời sự sâu sắc. Chính vì thế cũng dễ nhận thấy rằng phóng sự của Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất đã mở rộng về quy mô, tiến dần đến giới hạn khuôn khổ của tiểu thuyết, không còn bó hẹp trong khuôn khổ nhỏ gọn vài trang viết như thuộc tính vốn có của thể loại. Phóng sự Cạm bẫy người của Vũ Trọng Phụng viết đến trên ba trăm trang sách, Lục sì gần 200 trang, các phóng sự Cơm thầy, cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây cũng như Việc Làng Tập án cái đình của Ngô Tất Tố đều có số lượng trên dưới một trăm trang được kết cấu với nhiều chương, mục.

Ngô Tất Tố chọn cho các phóng sự của mình lối kết cấu chung quanh một chủ đề.

Mỗi chương của Tập án cái đình Việc làng là một lời chế giễu hóm hỉnh hoặc chua cay nhưng đều được kết dính với một chủ đề chung là những hủ tục “mọi rợ’, quái gở” trong không gian “làng” rộng lớn. Với mười sáu câu chuyện trong Việc làng, Ngô Tất Tố đã phản ánh được khá đầy đủ và thấm thía một thực trạng nhức nhối đang diễn ra ở nông thôn Việt Nam đó là người nông dân bên cạnh nỗi cơ cực, lầm than, bị bần cùng hóa vì sưu cao thuế nặng, họ còn phải gánh chịu biết bao nhiêu hủ tục nặng nề, vô lý, là nạn xôi thịt, tranh nhau ngôi thứ ở chốn đình trung. Trong phóng sự Tập án cái đình, sự kiện

chính trong tác phẩm là “cái đình” - nơi thờ thành hoàng làng, xung quanh sự kiện thờ thành hoàng làng còn nhiều chi tiết phục vụ cho sự kiện “thờ” ấy. Mỗi sự kiện trong tác phẩm là một cảnh tượng độc đáo, hấp dẫn, nhưng hết sức vô nghĩa lý. Nào là “Mỗi năm một lần đánh đuổi thần hoàng làng”, rồi “Đuổi giặc cho thần” nuôi lợn để tế thần, thi

“Lợn anh lợn em” rồi biết bao nhiêu nghi lễ phiền toái, ồn ào và tốn kém khác. Tất cả tạo nên một thế giới thần thánh nhảm nhí, hài hước. Có thể nói xu hướng tiểu thuyết hóa đã giúp cho các phóng sự của Ngô Tất Tố không chỉ mở rộng được phạm vi phản ánh hiện thực mà còn đào sâu vào hiện thực ấy.

Cũng như phóng sự của Ngô Tất Tố, các thiên phóng sự của Vũ Trọng Phụng cũng có lối kết cấu chung quanh một chủ đề. Trong các thiên phóng sự như Lục sì, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô có hàng loạt những câu chuyện nhỏ đan xen nhau, từ câu chuyện này làm cớ để câu chuyện khác xuất hiện. Mỗi câu chuyện là một số phận, một cuộc đời.

Câu chuyện của người đi ở, câu chuyện của những người đàn bà đi lấy chồng Tây, những cô gái bán hoa, những tay cờ bạc bịp…, tất cả được xâu chuỗi lại với nhau, xuất hiện hết sức tự nhiên, sinh động. Mặc dù chưa phải là cốt truyện của tiểu thuyết nhưng ở các phóng sự của Thiên Hư xu hướng tiểu thuyết hóa đã thể hiện hết sức rõ ràng. Xu hướng đó cho phép nhà văn bao quát được hiện thực xã hội rộng lớn cũng như có thể xoáy sâu vào những vấn đề mà xã hội đang quan tâm.

Xu hướng tiểu thuyết hóa trong phóng sự của Vũ Trọng Phụng còn được thể hiện ở thế giới nhân vật mà ông dụng công xây dựng, chủ yếu là nhân vật đám đông, rất đa dạng. Trong đó, có những nhân vật chỉ hiện lên qua mấy nét phác thảo nhưng cũng có những nhân vật được xây dựng theo lối tiểu thuyết hóa rất sống động. Nhân vật Ấm B trong phóng sự Cạm bẫy người hiện lên khá đậm nét không phải chỉ bằng những nét phác họa sơ qua được khắc họa một cách tỉ mỉ, công phu từ ngoại hình, đến tính cách, ngôn ngữ, hành động. Hay là trong tác phẩm Kỹ nghệ lấy Tây còn có nhân vật Suzane với thế giới nội tâm trong sáng, với những day dứt, dằn vặt vì nỗi nhục nhã của một con đầm lai.

Nổi bật hơn là hình ảnh con sen Đũi trong Cơm thầy cơm cô - là nhân vật có quá trình phát triển tâm lí khá trọn vẹn. Với nhân vật này tác giả đã dành mấy chương để mô tả cuộc đời từ lúc ấu thơ, đến khi gia biến và trở thành con sen. Trong các phóng sự của mình, Vũ Trọng Phụng đã xây dựng một thế giới nhân vật phong phú, đông đảo, sống động, trong đó nổi lên những nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Mà đó vốn là đặc trưng của nhân vật trong tiểu thuyết.

Đọc các phóng sự của Ngô Tất Tố và Vũ Trọng Phụng, ta thấy những vấn đề mà hai nhà văn đề cập không nằm gọn trong một làng, một xã, huyện, thành phố mà là vấn đề của toàn xã hội, tạo nên bức tranh đời sống đa dạng, phong phú với nhiều vấn đề ngổn ngang, bề bộn, nhiều mâu thuẫn đan xen nhau. Như vậy, có thể thấy sự tham gia của các

yếu tố tiểu thuyết vào trong phóng sự đã tạo nên một thể loại chiếm nhiều ưu thế trong việc chiếm lĩnh và phản ánh hiện thực.

Tuy phóng sự của cả hai nhà văn đều có xu hướng tiểu thuyết hóa, song có thể khẳng định rằng xu hướng tiểu thuyết hóa trong phóng sự của Vũ Trọng Phụng rõ rệt hơn, có những đặc sắc riêng, hấp dẫn hơn. Nhiều tác phẩm phóng sự của ông, do tính điển hình cao độ của chi tiết, sự kiện, nhân vật đã khái quát được những vấn đề lớn, những tệ nạn xã hội có tầm quốc nạn. Vì thế tác phẩm của ông một mặt mang tính thời sự, cập nhật sâu sắc, mặt khác nó cũng thể hiện một sức sống mạnh mẽ vượt thời gian và dường như cho đến tận hôm nay nó vẫn còn nguyên giá trị. Chính xu hướng tiểu thuyết hóa trong thể tài phóng sự của Vũ Trọng Phụng là cơ sở khiến ông sẽ đi tới thành công xuất sắc ở dạng thức tiểu thuyết phóng sự.

Một phần của tài liệu SO SÁNH BÌNH LUẬN PHÓNG SỰ VŨ TRỌNG PHỤNG VÀ PHÓNG SỰ CỦA NGÔ TẤT TỐ (Trang 21 - 24)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(33 trang)
w