1.3. Phương pháp can thiệp sử dụng trong nghiên cứu
1.3.2. Xoa bóp bấm huyệt
Xoa bóp bấm huyệt là biện pháp phòng và chữa bệnh rất hiệu quả. Theo YHHĐ, XBBH là một kích thích vật lý tác động tại chỗ vào da, cơ, thần kinh, mạch máu, làm giảm đau, giãn cơ, tăng cường dinh dưỡng và lưu thông tuần hoàn còn có tác dụng toàn thân thông qua cơ chế thần kinh thể dịch. Là thủ thuật sử dụng bàn tay, ngón tay, có thể
cả khuỷu tay tác động lên da, cơ, khớp giúp giảm đau, thư giãn nhằm đạt tới mục đích chữa bệnh, phòng bệnh và nâng cao sức khỏe [29], [30].
XBBH còn là một phương pháp đơn giản, dễ làm không xâm lấn, là một phương pháp tác động lên huyệt nhưng không xuyên da, không chảy máu nên chỉ định rất rộng rãi, có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi khi cần, ít xảy ra tai biến và không phụ thuộc vào phương tiện máy móc. Vì vậy XBBH ngày càng được áp dụng rộng rãi trong dự phòng và điều trị bệnh, đặc biệt là ở tuyến cơ sở.
1.3.2.2. Các động tác xoa bóp bấm huyệt [31]
Xát
Dùng mô ngón cái, mô ngón út hoặc gốc bàn tay xát lên da người bệnh. Tác dụng làm lưu thông khí huyết kinh lạc, giảm sưng đau.
Xoa
Dùng gốc bàn tay, hoặc ô mô út, ngón tay cái xoa trên chỗ đau. Hay dùng ở vùng bụng, nơi tổn thương sưng, tấy, đỏ.
Miết
Dùng ngón tay cái, có thể cả hai ngón cái (phải, trái) miết chặt vào da người bệnh theo chiều từ trên xuống, từ dưới lên, từ phải sang trái và ngược lại. Dùng cho vùng bụng và vùng đầu. Tác dụng làm lưu thông khí huyết, chữa tắc mũi, ngạt mũi, đầy bụng, chậm tiêu.
Phân, hợp
Dùng ngón tay cái hay đầu của ba ngón 2, 3, 4 hoặc ô mô út đặt sát nhau, kéo đẩy ra hai bên (phân) hoặc từ 2 bên kéo vào (hợp). Có thể làm trên trán, đầu, mặt, bụng, lưng, ngực. Tác dụng chung là hành khí tán huyết, hạ nhiệt, giảm đau.
Véo
Dùng đầu ngón tay cái và ngón tay trỏ, kéo da người bệnh lên, làm liên tiếp cho da người bệnh luôn bị cuộn ở giữa các ngón tay. Thường véo ở vùng lưng, trán. Tác dụng lưu thông khí huyết, làm ấm và giảm đau do lạnh.
Ấn, bấm, điểm
Dùng đầu ngón tay cái hay đầu ngón tay trỏ tác động lên huyệt hay những vị trí cơ co nhiều. Muốn tạo lực bấm sâu, cần gấp vuông góc đốt ngón 1 và đốt 2. Cần mài móng tay cho nhẵn, tránh gây đau, rách da người bệnh.
Day
Lấy mô út hay gốc bàn tay ấn xuống da vùng huyệt, di động theo đường tròn, da người bệnh di động theo tay thầy thuốc. Tác dụng làm mềm cơ, giảm đau.
Phát
Khum bàn tay, tạo cho lòng bàn tay lõm. Phát nhẹ tăng dần trên da người bệnh sẽ tạo 1 khối khí gây áp lực trên da người bệnh. Tác dụng thông kinh hoạt lạc, giảm đau.
Bóp
Dùng ngón 1 và ngón 2 của bàn tay hay cả 5 ngón bóp vào da thịt. Khi bóp hơi kéo cơ người bệnh lên. Thường dùng ở cổ, gáy, vai, nách và tứ chi. Tác dụng thông kinh hoạt lạc, khu phong, tán hàn, giãn cơ, giảm đau, hạ nhiệt.
Lăn
Dùng mặt bên của mô út (ngoài lòng bàn tay phía ngón út) hoặc mặt ngoài ngón út (ngón 5). Thầy thuốc vận động khớp cổ tay theo nhịp điệu, gây một sức ép của phần bàn tay nói trên lăn trên vùng xoa bóp. Dùng cho vùng lưng, vai, mông, và tứ chi. Tác dụng ôn thông kinh lạc, tán hàn chỉ thống.
Chặt
Nghiêng bàn tay, các ngón khép sát nhau. Thầy thuốc vận động cổ tay theo chiều vận động ngang của bàn tay để cho mặt ngoài ngón 5 hoặc ô mô ngón út chặt lên da thịt người bệnh. Dùng ở vùng cổ gáy, vai, lưng, mông. Tác dụng làm khí huyết lưu thông, giảm đau, tê mỏi.
Vê
Dùng ngón 1 và 2 vê trên các ngón, các khớp ngón của người bệnh. Tác dụng làm lưu thông khí huyết, trơn khớp nhỏ.
Vờn
Dùng cả 2 bàn tay bao lấy vị trí nhất định, chuyển động ngược chiều, làm da thịt người bệnh chuyển động theo. Tác dụng thông kinh, hoạt lạc.
1.3.2.3. Cơ chế tác dụng
* Cơ chế tác dụng xoa bóp bấm huyệt theo y học hiện đại
Đối với hệ thần kinh:
Xoa bóp tác động trực tiếp lên các thụ thể thần kinh dày đặc ở dưới da tạo ra các phản xạ thần kinh đáp ứng từ đó gây nên tác dụng điều hòa quá trình hưng phấn hay ức chế thần kinh trung ương, gây thư giãn thần kinh, giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung, giảm đau, giãn cơ, và điều hòa chức năng nội tạng [32].
Rất nhiều tác giả cho rằng xoa bóp có ảnh hưởng rất lớn đối với hệ thần kinh thực vật, nhất là đối với hệ thần kinh giao cảm, qua đó gây nên những thay đổi trong một số hoạt động của nội tạng và mạch máu. Ví dụ: Xoa bóp gáy, lưng, vai có thể gây nên thay đổi ở cơ quan do thần kinh thực vật ở cổ chi phối và các cơ quan do trung khu thực vật cao cấp ở chất xám não thất III chi phối, do đó dùng để chữa bệnh ở mũi họng [33].
Đối với hệ tuần hoàn và chuyển hóa dưới da
Da và tổ chức dưới da có mạng lưới tuần hoàn mao mạch và bạch huyết rất phong phú, khi xoa bóp sẽ làm giãn hệ thống mao mạch này làm tăng tuần hoàn và dinh dưỡng tại chỗ, giảm phù nề, giảm đau rõ rệt [31].
Đối với hệ vận động (gân, cơ, khớp, dây chằng)
Xoa bóp làm tăng tính co giãn đàn hồi của gân, cơ, tăng sức cơ, tăng tuần hoàn dinh dưỡng cơ thúc đẩy việc tiết dịch ở khớp và tuần hoàn quanh khớp, phòng chống teo cơ cứng khớp. Tăng thải trừ nhanh các sản phẩm chuyển hóa của cơ sau vận động (quan trọng nhất là acid lactic) giúp khắc phục hiện tượng đau mỏi cơ [31].
Đối với xương khớp
Xoa bóp làm tăng tuần hoàn tại chỗ nên có tác dụng tăng cường dinh dưỡng, giảm đau, hạn chế quá trình thoái hóa của xương khớp. Đối với khớp hạn chế vận động, xoa bóp kết hợp với tập vận động giúp phục hồi khả năng vận động của khớp [34].
Đối với quá trình trao đổi chất:
Xoa bóp làm tăng lượng nước tiểu bài tiết ra, nhưng không thay đổi độ acid trong máu. Có tác giả nêu lên, xoa bóp 2-3 ngày sau, chất nitơ trong nước tiểu tăng lên và kéo dài vài ngày, do tác dụng phân giải protid của xoa bóp gây nên. Xoa bóp toàn thân có thể tăng nhu cầu về dưỡng khí 10-15%, đồng thời cũng tăng lượng bài tiết [19].
* Cơ chế tác dụng xoa bóp bấm huyệt theo Y học cổ truyền
Hệ kinh lạc là hệ thống các đường dọc và ngang phân bổ khắp cơ thể; bên trong vào đến tạng phủ, bên ngoài ra đến cơ, da. Nhờ hệ kinh lạc, khí huyết được tuần hoàn để nuôi dưỡng tạng phủ, điều hòa âm dương, làm cơ thể thành một khối thống nhất [35], [36].
Theo YHCT, bệnh tà qua huyệt vào kinh lạc mạch, vào tạng phủ dẫn đến dinh vệ mất điều hoà, kinh lạc bế tắc, khí huyết ứ trệ, rối loạn chức năng của tạng phủ mà sinh ra bệnh tật. Những biểu hiện bệnh lý đó được phản ánh ra ở huyệt và kinh lạc. XBBH thông qua tác động vào huyệt và kinh lạc có thể đuổi ngoại tà, điều hoà dinh vệ, thông được kinh mạch, điều hoà chức năng tạng phủ lập lại cân bằng âm dương [37], [38].
1.3.2.4. Chỉ định, chống chỉ định
* Chỉ định
- Các bệnh mạn tính: Thoái hóa, liệt vận động,....
- Chống đau: đau đầu, đau vai gáy, đau lưng mãn tính, đau cơ, viêm đau rễ, dây thần kinh.
- Các trường hợp co cứng cơ: liệt cứng, co cứng cơ do kích thích rễ, dây thần kinh.
- Tăng cường tuần hoàn và dinh dưỡng cho da, cơ, thần kinh trong các trường hợp bệnh bại liệt, teo cơ.
- Thư giãn, chống mệt mỏi căng thẳng thần kinh, giảm stress, phục hồi cơ bắp sau tập luyện thể thao hay lao động nặng.
* Chống chỉ định
- Các trường hợp gãy xương, chấn thương.
- Cơn hen ác tính, suy hô hấp, nhồi máu cơ tim, các khối u, lao tiến triển.
- Các vùng đang chảy máu hoặc đe dọa chảy máu, các bệnh da liễu.
1.3.2.5. Tai biến và cách xử trí - Bầm tím, sưng đau:
Tùy mức độ đau và mục đích điều trị, người thực hiện xoa bóp điều chỉnh lực tác động sao cho phù hợp, không nên dùng lực quá nhẹ hoặc quá mạnh.
- Trầy xước, chảy máu, nhiễm trùng:
Cần cắt gọn móng tay, vệ sinh tay sạch sẽ, tránh thực hiện nhiều động tác, nhiều lần vào cùng một vị trí.
- Choáng:
+ Triệu chứng: hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, mạch nhanh, sắc mặt tái, nhợt nhạt.
+ Xử trí: dừng XBBH, lau mồ hôi, ủ ấm, uống nước chè đường nóng, nằm nghỉ tại chỗ, theo dõi mạch, huyết áp.
+ Đề phòng: luôn hỏi BN mức độ nặng nhẹ của thao tác để điều chỉnh phù hợp.
Theo dõi kĩ nét mặt BN để kịp thời phát hiện.