1.1. Quan niệm cơ bản về Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa:
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, một quốc gia muốn nhanh chóng xây dựng nên một Đất nước giàu mạnh thì phải bước nhanh vào nền kinh tế tri thức. Bởi vậy, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là bước đi tất yếu mà Việt Nam sẽ phải trải qua.
1.1.1. Quan niệm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa:
Công nghiệp hóa là quá trình tạo nên sự chuyển biến từ nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, dựa trên lao động thủ công, năng suất thấp sang nền kinh tế công nghiệp với cơ cấu kinh tế hiện đại, dựa trên lao động sử dụng bằng máy móc, tạo ra năng suất lao động cao.
Hay là, công nghiệp hóa là quá trình biến một nước có nền kinh tế lạc hậu thành nước công nghiệp hiện đại với trình độ công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, có năng suất lao động cao trong các ngành kinh tế quốc dân.
Qua đó, Hiện đại hóa có thể được hiểu là quá trình tận dụng mọi khả năng để đạt trình độ công nghệ ngày càng tiên tiến, hiện đại.
Từ những quan niệm cơ bản ấy, trong điều kiện của Việt Nam, Đảng ta xác định: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế - xã hội từ sử dụng lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện, phương pháp tiên tiến, hiện đại dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học - công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao”.
1.1.2. Những quan điểm của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức
Nền kinh tế tri thức đã và đang giữ vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong sự tăng trưởng của các nước phát triển, như nền công nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ trọng lớn, lao động trí tuệ có chuyên môn kỹ thuật cao. Vì vậy, bước chuyển sang kinh tế tri thức là bước chuyển có tính tất yếu khách quan, phù hợp với quy luật chung.
Việt Nam là nước có nền kinh tế nông nghiệp đang tiến hành công nghiệp hóa để phát triển kinh tế tránh tụt hậu. Đội ngũ cán bộ khoa học của Việt Nam có khả năng tiếp cận và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.
Qua đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã xác định: “Con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta cần và có thể rút ngắn thời gian, vừa có những bước tuần tự, vừa có những bước nhảy vọt. Phát huy những lợi thế của đất nước, tận dụng mọi khả năng để đạt trình độ công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, tranh thủ ứng dụng ngày càng nhiều hơn, ở mức độ cao hơn và phổ biến hơn những thành tựu mới về khoa học và công nghệ, từng bước phát triển kinh tế tri thức”.
Chủ trương của Đảng và Nhà nước là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đồng thời phát triển kinh tế tri thức là có căn cứ khoa học, phù hợp với xu thế chung của thời đại.
1.2. Tác động của Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa
Từ Đại hội Đảng lần thứ III, Đảng ta luôn coi công nghiệp hóa (CNH) là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Đảng ta xác định thực chất của CNH xã hội chủ nghĩa là ''Quyết tâm thực hiện cách mạng kỹ thuật, thực hiện phân công mới về lao động xã hội là quá trình tích lũy xã hội chủ nghĩa để không ngừng thực hiện tái sản xuất mở rộng''.
Công nghiệp hóa là một giai đoạn tất yếu của mỗi quốc gia. Đặc biệt đối với nước ta, từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, muốn tiến lên CNXH, nhất thiết phải trải qua CNH.
Công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) giúp phát triển lực lượng sản xuất, làm thay đổi căn bản công nghệ sản xuất, tăng năng suất lao động. Đây là thời kỳ tạo
tiền đề vật chất để không ngừng củng cố và tăng cường vai trò của kinh tế nhà nước trong điều tiết sản xuất và dẫn dắt thị trường.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển kinh tế tri thức ở nước ta không chỉ nhằm mục tiêu tăng trường kinh tế mà còn nhằm đạt tới cả mục tiêu xã hội.
Điều này đã phản ánh bản chất định hướng xã hội chủ nghĩa mà quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức mà Việt Nam đang hướng đến.
Đồng thời, CNH-HĐH là động lực phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện tăng cường củng cố an ninh-quốc phòng và là tiền đề cho việc xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức tham gia một cách có hiệu quả vào sự phân công và hợp tác quốc tế.
1.3. Tính tất yếu khách quan
Công nghiệp hóa là cuộc cách mạng về lực lượng sản xuất làm thay đổi căn bản kỹ thuật, công nghệ sản xuất, thực hiện và xã hội hóa về mặt kinh tế, kỹ thuật đóng góp tăng năng suất, tang trưởng và phát triển kinh tế tốc độ cao, tạo được sự ổn định và nâng cao mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội.
1.3.1. Về kinh tế
Phát triển lực lượng sản xuất, biến nền kinh tế nhỏ, thủ công, lạc hâu thành nền kinh tế lớn xã hội chủ nghĩa, cơ khí hóa và hiện đại hóa, không ngừng nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
1.3.2. Về chính trị
Quyết định trong việc xây dựng, tang cường cơ sở xã hội chuyên chính vô sản, tăng cường sự lãnh đạo của giai cấp công dân, củng cố khối liên minh công-nông, bình đẳng hóa giữa các dân tộc.
1.3.3. Về tư tưởng và văn hóa
Thúc đẩy lực lượng lao động nâng cao trình độ về tri thức lẫn đạo đức, nâng cao trình độ văn hóa khoa học kỹ thuật. Đặc biệt là tạo điều kiện vật chất cần thiết để thay đổi tận gốc tư tưởng và văn hóa cũ, xây dựng nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa.
1.3.4. Về quốc phòng - an ninh
Không ngừng góp phần củng cố, tăng cường và hiện đại hóa nền quốc phòng toàn dân.
Tóm lại, tính tất yếu khách quan của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là:
• Do yêu cầu phải xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội.
• Do yêu cầu phải rút ngắn khoảng cách tụt hậu xa về kinh tế, kỹ thuật và công nghệ giữa Việt Nam và thế giới.
• Do yêu cầu phải tạo ra năng suất lao động xã hội cao, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của xã hội.