CHƯƠNG 1 LƯỢC KHẢO TÀI LIỆU
1.4.3. Vai trò của chất hữu cơ trong đất
Chất hữu cơ có tác dụng cải thiện trạng thái kết cấu đất, các keo mùn gắn các hạt đất với nhạu tạo thành những hạt kết tốt, bền vững từ đó ảnh hưởng đến toàn bộ lý tính đất như chế độ nước (tính thấm và giữ nước tốt hơn), chế độ khí, chế độ nhiệt (sự hấp thu và giữ nhiệt tốt hơn), các tính chất phổ biến của đất, việc làm đất cũng dễ dàng hơn. Nhờ đó, nếu đất giàu chất hữu cơ người ta có thể trồng trọt tốt cả nơi đất có thành phần cơ giới quá nặng và quá nhẹ (Trần Văn Chính, 2006).
Khalel. R (1996), khảo sát 42 ruộng tìm thấy sự tương quan có ý nghĩa giữa bón phân hữu cơ và giảm dung trọng đất. Tăng hàm lượng chất hữu cơ trong đất giúp tặng độ xốp của đất, tăng độ bền của đoàn lạp, giảm dung trọng đất.
Theo Trần Văn Chính (2006), chất hữu cơ xúc tiến các phản ứng hóa học, cải thiện điều kiện oxy hóa, gắn liền với sự di động và kết tủa với các nguyên tố vô cơ trong đất. Chất hữu cơ làm tăng khả năng hấp thụ của đất, giữ được chất dinh dưỡng đồng thời làm tăng tính đệm của đất.
Chất hữu cơ ảnh hưởng đến tuần hoàn nước trong đất làm cho nước ngấm sâu trong đất được thuận lợi hơn, khả năng giữ nước cao hơn, việc bốc hơi mặt đất ít đi nhờ vậy mà tiết kiệm được nước tưới, ngoài ra chất hữu cơ còn có tác dụng làm cho đất thông thoáng tránh sự đóng váng và tránh xói mòn (Ngô Ngọc Hưng và ctv., 2004).
Thông qua hoạt động của vi sinh vật, chất hữu cơ phân hủy biến thành mùn. Mùn có khả năng liên kết những hạt đất phân tán làm cho đất có cấu trúc tốt, thoáng khí, dễ cày bữa, giữ nước và giữ phân tốt hơn, giúp rễ cây trồng phát triển mạnh (Võ Thị Gương, 2007).
Thông thường chất hữu cơ có tỷ số C/N cao như rơm rạ và trấu sẽ ảnh hưởng nhiều đến các tiến trình vật lý đất hơn là chất hữu cơ đã phân hủy hoặc bán phân hủy (HESSE, 1984).
Ảnh hưởng của chất hữu cơ đến các tiến trình vật lý đất thể hiện rõ trên đất trồng màu (dryland crops soils) hơn là trên đất trồng lúa nước (flooded rice soil).
1.4.3.2. Là nguồn dinh dưỡng cho cây trồng và vi sinh vật
Nguyễn Lân Dũng (1968) cho rằng nguồn đạm bổ sung cho đất chủ yếu từ nguồn phân hữu cơ và sự cố định đạm của vi sinh vật sống trong đất. Ngoài ra, bản thân phân hữu cơ có chứa các nguyên tố N, P, K, Ca, Mg và nhiều nguyên tố vi lượng cần thiết cho cây trồng. Những nguyên tố này, được giữ một thời gian dài trong các hợp chất hữu cơ. Vì vậy, chất hữu cơ vừa cung cấp thức ăn thường xuyên vừa là kho dự trữ dinh dưỡng lâu dài của cây trồng cũng như vi sinh vật đất (Trần Thành Lập, 1998).
Chất hữu cơ trong đất có liên quan chặt với N tổng số trong đất (Stevenson, 1982). Tuy nhiên, đạm hữu dụng lại tương quan không cao với chất hữu cơ hoặc đạm tổng số trong đất.
Theo Châu Minh Khôi và ctv. (2007) thí nghiệm về hiệu quả của phân hữu cơ lên đất liếp vườn trồng cam, cho thấy bón phân chuồng và phân bã bùn mía ủ hoai với lượng 10T/ha/năm mỗi loại giúp gia tăng hoạt động của vi sinh vật, hàm lượng chất hữu cơ, khả năng hấp phụ và trao đổi cation của đất.
Hàm lượng chất hữu cơ trong đất có liên quan đến sinh khối vi sinh vật đất (Saffigna et la., 1989). Hàm lượng chất hữu cơ trong đất cao còn góp phần làm tăng mật số và đa dạng vi sinh vật. Do đó, tăng tính cạnh tranh góp phần làm giảm mật số vi sinh vật có hại trong đất.
1.4.3.3. Duy trì và bảo vệ đất
Chất hữu cơ được xem là nguồn dinh dưỡng đặc biệt có ý nghĩa đến độ phì nhiêu của đất. Theo Võ Thị Gương và ctv. (2004) cho rằng việc bón phân hữu cơ với liều lượng 10T/ha có hiệu quả tốt trong việc nâng cao hàm lượng chất hữu cơ, đạm hữu cơ dễ phân hủy, đạm hữu dụng và hoạt động của vi sinh vật đất. Chất hữu cơ có vai trò và hệ đệm để cải thiện tính chất vật lý, tăng khả năng giữ nước, giữ phân, nâng cao hiệu quả sử dụng phân vô cơ, làm giảm ảnh hưởng độc hại của kim loại nặng đối với cây trồng và đảm bảo môi trường sống cho vi sinh vật có ích.
Chất hữu cơ còn có khả năng hấp phụ Al, Fe, hấp thu hóa chất bảo vệ thực vật và các hợp chất hữu cơ trong đất. Sự hấp thu của chất hữu cơ là mấu chốt của sự chuyển hóa thuốc bảo vệ thực vật trong đất bao gồm: hoạt động sinh học, lưu tồn, phân hủy sinh học, lọc và bay hơi. Chất hữu cơ và sét là các thành phần quan trọng trong đất thường hấp thụ và liên kết với các hóa chất thuốc bảo vệ thực vật (Dương Minh Viễn và ctv., 2007).
1.4.3.4. Sự chuyển hóa chất hữu cơ trong đất
Theo Trần Văn Chính, 2006, các chất hữu cơ trong đất có quá trình biến đổi phức tạp với sự tham gia trực tiếp của các vi sinh vật đất và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố của môi trường đất. Xác vi sinh vật tồn tại trên mặt đất hoặc trong các tầng đất, trong quá trình phân giải chúng mất cấu trúc hình dạng còn các hợp chất cấu tạo nên xác sinh vật thì bị chuyển đổi thành các hợp chất linh hoạt hơn, dễ tan hơn.
Một phần hợp chất này được khoáng hóa hoàn toàn để tạo ra sản phẩm của cuối cùng là CO2 và H2O (Nguyễn Thế Đặng, 1999).
Các chất hữu cơ khi đi vào đất sẽ chịu tác động của hai quá trình xảy ra là quá trình khoáng hóa và quá trình mùn hóa, tùy theo điều kiện đất đai và hoạt động của vi sinh vật mà một trong hai quá trình trên chiếm ưu thế.
Nếu sử dụng đất liên tục, ít bón phân hữu cơ sẽ làm cho sự khoáng hóa chất hữu cơ xảy ra quá mạnh dẫn đến làm giảm hàm lượng chất hữu cơ trong đất.
Đất trồng trọt khi bị giảm chất hữu cơ sẽ trở nên thoái hóa, có tính chất vật lý và hóa học kém, độ phì nhiêu và sức sản xuất sẽ giảm. Bón phân hữu cơ cho đất là
biện pháp tốt nhất để duy trì và làm gia tăng hàm lượng chất hữu cơ trong đất (Ngô Ngọc Hưng và ctv., 2004).
Nhìn chung chất hữu cơ có ảnh hưởng rất đa dạng đến các tính chất của đất.
Trong điều kiện bình thường các tác động này theo hướng cải thiện hóa lý tính của đất, giúp ổn định cấu trúc (Trần Văn Chính, 2006).