Bối cảnh lịch sử

Một phần của tài liệu Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên – Tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam (Trang 45 - 64)

2.1.1. Tình hình thế giới cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là một giai đoạn có nhiều chuyển biến lịch sử quan trọng, những sự kiện ấy đã tác động đến tất cả các nước trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam, cụ thể:

* Về chính trị

Với thắng lợi của các cuộc cách mạng tư sản, chủ nghĩa tư bản từng bước xác lập sự tồn tại của mình ở nhiều nước phương Tây (trước hết là Tây Âu và Bắc Mỹ) bằng việc thiết lập chế độ tư bản chủ nghĩa cùng nền dân chủ tư sản, tạo nên bước chuyển từ chế độ quân chủ sang dân chủ, từ quân quyền sang pháp quyền.

Đến khoảng những năm 70 của thế kỉ XIX, thành tựu của cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật lần thứ 2 cho phép sử dụng máy móc chạy bằng năng lượng điện để sản xuất hàng loạt thay vì sản xuất đơn lẻ. Sự kiện này mở ra kỉ nguyên điện khí hoá trong công nghiệp, qua đó giúp cho chủ nghĩa tư bản “tạo ra được một lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của các thế hệ trước gộp lại” [112, tr. 603].

Những bước tiến đó không chỉ làm cho giai cấp tư sản có thể đứng vững trên cơ sở vật chất do chính bản thân nó tạo ra mà còn mở đường cho hành trình “giai cấp tư sản xâm lấn khắp toàn cầu. Nó phải xâm nhập vào khắp nơi, trụ lại ở khắp nơi và thiết lập những mối liên hệ ở khắp nơi” [112, tr. 601]. Hay nói cách khác, thời điểm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, “chủ nghĩa tư bản đã tạo một thế giới theo hình dạng của nó” [112, tr. 602].

Không chỉ mở rộng phạm vi đường biên giới đơn thuần mà chủ nghĩa đế quốc còn xác lập sự thống trị thế giới thông qua công cuộc quốc tế hóa tư bản chủ nghĩa một cách toàn diện, từ việc buộc các dân tộc phải thực hành phương thức sản xuất tư bản đến việc áp đặt tất cả các dân tộc phải du nhập cái gọi là văn minh châu Âu, nghĩa là phải trở thành tư sản, nếu không sẽ bị tiêu diệt. Rất rõ ràng, hành động khai hóa văn minh,

“dù là của Pháp, của Hà Lan hay của Anh thì thực chất đều là khai thác, bóc lột thuộc địa, mà hành động cụ thể là tiến hành nô lệ hóa các dân tộc yếu thế và bóc lột các dân tộc này lâu chừng nào hay chừng ấy” [112, tr. 674]. Cũng chính vì “lâu chừng nào hay chừng ấy” nên đã “đánh thức” quyền làm người của những con người bị bóc lột, chèn ép lâu ngày. Điều này lý giải tại sao ở các nước thuộc địa nảy sinh mâu thuẫn mới – mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc thuộc địa với đế quốc và tay sai, bên cạnh mâu thuẫn

giai cấp đã tồn tại trước đó. Biểu hiện của sự thức tỉnh nhân quyền về mặt xã hội chính là các phong trào đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa nhằm chống lại sự cai trị tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc. Từ đây, đòi hỏi các nước ở phương Đông ngoài các nhiệm vụ cũ của quốc gia, dân tộc, còn phải giải quyết hai nhiệm vụ mới: (1) bảo vệ độc lập chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia dân tộc; (2) cải cách, duy tân, tự cường phát triển đất nước về mọi mặt (kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng, giáo dục, quân sự...) nhằm tăng cường sức mạnh nội lực và từng bước nâng cao uy tín, vị trí, vai trò quốc gia dân tộc trên trường quốc tế. Hai nhiệm vụ này cần phải giải quyết song song với nhau vì chúng có quan hệ biện chứng với nhau, nhiệm vụ này là điều kiện tiền đề, cơ sở cho nhiệm vụ kia. Tuy nhiên, ở phương Đông, ngoại trừ Xiêm và Nhật Bản, các nước còn lại đều không giải quyết được bài toán này và hệ quả là bị rơi vào tay tư bản nước ngoài, Việt Nam cũng chịu chung số phận.

* Về tư tưởng:

Cùng với bước chân xâm lược của các nước đế quốc phương Tây trong hành trình quốc tế hóa tư bản chủ nghĩa, giai cấp tư sản tiến hành truyền bá nền văn minh phương Tây tới các quốc gia phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Những nội dung về văn hóa – tư tưởng phương Tây được phổ biến, tác động vào các nước thuộc đia dưới nhiều góc độ, phương diện như khoa học, kỹ thuật, tư tưởng tiến bộ…

Trong đó, nội dung nổi bật và có ảnh hưởng nhất là trào lưu tư tưởng của phong trào Khai sáng Pháp thế kỷ XVII, XVIII, tiêu biểu là các nhà tư tưởng Vônte (Voltaire, 1694 - 1778), Môngtexkiơ (Montesquieu, 1689 – 1755), Rútxô (Rousseau, 1712 – 1778)…

Đặc biệt, tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái hay quản lý xã hội bằng pháp luật như luồng gió mới, kích thích các nhà tư tưởng phương Đông nói chung và ở Việt Nam nói riêng phải thay đổi tư duy truyền thống để tìm ra một con đường mới, với hệ tư tưởng tiến bộ và phù hợp với yêu cầu của lịch sử đặt ra.

Thời điểm này, ở Châu Á, một số cuộc cải cách đất nước của các nước Đông Á và Đông Nam Á diễn ra khá thành công, tạo nên những bước chuyển trong tư tưởng các nước thuộc địa, nửa thuộc địa (trong đó có Việt Nam).

Tiêu biểu nhất là cuộc cải cách ở Nhật Bản. Với khẩu hiệu “Phú quốc cường binh”, “Quyết theo kịp phương Tây”, Thiên hoàng Minh Trị đã tiến hành một cuộc cải cách toàn diện xã hội về: kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá, giáo dục, xã hội. Nhờ đó, lần đầu tiên trong lịch sử, Nhật Bản - một nước phong kiến Châu Á nhanh chóng vươn lên thành tư bản chủ nghĩa, sánh ngang với các nước tư bản phương Tây. Từ sự nghiệp cải cách của Nhật Bản đã thôi thúc các nhà tư tưởng Việt Nam đi tìm lời giải

đáp cho dân tộc về vấn đề độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phát triển đất nước, tiếp thu văn minh phương Tây.

Đất nước thứ hai ở Châu Á thoát khỏi số phận trở thành thuộc địa là Thái Lan.

Mặc dù bị Anh và Pháp can thiệp nhưng do sớm nhận thức được cục diện chính trị thế giới, thấy trước nguy cơ bị phương Tây xâm lược nên những người đứng đầu Thái Lan đã nhanh chóng tiến hành cải cách đất nước theo hướng tư bản chủ nghĩa. Nhờ những biện pháp phát triển đất nước linh hoạt và phù hợp cùng đường lối ngoại giao mềm dẻo, Thái Lan đã bảo vệ được nền độc lập của dân tộc.

Tại Trung Quốc, cuộc đụng độ giữa chế độ phong kiến Trung Quốc và chủ nghĩa tư bản đã biến Trung Quốc thành một nước phong kiến, thuộc địa và ngày càng rơi vào cảnh bị các nước thực dân xâu xé. Trước thực trạng trên, nhiều nhà tư tưởng tiến bộ đề xuất chủ trương duy tân, tiêu biểu là phong trào Duy tân cuối thế kỷ XIX do Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu khởi xướng. Những tư tưởng tiến bộ của phong trào Duy Tân đã có ảnh hưởng rất lớn đến các nhà nho yêu nước và tiến bộ Việt Nam, đặc biệt là tư tưởng tư sản phương Tây qua sách báo Trung Quốc và các tác phẩm của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu.

Đầu thế kỷ XX, cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911 do nhà cách mạng Tôn Trung Sơn lãnh đạo thành công. Đó là thắng lợi của cuộc cách mạng tư sản đầu tiên tại các nước thuộc địa và phụ thuộc ở châu Á, từ đó động lực Duy tân Trung Quốc vang dội bốn phương và có ảnh hưởng sâu sắc đối với các nhà tư tưởng tiến bộ ở Việt Nam.

Cùng với các cuộc canh tân đất nước ở Nhật Bản, Thái Lan và Trung Quốc là thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917). Cuộc cách mạng này đã giải quyết một cách triệt để mâu thuẫn giữa độc lập dân tộc với chủ nghĩa đế quốc; mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản, nhân dân lao động với giai cấp tư sản, địa chủ. Từ đây, mở ra cho phong trào cách mạng thế giới một khuynh hướng đấu tranh mang tên cách mạng vô sản: “Mở ra trước mắt họ thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại GPDT” [126, tr. 164]

Có thể thấy, tất cả các sự kiện trên đã dội vào Việt Nam, góp phần thức tỉnh khả năng đấu tranh và tinh thần đoàn kết dân tộc của mọi người dân Việt Nam trong sự nghiệp giành lại độc lập cho dân tộc, tự do cho Tổ quốc.

* Về tổ chức cách mạng:

Cuộc cách mạng đầu tiên của giai cấp vô sản trong lịch sử nhân loại diễn ra ở Pháp (1871). Mặc dù Công xã Pari tồn tại không lâu nhưng đã ghi lại dấu ấn quan trọng trong tư duy không chỉ của lịch sử nước Pháp mà của cả nhân loại. Sau đó, nhiều tổ chức đảng của giai cấp công nhân ra đời. Đồng thời, sự đoàn kết giữa công

nhân ở chính quốc với nhân dân các nước thuộc địa, nửa thuộc địa cũng bắt đầu hình thành và phát triển.

Cuối thế kỉ XIX, cuộc cách mạng công nghiệp 2.0 làm cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ngày càng phát triển, dẫn tới mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân hiện đại với giai cấp tư sản lỗi thời. Hệ quả là hàng loạt các cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại áp bức của giai cấp tư sản diễn ra.

Năm 1917, dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin, Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, sự ra đời của chế độ xã hội chủ nghĩa trên thực tế ở đất nước chiếm 1/6 diện tích thế giới đã trở thành điểm nhấn quan trọng trong lịch sử nhân loại. Từ đây, ngọn lửa đấu tranh của giai cấp công nhân đã được thổi bùng lên khắp thế giới. Ngay trong năm 1918, một loạt đảng cộng sản của giai cấp công nhân được thành lập ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Phần Lan, Áo, Hà Lan, Hunggari, Đức, Balan… Bên cạnh đó, các nhóm, các tổ chức cộng sản cũng được thành lập ở nhiều nơi trên thế giới trong năm 1918-1919 như: Tiệp Khắc, Rumani, Italia, Trung Quốc, Triều Tiên, Nam Phi, Úc, Achentina…

Tháng 3 năm 1919, tại Matxcơva, để bảo vệ thành quả cách mạng cũng như giúp phong trào cách mạng thế giới phát triển, đã diễn ra Hội nghị (được coi như Đại hội) thành lập Quốc tế III. Những văn kiện được thông qua tại Đại hội thành lập Quốc tế III khẳng định sức sống của chủ nghĩa Mác trong thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Đồng thời, đáp ứng được yêu cầu của lịch sử đặt ra đối với phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và phong trào GPDT trên thế giới. Đánh giá ý nghĩa lịch sử toàn thế giới của việc thành lập Quốc tế Cộng sản, V.I.Lênin viết:

Việc thành lập Quốc tế III, tức Quốc tế Cộng sản, ở Mátxcơva, ngày 2 tháng Ba 1919, là sự ghi lại những cái không những do quần chúng vô sản Nga, quần chúng vô sản toàn nước Nga, mà còn do quần chúng vô sản các nước Đức, Áo, Hung, Phần Lan, Thụy Sĩ, tóm lại, do quần chúng vô sản quốc tế, đã giành được. Chính vì vậy việc thành lập Quốc tế III tức Quốc tế Cộng sản, là một sự nghiệp bền vững [98, tr. 624]

Từ nội dung bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lênin, được Đại hội II của QTCS (1920) thông qua, đã giúp các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới tìm thấy con đường của độc lập – tự do – hạnh phúc. Qua đó, tạo nên một bước chuẩn bị tư tưởng cho phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa trên thế giới. Đồng thời, QTCS còn đào tạo được đội ngũ đông đảo các nhà cách mạng cho sự nghiệp cách mạng của các dân tộc phương Đông, góp

phần thúc đẩy phong trào cách mạng thế giới phát triển mạnh mẽ. Khẳng định vai trò của QTCS đối với cách mạng Việt Nam, trong bài Đệ Tam Quốc Tế viết năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: “An Nam muốn cách mệnh thành công, thì tất phải nhờ Đệ tam quốc tế” [121, tr. 312] và lịch sử đã chứng minh đúng như vậy.

Tóm lại, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, hoàn cảnh lịch sử của thế giới có nhiều chuyển biến mạnh mẽ: Chủ nghĩa tư bản ở phương Tây phát triển vượt bậc, đẩy chế độ phong kiến vào quá khứ. Trong quá trình ấy, đối với các nước tư bản, trước những nhu cầu của sự phát triển mới, nhu cầu xâm lược nước ngoài để tìm kiếm thị trường ngày càng trở nên cấp bách. Từ đó, hầu hết các nước nghèo nàn, lạc hậu, kém phát triển (bao gồm cả Việt Nam) đều trở thành mục tiêu của các nước đế quốc phương Tây. Lúc này, ở Châu Á, các cuộc canh tân đất nước của Nhật Bản, Trung Quốc… tạo ra sự phát triển kinh tế xã hội, làm biến đổi bộ mặt đất nước, thay đổi căn bản chế độ chính trị. Đặc biệt, khi Cách mạng Tháng Mười Nga giành thắng lợi (1917) đã làm cho hệ tư tưởng của giai cấp công nhân ngày càng ảnh hưởng rộng khắp trên phạm vi thế giới, phong trào đấu tranh GPDT phát triển nhanh chóng. Với những gì diễn ra trong những năm đầu thế kỷ XX, châu Á đã thực sự “thức tỉnh”. Đặc biệt, “Luồng gió từ nước Nga thợ thuyền, từ Trung Quốc cách mạng, hoặc từ Ấn Độ chiến đấu đang thổi đến giải độc cho người Đông Dương” [120, tr. 40]. Thực tiễn sinh động ấy đặt câu hỏi cho dân tộc Việt Nam là phải đi con đường cách mạng nào để bảo vệ độc lập dân tộc cũng như phát triển đất nước theo kịp các nước trong khu vực?

2.1.2. Tình hình Việt Nam

2.1.2.1. Chính sách cai trị của thực dân Pháp và hệ quả của nó

* Về chính trị:

Trước khi thực dân Pháp xâm lược, Việt Nam là một nước phong kiến độc lập và mô hình nhà nước của triều đình nhà Nguyễn là mô hình một nhà nước quân chủ chuyên chế tuyệt đối dựa trên học thuyết Nho giáo. Thời điểm đầu thế kỉ XX, mô hình này thể hiện sự bất cập khi quyền lực nhà nước tập trung trực tiếp trong tay các ông Vua. Từ sự lạc hậu về chính trị đã dẫn đến sự yếu kém của Việt Nam trên nhiều phương diện khác của đất nước.

Ngày 01/09/1858, thực dân Pháp mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nổ súng tiến công bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng. Sau đó, thực dân Pháp mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược vào Nam rồi lan nhanh ra khắp cả nước. Sự kiện hoà ước Giáp Thân (Hiệp ước Patenôtre) được kí kết giữa nhà Nguyễn với thực dân Pháp vào ngày 6 tháng 6 năm 1884 tại kinh đô Huế, đã chính thức mở đầu thời kỳ Việt Nam mất độc lập, tự do và trở thành quốc gia lệ thuộc vào nước Pháp. Cùng với quá trình thâu tóm

dần quyền lực nhà nước từ vua quan nhà Nguyễn về tay mình là quá trình thực dân Pháp hành động để chấm dứt ảnh hưởng của triều đình Bắc Kinh.

Sau năm 1884, quá trình tổ chức cai trị theo lãnh thổ ngày càng được thực dân Pháp củng cố và hoàn thiện. Thực dân Pháp chia Việt Nam thành 3 Kỳ với 3 chế độ chính trị cai trị khác nhau, trong đó cả ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp thực chất nằm trong tay thực dân Pháp, triều đình phong kiến nhà Nguyễn chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, không còn quyền lực thực tế, đúng như nhận định của Mác, Ph.Ăngghen:

“Bất cứ ở chỗ nào mà giai cấp tư sản chiếm được chính quyền thì nó đạp đổ những quan hệ phong kiến, gia trưởng và điền viên” [112, tr. 599 - 600]. Theo đó, nguyên tắc tập trung quyền lực trong tay Vua nhà Nguyễn trước đây, sau khi bị thực dân Pháp thôn tính, đặc biệt sau khi Liên bang Đông Dương ra đời, đã chuyển sang “nguyên tắc tập trung quyền lực trong tay người Pháp” [175, tr. 145]. Mô hình nhà nước phong kiến đã dần chuyển sang một mô hình nhà nước có tính chất tư sản (đặc biệt ở Nam Kỳ) với những nét đặc thù trong điều kiện tồn tại ở một nước thuộc địa. Nhà nước quân chủ phong kiến chuyên chế đã nhường chỗ cho nhà nước thực dân phong kiến - một nhà nước “lưỡng thể về chính trị”, một nhà nước có sự kết hợp và pha trộn của hai tính chất phong kiến và tư sản. Cách tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước có nhiều thay đổi so với thời kỳ phong kiến trước đây. Nhà nước từ chỗ là công cụ của giai cấp địa chủ phong kiến để nô dịch và bóc lột nhân dân (chủ yếu là nông dân) trở thành công cụ của thực dân, phong kiến nô dịch, áp bức toàn thể nhân dân Việt Nam, làm giàu cho thực dân xâm lược và phong kiến bản xứ. Năm 1887, Liên bang Đông Dương ra đời - Đó là “mốc chuyển hoá của chính quyền phong kiến vào phạm trù chính quyền thuộc địa” [41, tr. 275]. Việt Nam từ một quốc gia thống nhất với một bộ máy nhà nước duy nhất trong cả nước dưới thời nhà Nguyễn độc lập, giờ đây bị chia thành “ba quốc gia” tương ứng với ba Kỳ với các quy chế cai trị khác nhau, với ba hệ thống chính quyền cho mỗi Kỳ, là bộ phận của chính quyền Liên bang Đông Dương.

* Về kinh tế:

Trước khi thực dân Pháp xâm lược, dù theo chính sách trọng nông, ức thương song nhà Nguyễn không quan tâm đến chính sách khuyến nông một cách thoả đáng, nên xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX hoàn toàn vẫn là một xã hội nông nghiệp lạc hậu và nền kinh tế tài chính rơi vào tình trạng suy đốn trầm trọng về mọi mặt. Hệ quả là “các yếu tố tư bản chủ nghĩa mới nảy sinh trong nền kinh tế, đang trên đà phát triển tự nhiên và tiến bộ, phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội hồi đó, đều bị bóp nghẹt” [74, tr. 78]. Trên cơ sở đó, nền tài chính quốc gia ngày một kiệt quệ. Đời sống nhân dân ngày càng cực khổ.

Một phần của tài liệu Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên – Tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam (Trang 45 - 64)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(218 trang)
w