Ý nghĩa của tranh dân gian Đông Hồ

Một phần của tài liệu Văn hóa Nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ (Trang 20 - 30)

Chương III Tranh dân gian Đông Hồ - Nghệ thuật tái hiện cuộc sống của người bình dân

5/ Ý nghĩa của tranh dân gian Đông Hồ

Về giá trị nghệ thuật, tranh dân gian Đông Hồ có tính biểu trưng cao,

trang trí nhưng vẫn giữ được nét mộc mạc, dễ hiểu, gần gũi với đời sống của người dân vùng châu thổ Bắc Bộ, độc đáo trong việc sử dụng đường

nét tiết giản và những mảng màu dẹt đều, là màu tự nhiên của cỏ cây, hoa lá, tươi sáng trên nền giấy dó quét điệp óng ánh. Tranh Đông Hồ còn đóng góp lớn vào kho tàng mỹ thuật dân gian của nước ta. Tranh Đông Hồ thể hiện sự sáng tạo của người dân đồng bằng Bắc Bộ. Về Về nội dung, tranh dân gian Đông Hồ phản ánh sâu sắc đời sống tinh thần, vật chất của con người, xã hội theo quan điểm mỹ học dân gian của người dân vùng này.

Những bức tranh nói lên ước mơ ngàn đời của người lao động về một cuộc sống gia đình thuận hòa, ấm no, hạnh phúc và một xã hội công bằng, tốt đẹp.

Chương IV : Tranh dân gian Đông Hồ - Thách thức và bảo tồn

Nền kinh tế nước nhà đang dần chuyển hướng đến sự hiện đại với sự bùng nổ phát triển của công nghiệp, kĩ thuật. Bên cạnh đó, xu hướng toàn cầu hóa được biểu hiện thông qua sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa nước ta với các nước trên thế giới tạo điều kiện cho văn hóa nước ngoài du nhập vào nước ta. Văn hóa du nhập từ nước ngoài tác động chi phối đến nhận thức của con người, một phần lấn át đi những giá trị truyền thống tốt đẹp vì tính thời đại. Điều này đã tạo ra một thách thức rất lớn đối với việc bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, đặc biệt trong đó có việc bảo tồn và giữ gìn tranh dân gian Đông Hồ.

“ Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có khoảng hơn 1000 làng nghề, trong đó có 300 làng nghề truyền thống, hàng năm mang lại doanh thu khoảng 600 triệu USD. Tuy nhiên, nguy cơ biến mất của các làng nghề truyền thống trước sức ép của kinh tế thị trường đang ngày càng hiện hữu”, Phan Nguyệt, Nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam, http://designs.vn/. Qua nhận định trên, có thể thấy nguy cơ dần bị mai một, biến mất của các làng nghề nói chung và làng tranh Đông Hồ nói riêng. Những năm gần đây, tranh khắc gỗ dần bị mai một, làng tranh Đông Hồ đã thành làng... “hàng mã”. Đến Đông Hồ bây giờ không còn cảnh chợ tranh sầm uất, muôn màu giấy điệp phơi trên sào nứa ngoài sân đất, thay vào đó là sắc màu hàng mã rực rỡ được phơi. Có một điều đáng buồn hiện nay là tranh không còn mang tính “thuần Việt” như thời xưa mà đang dần bị “thương mại hoá”. Thú chơi tranh Đông Hồ hầu như giờ rất ít thấy hoặc không thấy, người ta không còn treo tranh vào dịp Tết. Số lượng nghệ nhân

làm tranh chỉ vỏn vẹn trên dưới hai mươi người, nhiều người trong số họ nay đã tuổi cao nên chỉ có thể cầm cự giữ nghề cho đến khi họ qua đời.

Vấn đề được đặt ra là sau đó liệu còn ai và bao nhiêu người sẽ giữ nghề và giữ được hồn cho tranh Đông Hồ.

Lý giải cho sự mai một đang diễn ra có thể kể đến nguyên nhân thời đại. Máy móc hiện đại xuất hiện tất nhiên cũng kéo theo sự ra đời của tranh vẽ hiện đại. Tranh vẽ hiện đại cạnh tranh gay gắt với tranh dân gian truyền thống trong đó có tranh Đông Hồ. Do sản xuất bằng công nghệ hiện đại, nhanh chóng và với số lượng lớn, giá thành không quá cao nên tranh hiện đại đã dần chiếm lĩnh thị trường. Thời hiện đại việc trang trí nhà cửa bằng những thiết bị, tranh ảnh theo phong cách hiện đại nên khiến tranh Đông Hồ dần bị mất ngôi. Do nhu cầu thẩm mỹ thay đổi nên tranh Đông Hồ ngày càng bị quên lãng và dần chìm vào trong dĩ vãng. Tuy nhiên, không thể không kể đến nguyên nhân đến từ chính dòng tranh Đông Hồ trong giai đoạn hiện nay. Một số họa sĩ cũng cho rằng ở thời điểm hiện tại, tranh Đông Hồ thường không có màu sắc thắm như ngày xưa vì người ta trộn màu trắng vào điệp quét giấy nhằm bớt lượng điệp khiến giấy mất độ óng ánh và trở thành bức tranh thường như bao loại tranh khác, màu sắc sử dụng cũng chuyển sang loại màu công nghiệp cho tiện lợi nên các bản khắc mới có bản không được tinh tế như bản cổ. Không những thế, một số bản khắc đã đục bỏ phần chữ Hán (hoặc chữ Nôm) bên cạnh phần hình của tranh khiến tranh ít nhiều bị mất đi giá trị về mặt ý nghĩa. Đục bỏ phần chữ Hán hoặc chữ Nôm xảy ra có thể là do sau năm 1945 thì chữ Hán và Nôm bị xem là lạc hậu. Ngoài ra thế hệ hiện đại thì chữ Hán hoặc chữ Nôm thì không phải ai cũng biết đọc và hiểu được nó. Tóm lại, thách thức mai một và nguy cơ biến mất của tranh vẫn vô cùng lớn và cần có thời gian dài cũng như cần những kế hoạch, quyết lược phù hợp để giải quyết.

Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ hẳn là mong ước của những người yêu mến những giá trị truyền thống và tâm huyết của những nghệ nhân làm tranh nói chung. Về giải pháp bảo tồn thì Đại biểu Quốc hội khóa XII Cao Sỹ Kiêm nói rằng “Để cho làng tranh và vị trí tranh được phát huy, phát triển thì phải có điều kiện về mặt xã hội, tinh thần, chính sách và các hoạt động của đoàn thể, tổ chức xã hội. Đối với làng tranh Đông Hồ cũng như những làng tranh truyền thống chúng ta cần giữ gìn, phát huy, phát triển và luôn luôn đổi mới và có những tuyên truyền để giữ được nét riêng, giữ được vị trí, cốt cách đã hình thành nhiều năm. Cùng với đó là phải có sự phối hợp với nhiều lĩnh vực khác.” Đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị

An cũng nêu ý kiến : “Chúng tôi cho rằng về mặt chính sách của Nhà nước cần có sự hỗ trợ để nghề tranh truyền thống không chỉ tranh Đông Hồ mà còn các nghề dân gian khác tương tự được phát triển. Hỗ trợ đó có thể là về mặt tài chính, cơ chế để nghề được phát triển ở chính địa phương và từ đó cung cấp khắp cả nước và ra nước ngoài qua còn đường xúc tiến thương mại, du lịch. Nghề được phát triển thì nghệ nhân mới sống được với nghề của mình từ đó thế hệ trẻ mới noi theo.”Hiện tại, làng tranh Đông Hồ vẫn đang được bảo tồn giữ gìn với nhiều hình thức khác nhau nhưng có lẽ biện pháp quan trọng nhất là làm sao để đưa tranh Đông Hồ trở lại hấp dẫn với cuộc sống và dần thay đổi tâm thức người dân hướng nhiều hơn đến những giá trị truyền thống của dân tộc. Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ với những giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học đã được Chính phủ đồng ý cho lập hồ sơ trình UNESCO và được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã đầu tư gần 3 tỷ đồng để xây dựng Trung tâm lưu giữ, bảo tồn tranh Đông Hồ với khu nhà sản xuất giấy, khu in tranh, giã điệp và khu trưng bày sản phẩm phục vụ du khách. Đây cũng là nơi thanh niên trong làng đến học cách làm tranh và tìm hiểu nghề truyền thống của quê hương. Trong “Dự án khôi phục tranh dân gian Việt Nam” do nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa khởi xướng, bà cùng nhóm tác giả Trịnh Sinh, Lê Bích đã ra mắt Cuốn “Dòng tranh dân gian Đông Hồ”

vào sáng 31/7/2019 tại Hà Nội hy vọng sẽ góp phần vào việc bảo tồn vốn di sản quý báu của dân tộc và có những đóng góp mới trong việc nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật, lịch sử, dân tộc học…Tóm lại, việc giữ gìn và phát huy những giá trị của tranh Đông Hồ cần sự chung tay và góp sức của nhiều người, nhiều cơ quan ban ngành để mai sau tranh Đông Hồ vẫn còn được tồn tại và giữ nguyên vẹn giá trị của nó.

Hình 13 : Sách “Dòng tranh dân gian Hình 14 : Trung tâm bảo tồn và giao Đông Hồ của tác giả Nguyễn lưu tranh dân gian Đông Hồ của Thị

Thu Hòa xuất bản năm 2019 cụ Nguyễn Đăng Chế ở Bắc Ninh

Nguồn : http://www.baodienbienphu.info.vn/ và baoxaydung.com.vn

Chương V : Những bức tranh dân gian Đông Hồ tiêu biểu và nổi tiếng

Tranh dân gian Đông Hồ có rất nhiều thể loại với vô vàn các tác phẩm. Phần này tôi xin được giới thiệu một vài tác phẩm tiêu biểu và nổi tiếng nhất trong tranh Đông Hồ. Tuy mỗi bức tranh sẽ mang lại những ý nghĩa khác nhau nhưng vẫn có một đặc trưng chung là tính nhân văn, triết lý, châm biếm sâu sắc mà người sáng tác muốn gửi đến người xem và người thưởng thức tranh. Một số bức tranh sẽ được giới thiệu gồm Đám cưới chuột, cặp tranh Vinh Hoa – Phú Quý, Đánh ghen, Đấu vật và cặp tranh Chăn trâu thổi sáo – Chăn trâu thả diều, đây điều là những bức tranh độc đáo mà khi nhìn thì có lẽ ai cũng sẽ nhận ra đây là tranh của làng Đông Hồ chứ không nhầm lẫn với một làng tranh nào khác.

Hình 15 : Tranh Đám cưới chuột

Nguồn : https://innamdinh.vn/blog/tin-in/y-nghia-tranh-dam-cuoi-chuot- cua-lang-tranh-dan-gian-dong-ho.html

Quan sát bức tranh ta thấy được Đám cưới chuột bề ngoài là một đám cưới vui vẻ nhưng muốn thế thì phải có cống vật dâng lên mèo.

Bức tranh khoác lên hình ảnh tầng lớp xã hội phong kiến thông qua hình tượng các con vật một cách dí dỏm và sâu sắc…. Người nghệ nhân dân

gian dã thổi hồn vào bức tranh, nhân hóa loài chuột để chúng mang hình dáng như con người, cũng biết làm đám cưới, lấy vợ. Tranh châm biếm ở chỗ, chú rể chuột kia muốn đón dâu lại phải mang chim, mang cá cống cho mèo. Loài chuột vốn ranh ma, tinh quái, đa nghi, luôn cảnh giác với loại mèo là kẻ thù không đội trời chung nhưng nay lại hối lộ mèo, tranh cũng châm biếm mèo tham của hối lộ. Chính vì thế, bức tranh Đám cưới chuột ra đời với ẩn ý sâu xa của là sự đả kích, châm biếm nạn hối lộ của một số người tầng lớp xã hội xưa đại diện qua hình ảnh những chú chuột, nạn tham nhũng của những kẻ thống trị đại diện qua hình ảnh con mèo. Có thể nói rằng đây là một kiệt tác của mỹ thuật dân gian nói riêng và mỹ thuật Việt Nam nói chung.

Hình 16 : Cặp tranh nổi tiếng Vinh Hoa – Phú Quý

Nguồn : http://tranhdongho.bacninh.com/xem-san-pham/28062/tranh- dong-ho-vinh-hoa.html và http://www.tranhdangiandongho.vn/san- pham/tranh-phu-quy-161

Tranh Vinh hoa với hình ảnh cậu bé ôm gà đem đến cho năm mới ý nguyện hiển đạt với đủ đức hạnh quân tử: nhân, nghĩa, tín, dũng và văn võ song toàn cho người đàn ông trong gia đình. Tranh Phú Quý với hình ảnh em bé gái ôm vịt đem đến ước nguyện phẩm chất duyên dáng, dịu dàng, trong sáng. Bên cạnh đó, bức tranh còn mang hàm ý chúc cho gia đình có con cái thì phải có đầy đủ cả trai và gái như vậy mới tròn đầy.

Như thế mới là Vinh Hoa – Phú Quý, gia đình sẽ thêm nhiều niềm vui và may mắn, toàn vẹn và hài hòa cả âm dương.

Tranh “Đánh ghen” với lời đề “Thôi thôi nuốt giận làm lành. Chi điều sinh sự nhục mình, nhục ta”, bên cạnh hình tượng các nhân vật và không gian ươc lệ được hình tượng hóa gia cảnh của các nhân vật bằng các mảng tường hoa, bình phong. Các nhân vật được khắc họa sâu sắc chẳng hạn hình ảnh người vợ cả dữ tợn, cầm kéo xông vào cô vợ bé (đang được người chồng ôm ngực bảo vệ) đang tỏ vẻ thách thức chìa tóc ra, vênh váo, đúng chất của một người lẳng lơ khiến người xem cảm nhận được cái dư vị bi hài muôn thuở của đời sống “kiếp chồng chung” trong thực tế thường xảy ra trong các gia đình giàu có, của ăn của để. Bức tranh đã châm biếm, phê phán chế độ đa thê, phê phán người chồng không chung thủy phá vỡ hạnh phúc gia đình, phê phán người vợ không đủ quan tâm, cảm thông chia sẻ kịp lúc để chồng phải tìm đến một người phụ nữ khác, để con trẻ phải nhìn thấy thảm kịch gia đình. Ngoài ra bức tranh còn phê phán sự nóng giận của người vợ đã tự làm giảm giá trị của bản thân mình, phê phán cả những người thứ ba tự biến mình thành tình nhân của người đã có vợ con để rồi mang tiếng xấu là lẳng lơ ở đời.

Hình 17 : Tranh Đánh Ghen Nguồn :

http://tranhdongho.bacninh.com/xe m-san-pham/28053/tranh-dong-ho- danh-ghen.html

Hình 18 : Bức tranh Đấu Vật

Nguồn : Wikipedia

Đây là một trong những bức tranh nổi tiếng trong tranh Đông Hồ, vẽ về cảnh đấu vật của nam giới trong ngày xuân. Các đấu thủ đều đóng khố - theo đúng phong tục của người Việt trong cái rét của mùa xuân để lộ thân hình vạm vỡ, tráng kiện. Nhìn bức tranh, 3 đôi vật đang rất căng thẳng, chưa phân thắng bại. Nhìn kĩ ta sẽ thấy 3 đôi vật này được thể hiện ở 3 mô hình hình học: Đôi vật bên trên là hình tam giác cân, đôi vật bên trái là hình thang cân, và bên phải là hình bán nguyệt. Bức tranh phản ánh và đề cao tinh thần thượng võ. Đấu vật là một môn võ cổ truyền của Việt Nam, môn võ này xuất hiện từ khi lập quốc và tồn tại gắn liền với hoạt động bảo vệ tổ quốc và lễ hội xuân. Đấu vật phản ánh văn hóa vui chơi, rèn luyện sức khỏe của người Việt xưa đặc biệt là ở vùng Bắc Bộ.

Hình 19: Tranh Chăn trâu Hình 20 : Tranh Chăn trâu thổi sáo thả diều

Nguồn : http://vnbamboo.com/

Ở bức tranh Chăn trâu thổi sáo, hình ảnh một tàu lá sen dựng đứng như chiếc ô và hình ảnh con trâu ngước cổ thưởng thức tiếng sáo từ cậu bé mục đồng đang thổi và ta thấy bầu trời trong xanh lồng lộng, thấy cuộc sống thanh bình. Khi xem bức tranh này, người thưởng thức có thể thấy được sự khoáng đạt và vẻ thanh thoát của tâm hồn. Còn ở bức Chăn trâu thả diều, đó là hình ảnh một cậu bé nằm ngửa trên lưng trâu thả diều. Tính minh triết trong bức tranh này lại là sự bổ sung cho bức tranh “Chăn trâu thổi sáo”. Khi sở hữu cặp tranh này thì bạn đã có được sự toàn vẹn với ước mong cuộc sống thanh nhàn, an lạc, vui tươi, không phải lo toan, bộn bề

mệt mỏi. Hình ảnh chiếc nón vốn đội trên đầu chú bé mục đồng lại bay bổng lên cao như sự vươn lên của trí tuệ. Cặp tranh này như một ước mong cuộc sống bình an, thanh thản thể hiện qua hình ảnh đơn sơ, gần gũi và chân thật. Nhiều người nói rằng cặp tranh này nếu ai sở hữu và treo trong nhà thì sẽ có một cuộc sống yên vui và thanh bình như thế.

PHẦN KẾT LUẬN

Tranh dân gian Đông Hồ là một nét tinh hoa của mỹ thuật dân gian Việt Nam, là nghệ thuật phản ánh rõ ràng về đời sống của người bình dân với sự độc đáo và tinh tế. Điều này không chỉ thể hiện qua chất liệu và cách thức làm nên tranh mà còn thông qua những ý nghĩa sâu xa và những triết lý ẩn sâu qua từng chi tiết nhân vật trong tranh nói lên những ước muốn, khát vọng về một cuộc sống yên vui và hạnh phúc. Tranh còn phản ánh được cuộc sống của con người bình dân thông qua các công việc lao động được tái hiện trong tranh. Để từ đó ta thấy được đời sống của họ cũng như càng thêm khâm phục sự sáng tạo và tài năng mỹ thuật của những người nông dân chân lấm tay bùn. Tranh dân gian Đông Hồ có nhiều giá trị về mặt nghệ thuật và lịch sử, là nét truyền thống đại diện cho xứ sở Kinh Bắc nói riêng và cả vùng Đồng bằng Bắc Bộ nói chung, là sự kết hợp hài hòa giữa sự sáng tạo của con người và sự ban tặng của thiên nhiên, là sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và các giá trị hiện đại để làm cho nội dung truyền tải của tranh không bị lạc hậu theo thời gian. Tranh dân gian Đông Hồ cũng đang đứng trước các thách thức to lớn về vấn đề bảo tồn và phát triển. Trước sự hiện đại hóa, sự đa dạng hóa về mọi mặt đời sống cũng như sự thay đổi thị hiếu, nhu cầu thẩm mỹ của người dân mà tranh dân gian Đông Hồ không còn được phổ biến như thời vàng son rực rỡ của quá khứ. Trước sự mai một và có nguy cơ biến mất thì mỗi người trong chúng ta cần phải nhìn lại những giá trị truyền thống tốt đẹp, không nên chạy theo thời đại mà chối bỏ quá khứ, phủ nhận đi những giá trị truyền thống xưa của dân tộc mà hãy dành sự quan tâm của chính bản thân mình cho các giá trị ấy để nó vẫn được trường tồn và phát huy. Trải qua bao thăng trầm, dòng tranh này vẫn tồn tại cho đến hôm nay và vẫn cần được tiếp tục giữ gìn và tranh dân gian Đông Hồ cần được đưa gần hơn đến với người dân nước ta.

Một phần của tài liệu Văn hóa Nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ (Trang 20 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(30 trang)