Các hoạt động vui chơi giải trí

Một phần của tài liệu Lễ hội cầu ngư người dân ven biển miền Trung (Trang 22 - 30)

CHƯƠNG 3: NÉT VĂN HÓA ĐẶC TRƯNG Ở LỄ HỘI CẦU NGƯ

3.3. Các hoạt động vui chơi giải trí

Lễ hội là một từ ghép để chỉ chung hoạt động lễ và hội ở nước ta. Đây là hai hoạt động được tổ chức đồng thời và gắn kết với nhau trong một không gian, thời gian nhất định. Thường thì có lễ mới có hội và cũng nhiều trường hợp có lễ mà không có hội. Tuy nhiên hoạt động này ít khi tách khỏi nhau. Hội là hoạt động giúp cho con người lấy lại thăng bằng trong cuộc sống, giải tỏa mệt mỏi, tiếp thêm sức lực để bước vào một vụ sản xuất mới hăng say, hiệu quả hơn. Trong lễ hội Cầu Ngư, đan xen với phần nghi lễ là phần hội gồm các sinh hoạt dân gian truyền thống, đặc trưng của các ngư dân làm nghề biển. Có hình thức sinh hoạt văn hóa vừa thuộc lễ vừa thuộc hội như hát Bả trạo, lại có những hình thức hoàn toàn thuộc về hội, như hò đối đáp trên thuyền, hô bài chòi, tổ chức hát bội trong đêm, thi đua ghe, lắc thúng,đấu võ, đánh vật, thi đan lưới, thi câu cá… vào ban ngày.

20

Hát bội là loại hình nghệ thuật quan trọng không thể thiếu được trong lễ hội cúng cá Ông của ngư dân. Hát bội trong lễ hội này còn gọi là hát thứ lễ, hát án hay hát cúng lăng. Khai chầu hát thường là những tuồng tích có tính chất “đánh đông dẹp bắc” như Tiết Nhơn Quý chinh đông, Lưu Kim Đính hạ san, Mộc Quế Anh dâng cây... Kết thúc kì hát bao giờ cũng có màn “tôn vương”, coi như hết cơn bĩ cực đến thời thái lai, thường là tuồng Sơn Hậu. Các vở tuồng thường kết thúc có hậu, ít cảnh binh đao chết chóc. Thời gian diễn tuồng có khi kéo dài đến 2 - 3 giờ sáng nhưng vẫn thu hút rất đông khán giả và người xem rất hào hứng. Các đêm hát này không dính dáng đến nghi lễ, chỉ mang tính chất giải trí.

Trong phần hội, trò chơi mà mọi người mong chờ nhất đó là hội đua thuyền giữa các làng với nhau. Người xưa tổ chức lễ hội đua thuyền vào ngày đầu xuân để khai thông sông rạch với ước muốn cầu mong mưa thuận, gió hòa. Làng nào giành chiến thắng trong cuộc đua thì năm đó sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt. Từ xa xưa, giải đua thuyền đã trở thành thông lệ trong những ngày đầu năm.Mỗi làng đều hình thành một đội đua toàn trai tráng ở cỡ 18 - 35 tuổi. Mỗi đội đua có nhiều nhất 30 người. Kinh phí lập đội thuyền do dân làng quyên góp. Sáng tinh mơ ngày hội, khi các cụ cao niên trong thôn cùng trai làng khỏe mạnh nhất ra bờ sông đứng bên mũi thuyền thắp hương cầu nguyện cho một mùa mưa thuận gió hòa, thì hai bên bờ sông đã huyên náo tiếng người. Khi lệnh xuất phát vừa đưa ra, các thuyền lập tức lao lên, hai bên bờ sông như vỡ òa trong tiếng hò reo và âm thanh của trống, mõ. Hàng ngàn con mắt dán chặt xuống mặt sông. Lúc đó, dòng sông hiền hòa bỗng sôi sục bởi hàng chục con thuyền được trang hoàng sặc sỡ lướt trên dòng nước, vùn vụt lao về phía trước. Kết thúc cuộc thi, đội chiến thắng thì hân hoan ca hát, đội thua thì xuýt xoa tiếc nuối và quyết tâm sẽ chiến thắng vào lễ hội năm sau.

21

Trưởng đoàn hát Bội và diễn viên thực hiện nghi thức khai diễn hát Bội tại Tuy Phong, Bình Thuận. Nguồn: http://baotangbinhthuan.com/.

Đua ghe truyền thống trên phá Tam Giang- Huế.

Nguồn: https://stttt.thuathienhue.gov.vn/.

Thi lắc lung ở Bình Thuận. Nguồn: https://www.dulich4phuong.net/.

22

Thi đan lưới ở xã Đức Lợi, Quảng Ngãi. Nguồn: http://baoquangngai.vn.

3.4. Hát Bả trạo –hình thức diễn xướng đậm chất văn hóa vùng biển

Hát Bả trạo (hay còn gọi là hò bá trạo, chèo bả trạo, chèo đưa linh, hò đưa linh, hò hầu linh), loại hình văn hóa dân gian có nguồn gốc từ "văn hóa biển" nhằm để phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân. Hát Bả trạo (bả: nắm chắc, trạo: chèo đò, cũng có người cho rằng phải viết là “bá trạo”, với nghĩa: bá là trăm, “bá trạo” chỉ tấc cả những người bạn chèo), diễn tả tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong một con thuyền, vượt qua sóng to gió cả, mang về một mùa bội thu cho ngư dân.

Hát Bả trạo là một loại múa hát dân gian được tổ chức theo tục lệ hàng năm hoặc 2 - 3 năm một lần nhân dịp lễ tế cá Ông, còn được trình diễn nhân dịp đưa tang cá Ông (cá voi) và trong các lễ hội cầu mùa của ngư dân. Nội dung hát Bả trạo ca ngợi công đức của cá Ông cứu người, giúp đánh bắt được nhiều cá tôm hoặc mô tả quá trình lao động vất vả của ngư dân giữa biển khơi, đồng thời ca ngợi sự giàu có của biển và trên hết là sự đoàn kết của bạn chèo vươn tới cuộc sống ấm no đầy đủ.

Trong hát Bả trạo, lời hát và động tác múa diễn tả lại quá trình đi biển từ lúc thuyền ra khơi đánh cá cho đến lúc về bến. Trong hành trình đó, có lúc vất vả chống chọi với giông bão, có lúc biển lặng trăng thanh, quăng lưới, buông câu. Đội hình

23

chèo thuyền gồm tổng mũi, tổng lái, tổng khoan và các tay chèo. Đây là loại hình diễn xướng tổng hợp nhiều làn điệu dân ca như: hò, vè, lí, hát tuồng, nói lối. Nội dung hát của Bả trạo gần như một vở diễn, nên lời hát đầy những câu văn cầu siêu, cầu hồn với những lớp từ ngữ Hán lẫn Nôm xen kẽ.

Thành viên của đội hát Bả trạo gồm có: Tổng Mũi, Tổng Khoang và Tổng Lái cùng khoảng 10 đến 16 con trạo tùy theo sự tổ chức của từng địa phương, nhưng phải luôn luôn số chẵn.

Về trang phục: Tổng Lái thông thường mặc lễ phục cổ truyền áo dài đen, quần dài trắng, khăn đóng đen. Tổng Mũi cũng ăn mặc giống như Tổng Lái, nhưng cũng có khi Tổng Mũi mặc một bộ đồ màu sắc rực rỡ như một diễn viên tuồng, tay cầm cặp sênh điều khiển. Còn Tổng Khoang mặc áo ba màu, quần ngắn, tay cầm gàu tát nước.

Những người tham gia còn lại lập thành đội chèo. Các con trạo thì mặc áo quần cùng màu (có quấn xà cạp) đầu chít khăn, lưng thắt vải, chân đi đất, tay cầm mái chèo dài 1m20.

Về nhạc cụ của hát bả trạo có đàn cò, trống, kèn và sênh. Nghệ thuật trình diễn và hát bả trạo là sự phối hợp nhịp nhàng giữa âm nhạc, lời ca và động tác trình diễn của Tổng Mũi, Tổng Khoang và Tổng Lái cùng đám bạn chèo dưới sự điều khiển thống nhất của Tổng Mũi.

Bản chèo hát Bả trạo gồm 3 giai đoạn:

- Đầu tiên ra khơi đánh bắt cá (trời yên biển lặng)

- Thứ hai là nghỉ ngơi, trời nổi gió, bão tố bất ngờ, toàn thuyền phải khẩn trương chèo chống vất vả, thuyền đắm khó tránh khỏi cảnh chết chóc, nhờ Ông cứu hộ đội, đẩy thuyền khỏi chìm, ngư dân được Ông ra tay tế độ, hết bão tố biển trời trở lại bình yên.

24

- Thứ ba là cảm tạ Ngài, chèo đưa linh tiễn Ngài trở về với biển khơi. Ngư dân vui mừng đưa thuyền về bình an.

- Trích đoạn hò bả trạo:

Tổng lái xướng:

Nay nghinh Ông đã tới lăng trào

Cây bá trạo chèo hầu lấy thảo…

Lại trở sang giọng Nam Xuân:

Lấy thảo hai hàng nước mắt

Phải chi Ông còn biển Bắc lộng khơi Lưng đai tẻ bạc sáng ngời

Làm tôi thủy phủ cứu người dương gian…

Tổng mũi hát tiếp:

Ai đi giống dạng Ông đi

Bọt bèo trôi nổi một khi giữa trời…

Tổng lái hô:

Bớ bá trạo!

Trạo phu đồng thanh:

Dạ…a…a…!

Sau những câu xướng đó, thì tất cả chuyển sang điệu hò Bá trạo. Đoàn bá trạo vừa hát, vừa chèo trong nhịp chèo khỏe khoắn, sinh động.

Phiêu phiêu hề nhất trạo ba, (Hò hỡi lơ!) Khinh khinh hề trục lãng qua

25

Thừa phong hành phất phất (Hố khoan hò khoan!) Thừa phong hành phất phất (Hố khoan hò khoan!) Quơi, trạo nhập giáng ca!

Quơi, trạo nhập giáng ca!

Có thể nói rằng, hát Bả trạo là một màn diễn xướng, một loại hình nghệ thuật mang ý nghĩa tâm linh kết hợp với những yếu tố sôi nổi, kịch tính và cao trào của những lời ca, động tác múa. Trong suốt bao nhiêu năm qua, hát bả trạo vẫn được duy trì, truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác trong các lễ hội Cầu Ngư của ngư dân.

Hát múa bả trạo trên sông Hoài trong Festival Di sản Quảng Nam.

( http://langvietonline.vn/)

Hát bả trạo tại lễ hội cầu ngư Đà Nẵng (https://www.baodanang.vn/)

26

C. KẾT LUẬN

Lễ hội Cầu Ngư, lưu giữ trong mình tín ngưỡng dân gian, phong tục tập quán cùng mối liên hệ mật thiết với đời sống sinh hoạt, văn hóa của ngư dân ven biển miền Trung. Tất cả những mối liên hệ ấy gắn bó chặt chẽ và hòa quyện vào nhau, tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình tồn tại cho đến ngày nay vẫn mang đậm những đặc trưng văn hóa biển.

Lễ hội Cầu Ngư cùng với nghệ thuật diễn xướng hát Bả trạo là những biểu hiện văn hóa, văn nghệ dân gian đặc trưng, ở đó ẩn chứa những lớp nghĩa sâu sắc, cho thấy sự phong phú mà không kém phần tinh tế trong đời sống sinh hoạt của đồng bào ven biển miền Trung. Không chỉ thể hiện tâm lí cầu mong mưa thuận gió hòa, người an vật thịnh mà thông qua lễ hội còn thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các ngư dân làng chài ven biển.

Những năm gần đây, đời sống cư dân ngày càng được cải thiện, công việc làm ăn xuôi chèo mát mái, lễ hội Cầu Ngư được chuẩn bị khá công phu trên cơ sở duy trì tập quán cổ truyền của cha ông và có những biến đổi cho phù hợp với hoàn cảnh đời sống mới. Có thể nói “di phong hoán tục”, là việc cần làm, song phải giữ cho được thần thái của lễ hội và nhất là giữ gìn, bồi đắp ý nghĩa nhân văn cao cả thể hiện ý thức tri ân, khát vọng no đủ, thanh bình của người dân vùng biển.

Một phần của tài liệu Lễ hội cầu ngư người dân ven biển miền Trung (Trang 22 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(32 trang)