5.2.4. Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao trình độ công nghệ và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực
Kết quả phỏng vấn chuyên gia cũng đã chỉ rõ EVFTA tạo ra điều kiện thuận lợi chứ không phải là điều kiện quyết định việc Việt Nam có thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao hay không. Để có thể thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao trình độ công nghệ và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực đểđáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư. Thời gian qua, mặc dù Việt Nam có nhiều nỗ lực và đạt được một số kết quả tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư, môi trường đầu tư tại Việt Nam vẫn còn tồn tại các yếu tốgây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Theo xếp hạng về Môi trường kinh doanh của World Bank (2019), năm 2019 Việt Nam xếp hạng thứ 70/190 nền kinh tếđược xếp hạng, giảm 1 bậc so với năm trước. Các yếu tốgây khó khăn nhất đối với doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam hiện nay bao gồm: Thủ tục về khởi sự doanh nghiệp (xếp hạng 115), giải quyết phá sản (122), quy định về thuế (109), thương mại qua biên giới (104) và bảo vệ nhà đầu tư thiểu số (97). Trong tương quan với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ xếp ở vị trí thứ 5 (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei).
Còn theo báo cáo của WEF (2017), các rào cản lớn khiến Việt Nam khó di chuyển lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu chính là hạn chế trong mức độ tinh vi trong sản xuất, kinh doanh (xếp thứ 100), chất lượng của nhà cung ứng trong nước (xếp thứ 115) và sự sẵn có của công nghệ mới nhất (xếp thứ 112),… Kết quả phỏng vấn quan điểm của các nhà quản lý doanh nghiệp của WEF cũng đã chỉ ra được các yếu tố gây cản trở lớn nhất khi họ đầu tư vào Việt Nam bao gồm: khả năng tiếp cận tài chính, lực lượng lao động thiếu kỹ năng, tham nhũng, đạo đức của người lao động còn kém, các quy định về thuế, sự thiếu ổn định chính sách cũng như cơ sở hạ tầng không đáp ứng nhu cầu,…
Theo Báo cáo về mức độ sẵn sàng cho sản xuất tương lai 2018 mới đây của WEF & Kearney (2018), Việt Nam được đánh giá là thuộc nhóm “chưa sẵn sàng cho cách mạng Công nghiệp 4.0” khi chỉ đạt 4,9/10 về mức độ sẵn sàng với cách mạng 4.0. Các yếu tố về đổi mới sáng tạo công nghệ và giáo dục của Việt Nam đều đang ở mức thấp, xếp thứ 90/100 về công nghệ và đổi mới, 92/100 về công nghệ nền, 77/100 về năng lực sáng tạo và 70/100 về nguồn lực con người. Nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp sau Malaysia (xếp thứ 23/100 về công nghệ và đổi mới sáng tạo và 21/100 về nguồn nhân lực), Thái Lan (41/100 về công nghệ và đổi mới sáng tạo, 53/100 về nguồn nhân lực) hay Philippines (59/100 về công nghệ và đổi mới sáng tạo và 66/100 về nguồn nhân lực). Việt Nam chỉ xếp hạng tương đương Campuchia (tương ứng 83/100 và 86/100).
Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế. Lao động phổ thông không có chuyên môn kỹ thuật chiếm tới 81,8% tổng số lao động ở Việt Nam. Chất lượng nguồn nhân lực thấp và cách xa so với các nước trong khu vực. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, nếu lấy thang điểm 10 thì lao động của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á được xếp hạng.
Năng suất lao động của Việt Nam năm 2014 chỉ bằng 1/18 so với Singapore và
1/6,6 so với Malaysia (Bộ Kế hoạch Đầu tư, 2015). Ngoài ra, trình độ ngoại ngữ là một trở ngại đối với nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm nguồn nhân lực bản địa.
Với các hạn chế đã nêu, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hút FDI trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cao. Muốn nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, tận dụng được cơ hội từ EVFTA để thu hút FDI trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, sản xuất tinh vi,... Việt Nam cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽhơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh thông qua các cải cách về thủ tục hành chính (minh bạch hóa, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nâng cao năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, quản lý hành chính Nhà nước,...), nâng cao trình độ công nghệ và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Để nâng cao trình độ công nghệ, trước hết Việt Nam cần xác định được trình độ công nghệ nào là hợp lý và đáp ứng được yêu cầu của đối tượng FDI mà mình muốn thu hút. Sau đó, Nhà nước đầu tư nguồn lực xứng đáng cho phát triển công nghệ; khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này; đào tạo nguồn nhân lực; hình thành thị trường; đồng thời hợp tác trong và ngoài nước về phát triển công nghệ. Để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam cần có chiến lược phát triển tổng thể đối với nguồn nhân lực, đặc biệt là cải cách hệ thống giáo dục hướng tới đáp ứng nhu cầu của thị trường; thường xuyên tiến hành đào tạo lại lao động để thích ứng với các thay đổi của khoa học công nghệ. Điều này giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam, thúc đẩy quá trình chuyển dịch từ lao động thu nhập thấp sang lao động có trình độ và thu nhập cao, chống nguy cơ bị sa thải. Hệ thống đào tạo nghề nghiệp cần đổi mới mạnh mẽ theo hướng tăng cường chủ động, nâng cao chất lượng đào tạo, bám sát xu hướng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gắn đào tạo với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Hoàn thiện thị trường lao động, đảm bảo môi trường thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động linh hoạt giữa khu vực trong nước và khu vực FDI, đặc biệt là chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, chuyên gia từ khu vực có vốn FDI vào làm việc trong khu vực công và các doanh nghiệp trong nước.