Biên tập bản đồ địa chính

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG VỀ ĐỊA CHÍNH VÀ BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH (Trang 77 - 82)

CHƯƠNG 6: KỸ THUẬT BIÊN TẬP BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH SỐ

6.4. Biên tập bản đồ địa chính

Bản đồ gốc đo vẽ thực địa được một đơn vị đo đạc thực hiện theo phương án kinh tế kỹ thuật của phòng địa chính quận, huyện hoặc sở địa chính. Việc phân mảnh bản đồ gốc đo vẽ trước hết nhằm đo vẽ hết diện tích cả vùng được quy định trong

phương án. Vì vậy có thể xảy ra trường hợp trên cùng một mảnh bản đồ gốc đo vẽ có các thửa đất của nhiều đơn vị hành chính cấp cơ sở xã, phường. Mặt khác ta thấy hệ thống quản lý đất đai lại phân định theo 4 cấp hành chính từ Xã (Phường), Huyện (Quận), Tỉnh (Thành phố) đến Tổng cục.

Mục đích của công tác biên tập bản đồ địa chính gốc là tạo ra các bộ bản đồ địa chính theo đơn vị hành chính cơ sở cấp xã, đảm bảo thống nhất về nội dung và ký hiệu dựa trên cơ sở bản đồ gốc đo vẽ. Tập bản đồ địa chính này sẽ là cơ sở để đăng ký thống kê, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và lập các hồ sơ quản lý đất đai về sau ở các cấp hành chính Nhà nước.

Sau khi biên tập, bản đồ địa chính gốc sẽ được nhân thành nhiều bản để lưu trữ, sử dụng trong quản lý đất đai ở các cấp. Bản đồ này thường in một màu, tốt nhất là nét đen để nội dung bản đồ rõ ràng và dễ dàng sử dụng.

Sơ đồ công nghệ biên tập bản đồ địa chính

Sau đây sẽ giới thiệu kỹ một số vấn đề về công tác biên tập bản đồ địa chính:

Bản đồ địa chính là loại bản đồ in một màu và có ấn suất rất ít - không quá 10 bản, vì vậy, công nghệ biên tập và nhân bản đơn giản chứ không phức tạp như loại bản đồ in nhiều màu với ấn suất lớn.

Yêu cầu quan trọng nhất đối với bản đồ sau khi nhân bản là các đường thửa đất, địa vật giữ nguyên kích thước, không bị biến dạng so với bản đồ gốc đo vẽ.

Bước 1: Nhằm tạo ra sản phẩm phim âm của bản đồ gốc đo vẽ. Tuỳ theo loại nền bản vẽ gốc mà chọn phương pháp công nghệ khác nhau:

- Nếu bản đồ gốc vẽ trên nền trong Diamat thì dùng phương pháp "phiên" trực tiếp từ bản đồ gốc sang phim (hoặc bản nền kính, nền plastic có tráng chất cảm quang".

- Nếu bản đồ gốc vẽ trên giấy bồi trên nền cứng của bản kẽm hoặc gỗ dán thì phải sử dụng máy chụp ảnh chuyên dùng để chụp trực tiếp từ bản đồ gốc, tạo phim âm.

Bước 2: Thực hiện các bước biên tập bản đồ địa chính gốc dạng phim âm. Bản đồ âm bản sẽ dùng để in ra bản đồ địa chính. Các công việc bao gồm:

- Che phủ hoặc bôi màu trên âm bản để bỏ các yếu tố nội dung bản đồ nằm ngoài đường địa giới hành chính của đơn vị cần lập bản đồ. Nếu đường địa giới hành chính nằm dọc theo địa vật dài thì giữ nguyên các đường nét thể hiện địa vật đó. Khi địa vật quá rộng hơn 10 cm trên bản đồ thì vẽ đến đường biên, bỏ phần ngoài đường địa giới.

- Ghi tên các đơn vị hành chính tiếp giáp theo đường địa giới. Tốt nhất là viết chữ lên giấy sau đó chụp phim để được dạng chữ âm bản và gắn lên phim âm của tờ bản đồ.

Nếu tên của tờ bản đồ gốc đo vẽ không đồng nhất với tên đơn vị hành chính lập bản đồ thì thay lại tên mới trên phim âm.

Khung trong của tờ bản đồ địa chính có thể được mở rộng hơn so với kích thước khung tờ bản đồ gốc đo vẽ. Mục đích của việc mở rộng kích thước khung là để chuyển vẽ các phần phụ của thửa đất từ tờ bản đồ gốc ở bên cạnh sang tờ bản đồ có vẽ phần lớn hơn đã ghi số hiệu cùng diện tích thửa đất. Như vậy, đường biên của tờ bản đồ địa chính nhìn chung không phải là đường thẳng mà là đường răng cưa theo đường biên thửa đất.

Trình bày sơ đồ chắp mảnh của bộ bản đồ địa chính của xã, phường ở phần ngoài khung góc đông bắc của mỗi tờ bản đồ. Nếu xã nhỏ thì trình bày sơ đồ ghép mảnh toàn xã. Nếu xã gồm quá nhiều mảnh bản đồ thì vẽ trích một phần sơ đồ ghép mảnh gồm 9 tờ như hình 6.2. Trong đó tờ số 13 là tờ đang biên tập.

Việc đánh số trong sơ đồ ghép mảnh cũng theo nguyên tắc thông thường là các tờ bản đồ của một đơn vị xã phường sẽ đánh số bằng chữ số Arập từ 1 đến hết, theo hướng từ trái qua phải, từ trên xuống dưới.

Trường hợp trong bộ bản đồ của đơn vị cơ sở có nhiều tờ bản đồ trong đó thể hiện một phần diện tích quá nhỏ so với kích thước tính theo khung trong của tờ bản đồ thì cho phép trình bày gộp nhiều tờ gốc đo vẽ thành một tờ in bản đồ chính thức cho dễ sử dụng.

Yêu cầu kích thước bản ghép không vượt quá kích thước quy định. Tên của bản vẽ gộp là tên kép của các tờ gốc. Ví dụ: Xã Cổ Nhuế tờ số 10 - 11.

Trong tờ bản đồ vẽ gộp phải có sơ đồ chỉ rõ phạm vi từng tờ chính thức cũ và có sơ đồ ghép mảnh riêng để chỉ rõ cách ghép với tờ khác. Chỉ rõ các số thứ tự thửa nào thuộc tờ chính thức nào trong bản vẽ gộp. Đặc biệt chú ý khi trên bản vẽ gộp 2 tờ liền nhau có số thứ tự thửa trùng nhau phải có chỉ dẫn cụ thể.

Sau khi hoàn chỉnh bước 2 tiến hành kiểm tra chặt chẽ ta có phim âm bản gốc của tờ bản đồ địa chính.

Bước 3: Nhân bản

Do bản đồ địa chính có ấn suất nhỏ nên khống chế tạo các bản in bền cao. Bản đồ địa chính được nhân bản bằng công nghệ phơi hoặc in. Bản đồ địa chính gốc được in từ phim âm lên giấy vẽ bản đồ loại tốt, tối thiểu đảm bảo chỉ số 80gr/m2. Giấy dai, bền, không giòn để có thể bảo quản lâu dài trong điều kiện bình thường.

Bước 4: Sau khi nhân đủ số bản gốc theo yêu cầu, ta thực hiện các bước kiểm tra về nội dung và đặc biệt là kích thước trên bản đồ. Bản đồ gốc địa chính phải được các cấp quản lý đóng dấu xác nhận, lúc đó ta có bản đồ gốc địa chính chính thức.

Bước 5: Trên cơ sở bản đồ địa chính gốc và kết quả lập hồ sơ thửa đất đã được lập và kiểm tra thực địa, tiến hành thông báo cho dân biết và bắt đầu lập hồ sơ đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong việc công bố bản đồ và kết quả đăng ký thống kê cho dân có thể dùng bản đồ photocopy thay cho bản đồ gốc với ý nghĩa như một sơ đồ.

Trong quá trình đăng ký thống kê và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu phát hiện sai sót hoặc biến động thì phải tiến hành đo vẽ bổ sung, chỉnh sửa lại bản đồ địa chính và các tài liệu, hồ sơ liên quan. Cuối cùng là chỉnh sửa phim gốc bản đồ địa chính và bản gốc đo vẽ bảo đảm cho toàn bộ hồ sơ địa chính đưa vào lưu trữ phải thống nhất và hoàn chỉnh.

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG VỀ ĐỊA CHÍNH VÀ BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH (Trang 77 - 82)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(104 trang)
w