Chương này gồm 4 điều (từ điều 33 đến điều 36) quy định nội dung quản lý nhà nước về hỗ trợ DNNVV; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm hỗ trợ DNNVV của Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, hiệp hội và tổ chức, cá nhân liên quan.
a) Nội dung quản lý nhà nước về DNNVV (Điều 33)
Quản lý nhà nước về DNNVV đã được đề cập tại Nghị định 56 nhưng không quy định đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn quản lý nhà nước của các cơ quan liên quan từ Trung ương đến địa phương.
Thực tiễn cho thấy, hầu hết Bộ, ngành, địa phương đều thực hiện chức năng quản lý nhà nước về DNNVV theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách thông qua việc ban hành, triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ DNNVV thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý; đồng thời bố trí nguồn lực để triển khai cơ chế chính sách đã ban hành. Do đó, để thống nhất công tác quản lý nhà nước về DNNVV ở từng Bộ, ngành, địa phương, dự thảo Luật đưa ra quy định nhằm bao quát tất cả các nội dung liên quan đến quản lý nhà nước về hỗ trợ DNNVV, bao gồm: xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch về hỗ trợ DNNVV; tổ chức, kiện toàn hệ thống cơ quan hỗ trợ DNNVV; xây dựng, vận hành và công bố thông tin về DNNVV; kiểm tra, đánh giá và giám sát các hoạt động hỗ trợ DNNVV; hợp tác quốc tế về hỗ trợ phát triển DNNVV.
Kế thừa quy định tại Nghị định 56, dự thảo Luật quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất thực hiện quản lý nhà nước về hỗ trợ DNNVV. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về hỗ trợ DNNVV trong ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý.
Về trách nhiệm cụ thể của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: dự thảo Luật kế thừa các nhiệm vụ, quyền hạn đã quy định tại Nghị định 56, đồng thời bổ sung thêm các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến quản lý nhà nước về hỗ trợ DNNVV nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý trong thời kỳ mới và tăng cường vai trò đầu mối về hỗ trợ DNNVV, các nhiệm vụ cụ thể bao gồm: ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; hướng dẫn, phổ biến, tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đánh giá thực hiện văn bản pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch, nội dung, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Tham gia ý kiến đối với đề xuất chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Luật này; tổ chức, kiện toàn cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đào tạo và bồi dưỡng cho cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở cấp trung ương và cấp địa phương; xây dựng, vận
hành hệ thống thông tin hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, định kỳ công bố thông tin về doanh nghiệp nhỏ và vừa; thực hiện hợp tác quốc tế về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đối với các Bộ ngành khác, thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về hỗ trợ DNNVV trong ngành, lĩnh vực, bao gồm: xây dựng, tham gia hoặc chủ trì chương trình hỗ trợ DNNVV thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách; xây dựng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách hỗ trợ DNNVV thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách; kiểm tra, theo dõi, báo cáo tình hình thực hiện hỗ trợ DNNVV thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách; công khai hỗ trợ DNNVV theo quy định tại Luật này;
thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm khác có liên quan đến hỗ trợ DNNVV thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.
b) Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm hỗ trợ DNNVV của UBND cấp tỉnh
Tại địa phương, dự thảo Luật quy định UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về hỗ trợ DNNVV ở địa phương vào giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về DNNVV ở địa phương.
Một trong những hạn chế, bất cập khi triển khai Nghị định 56 là hệ thống cơ quan thực hiện hoạt động hỗ trợ DNNVV ở các địa phương chưa được kiện toàn. Theo quy định tại Điều 15 và 18 của Nghị định 56/2009/NĐ-CP, Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về trợ giúp phát triển DNNVV; làm đầu mối phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch trợ giúp phát triển DNNVV, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành và chỉ đạo tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, hiện tại, theo báo cáo mới chỉ có khoảng 20/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đơn vị đầu mối trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc cấp tương đương thực hiện chức năng trợ giúp phát triển DNNVV trên địa bàn tỉnh. Các nhiệm vụ liên quan đến phát triển DNNVV tại địa phương được giao cho các phòng ban khác nhau (Phòng đăng ký kinh doanh, phòng quản lý ngành) xử lý để thực hiện chức năng và nhiệm vụ nói trên. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những yếu kém, tồn tại khiến cho việc thực hiện các chính sách trợ giúp phát triển DNNVV chưa thực sự hiệu quả.
Để củng cố, tăng cường đơn vị đầu mối thực hiện hỗ trợ DNNVV ở địa phương, dự thảo Luật quy định: UBND cấp tỉnh giao một đơn vị đầu mối thực hiện hỗ trợ DNNVV dưới hình thức là đơn vị sự nghiệp công lập. Với quy định này không có nghĩa là hình thành ra một tổ chức mới mà sẽ kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức thực hiện hỗ trợ DNNVV theo hướng không phát sinh tổ chức, biên chế mới tại cấp tỉnh.
c) Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội DNNVV Việt Nam và các hiệp hội khác (Điều 35)
Hiện nay, các tổ chức hội, hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp (gọi tắt là tổ chức hiệp hội) phát triển tương đối đa dạng và phong phú. Đa số các tổ chức hiệp hội đã chủ động trong các hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp hội viên. Tuy nhiên, vai trò của các tổ chức, hiệp hội, đặc biệt là các tổ chức hiệp hội chuyên ngành vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng của xã hội và doanh nghiệp. Nghị định 56 chỉ quy định vai trò của các hiệp hội trong việc tham gia xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình trợ giúp cho DNNVV; phát triển dịch vụ phát triển kinh doanh. Thực tế, vai trò này cũng chưa được thể hiện mạnh mẽ và đúng kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua.
Nhằm tăng cường vai trò của các hiệp hội, ngoài quy định về vai trò bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp thành viên, phản biện chính sách liên quan, tham gia thực hiện các kế hoạch, chương trình hỗ trợ DNNVV, dự thảo Luật quy định thêm nhiệm vụ về cung cấp dịch vụ công, dịch vụ hỗ trợ DNNVV; cấp chứng chỉ, chứng nhận chuyên ngành trong ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách của tổ chức hiệp hội cho các DNNVV theo quy định của pháp luật; tổ chức sự kiện tôn vinh, bình chọn, phong, tặng danh hiệu, giải thưởng và các hình thức khen thưởng khác theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nhân, tổ chức và cá nhân có thành tích, đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội.
Đây là một bước đột phá để các hiệp hội từng bước chủ động nâng cao năng hoạt động, khẳng định được vai trò của hiệp hội với các hội viên và thực hiện xã hội hóa trong cung ứng các dịch vụ công trong ngành, lĩnh vực như các cấp chứng chỉ đấu thầu, bất động sản, công chứng… Tuy nhiên, để có thể thực hiện được quy định này một cách hiệu quả, cần thiết phải có lộ trình phù hợp trên cơ sở năng lực các hiệp hội.
d) Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV (Điều 36)
Nội dung này tuy đã được quy định tại Nghị định 56 nhưng còn khá mờ nhạt, chưa thể hiện được nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm hỗ trợ DNNVV của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Với quan điểm Nhà nước chủ yếu hỗ trợ DNNVV thông qua tạo cơ chế để khuyến khích khu vực tư nhân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào hỗ trợ DNNVV thì đây là lực lượng quan trọng trong hỗ trợ DNNVV. Dự thảo Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm hỗ trợ DNNVV của các tổ chức, cá nhân này, cụ thể: thực hiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV theo các điều kiện, cam kết nhận hỗ trợ của Nhà nước theo quy định của Luật này; tham gia, phối hợp với Nhà nước đầu tư thành lập, quản lý và vận hành đơn vị thực hiện hỗ trợ DNNVV ở trung ương và địa phương theo hình thức đối tác công tư hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
5. Chương V. Nguồn vốn, cơ chế phối hợp, công khai, giám sát và đánh giá hỗ trợ DNNVV
Chương này gồm 6 điều (từ điều 37 đến điều 42) quy định về nguồn vốn nhà nước hỗ trợ DNNVV, huy động nguồn vốn ngoài NSNN hỗ trợ DNNVV, điều phối, công khai, giám sát công tác hỗ trợ DNNVV.
a) Nguồn vốn nhà nước và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ DNNVV (Điều 37):
Thực tiễn hỗ trợ DNNVV thời gian qua và qua tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 56/2009/NĐ-CP cho thấy, một trong số những hạn chế, bất cập của Nghị định này là không có nguồn kinh phí để tổ chức triển khai hỗ trợ DNNVV, tức chưa quy định hoặc chưa tạo ra được cơ chế hình thành nguồn kinh phí để hỗ trợ DNNVV. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tổng số thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước của khu vực DNNVV dao động khoảng 200 ngàn tỷ đồng/năm. Tổng thu ngân sách của toàn bộ nền kinh tế năm 2015 ước đạt 927.500 tỷ đồng. Như vậy, khu vực DNNVV đã đóng góp khoảng 20% tổng thu ngân sách nhà nước. Với triết lý để nuôi dưỡng nguồn thu, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và vai trò đóng góp ngày càng lớn của DNNVV vào sự phát triển chung của nền kinh tế, việc nhà nước dành nguồn ngân sách nhất định để hỗ trợ phát triển DNNVV cần được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế của quốc gia; là trách nhiệm của nhà nước.
Vì vậy, dự thảo Luật quy định chi tiết về ngân sách cho hỗ trợ DNNVV, theo đó các nội dung, kế hoạch, chương trình hỗ trợ DNNVV quy định tại Luật này được bố trí trong dự toán NSNN và được tổng hợp vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước.
b) Cơ chế huy động nguồn vốn ngoài NSNN hỗ trợ DNNVV (Điều 38):
Với quan điểm Nhà nước không “bao cấp” cho DNNVV, hạn chế hỗ trợ trực tiếp, chủ yếu hỗ trợ gián tiếp thông qua các tổ chức, cá nhân trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV. Vì vậy, ngân sách nhà nước dành cho hỗ trợ DNNVV mang tính chất hỗ trợ tạo ra những hạ tầng hỗ trợ chung (phát triển các cơ sở ươm tạo …) hoặc đầu tư ban đầu mang tính chất “vốn mồi” (như tham gia góp 30% vốn để hình thành chuỗi phân phối sản phẩm). Vì vậy, dự thảo Luật quy định: Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư, tài trợ, hỗ trợ cho DNNVV. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ, hỗ trợ cho DNNVV được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; được tôn vinh, khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Đây là một nội dung mới so với Nghị định 56 nhằm phát huy tối đa nguồn lực xã hội hỗ trợ DNNVV.
c) Điều phối công tác hỗ trợ DNNVV (Điều 39)
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, các chương trình hỗ trợ được thực hiện bởi nhiều cơ quan và hầu hết chưa xác định được tiêu chí rõ ràng để DNNVV tham gia dẫn đến DNNVV chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận rất hạn chế các hỗ trợ này. Vì vậy, dự thảo Luật quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ
điều phối chung, đảm bảo thống nhất trong xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch, chương trình, hoạt động hỗ trợ DNNVV trên phạm vi toàn quốc.
d) Công khai, giám sát và đánh giá hỗ trợ DNNVV (từ điều 40 đến điều 42): Một trong những nguyên tắc hỗ trợ DNNVV quy định tại Luật là hỗ trợ phải bảo đảm công khai, được giám sát và đánh giá bởi các cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, dự thảo Luật bổ sung các nội dung này tại các điều 40, điều 41 và điều 42.