CHƯƠNG 3: CHIẾN LƯỢC, GIẢI PHÁP & KIẾN NGHỊ PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐIỆN LỰC Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2045
3.2. Đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch điện lực ở Việt Nam
Giải pháp đảm bảo an ninh cung cấp nhiên liệu
− Đa dạng hóa nguồn nhập khẩu nhiên liệu (than, LNG) để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
− Tích cực tìm kiếm nguồn bổ sung cho các nguồn khí sẽ suy giảm và cạn kiệt trong thời gian tới.
− Sớm thực hiện quy hoạch xây dựng kho cảng đầu mối nhập khẩu LNG và hệ thống đường ống cho giai đoạn tới, phù hợp với cơ cấu nguồn điện đã được lựa chọn (đặc biệt ở Miền Bắc).
− Xúc tiến xây dựng cảng trung chuyển than nhập khẩu tại các miền để tối ưu chi phí nhập khẩu than; Chủ đầu tư các dự án nhiệt điện than nhập cần có phương án cảng than tạm thời cho NMĐ khi cảng trung chuyển chưa vào kịp.
− Thực hiện chính sách ưu đãi về tài chính và mở rộng hợp tác quốc tế để tang
cường công tác tìm kiếm thăm dò nhằm nâng cao trữ lượng và khả năng khai thác than, khí đốt, bảo đảm an ninh cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện.
Giải pháp tạo nguồn vốn và huy động vốn đầu tư phát triển ngành điện.
− Từng bước tăng khả năng huy động tài chính nội bộ trong các doanh
nghiệp
ngành điện thông qua các giải pháp: nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động của các doanh nghiệp ngành điện, bảo đảm có tích luỹ, đảm bảo tỷ lệ vốn tự có cho đầu tư phát triển theo yêu cầu của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế; tiến tới nguồn huy động vốn chính cho các công trình điện là vốn tự tích luỹ của các doanh nghiệp.
− Phát triển các Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động trong ngành điện có tín nhiệm tài chính cao để giảm chi phí huy động vốn cho các dự án điện, tự huy động vốn không cần đến sự hỗ trợ bảo lãnh của Chính phủ.
− Tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu trong và ngoài nước
để đầu tư các công trình điện, áp dụng biện pháp chuyển tiết kiệm trong nước thành vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Trong giai đoạn đầu, Nhà nước bảo lãnh phát hành trái phiếu cho các dự án điện trọng điểm, cấp bách.
− Thực hiện liên doanh trong nước và nước ngoài nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước tham gia xây dựng phát triển cảng trung chuyển nhập than,
cơ sở hạ tầng cho các dự án phát triển LNG.
− Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào phát triển các dự án điện một cách hợp lý. Ưu tiên các dự án FDI có thể thanh toán bằng tiền trong nước, hoặc thanh toán bằng đổi hàng và không yêu cầu bảo lãnh của Chính phủ.
− Tăng cường thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài, bao gồm: vốn viện trợ phát triển chính thức ưu đãi, viện trợ phát triển chính thức không ưu đãi, vay thương mại nước ngoài,...
− Khuyến khích đa dạng hóa các hình thức đầu tư. Xem xét các bảo lãnh Chính phủ hợp lý cho các dự án nguồn điện đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (chuyển bảo lãnh về đảm bảo điện năng phát điện sang hình thức khác, khuyến khích nhà máy BOT tham gia thị trường điện).
− Tăng cường sử dụng các công cụ tài chính quốc tế đa dạng khác, huy động tối
đa nguồn vốn nội địa trong nước để phát triển hạ tầng điện lực.
− Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực phát điện, bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường.
Giải pháp về pháp luật, chính sách
− Sửa đổi Luật Điện lực để đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành điện trong giai đoạn tới: tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, đảm bảo vận hành hệ thống điện tích hợp cao nguồn NLTT.
− Nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo (tạo hành lang pháp lý vững chắc cho đầu tư, vận hành năng lượng tái tạo, phát triển chuỗi cung ứng…). Sau năm 2030, khi nguồn điện gió và mặt trời đã có quy mô lớn trong hệ
thống, khả năng cung cấp độ linh hoạt từ các nguồn thủy điện, nhiệt điện trong hệ thống đã đạt giới hạn. Cần có tính toán để bắt buộc các nhà máy điện mặt trời hoặc gió xây dựng mới phải lắp đặt thêm quy mô pin tích năng (ví dụ dung lượng pin phải đạt khoảng 2 – 3% sản lượng năng lượng hàng ngày). Cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước và Luật Điện lực để thực hiện việc này.
− Xây dựng và hoàn thiện các quy định và hướng dẫn về lựa chọn nhà đầu tư cho
các công trình, dự án điện độc lập.
− Xây dựng cơ chế xử lý vấn đề bổ sung quy hoạch sau khi QHĐ8 được phê duyệt.
Giải pháp về bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai
− Các nguồn điện sử dụng than nhập khẩu, khí nhập khẩu phải lựa chọn nguồn nhiên liệu có nhiệt trị cao, giảm tác động đến môi trường.
− Thực hiện các quy định của pháp luật về đánh giá tác động môi trường của dự
án và đánh giá môi trường chiến lược của các quy hoạch.
− Tăng cường, củng cố tổ chức quản lý môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện lực.
− Thực hiện đầy đủ công tác theo dõi, quan trắc, đo đạc và quản lý các chỉ tiêu môi trường; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường của doanh nghiệp ngành điện.
− Triển khai có hiệu quả chương trình tiết kiệm điện, nâng cao hiệu suất trong các lĩnh vực sản xuất, truyền tải, phân phối và sử dụng điện.
− Kết hợp phát triển ngành điện với bảo vệ môi trường:
+ Nhà nước có chính sách hỗ trợ về đầu tư, thuế để phát triển các dạng năng lượng ít ảnh hưởng và góp phần cải thiện môi trường: năng lượng mới và tái tạo; sử dụng chất phế thải của nông lâm nghiệp; rác thải của các thành phố để phát điện,... + Quản lý chặt chẽ công nghệ phát điện về phương diện môi trường. Các công nghệ được lựa chọn phải tiên tiến, hiệu suất cao, ít ảnh hưởng đến môi trường.
− Có cơ chế thu hút vốn đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường từ các thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút hỗ trợ tài chính từ nước ngoài để bảo vệ môi
trường.
− Xây dựng các quy chế tài chính về môi trường ngành điện, tính đúng, tính đủ chi phí môi trường trong đầu tư, giá thành.
− Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ nhiều năng lượng tăng cường hợp tác với các nước thực hiện cơ chế phát triển sạch (CDM) dưới các hình thức: phát triển nguồn năng lượng mới và tái tạo; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và các dự án bảo tồn năng lượng.
− Xây dựng bản đồ, hệ thống cảnh báo sét, ngập lụt, sạt lở để có các giải pháp
ứng phó kịp thời thích hợp với các hiện tượng cực đoan của thời tiết, giảm thiểu các rủi ro, sự cố trong quá trình vận hành hệ thống điện. Tính đến các giải pháp công nghệ
và vật liệu (có thể chịu nhiệt, chịu lạnh) để ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan như nhiệt độ cao, sự biến động lớn về nhiệt độ thời tiết (nhiệt độ thấp cực đại), mưa axit giông, sét, tố lốc để giảm thiểu tối đa các sự cố cho hệ thống điện.
Giải pháp về khoa học công nghệ
− Xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại hình nguồn điện hiện có và dự kiến xây dựng để đảm bảo nâng cao độ linh hoạt, giảm tác động môi trường(cập nhật 2 năm/lần).
− Các công trình điện lực xây dựng mới phải có công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam; từng bước nâng cấp, cải tạo công trình hiện có để đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, kinh tế và môi trường. Kết hợp giữa công nghệ mới hiện đại
và hoàn thiện cải tiến công nghệ hiện có nhằm nâng cao hiệu suất, tiết kiệm năng lượng.
− Cải tạo, nâng cấp lưới truyền tải và phân phối điện, nhằm giảm tổn thất, đảm bảo an toàn, tin cậy. Áp dụng từng bước công nghệ lưới điện "thông minh" để rút kinh nghiệm, làm yếu tố nhân rộng trong phát triển lưới điện. Phát triển và áp dụng công nghệ 4.0 trong hệ thống điện.
− Hiện đại hoá hệ thống điều độ, vận hành, thông tin liên lạc, điều khiển và tự động hoá phục vụ điều độ lưới điện trong nước và liên kết khu vực.
− Từng bước áp dụng các biện pháp khuyến khích và bắt buộc đổi mới công nghệ, thiết bị của các ngành sử dụng nhiều điện (thép, xi măng, hóa chất); cấm nhập các thiết bị cũ, hiệu suất thấp trong sản xuất và sử dụng điện năng. Đối với các nhà máy nhiệt điện xây dựng mới cần có chỉ tiêu phát thải các chất như SOx, NOx và bụi
được hạn chế tới mức độ cho phép. Đối với những nhà máy nhiệt điện cũ, cần lắp đặt các thiết bị chống ô nhiễm môi trường bổ sung.
− Các nhà máy nhiệt điện xây dựng mới đều phải lựa chọn các thông số tổ máy
linh hoạt (công suất vận hành cực tiểu thấp, tốc độ tăng giảm tải cao..). Các máy phát điện phải được trang bị hệ thống tự động (điều khiển, kích từ, điều tốc...) ở mức độ cao cho phép tăng độ ổn định của hệ thống lên mức tốt hơn.
− Công nghệ nhiệt điện than cận tới hạn chỉ được xem xét tiếp tục đầu tư cho các nhà máy sử dụng than nội nếu chất lượng than không thể đốt trong các lò cải tiến hơn (việc này nhằm hỗ trợ phát triển ngành than trong nước). Đối với nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu, trong giai đoạn 2021 – 2025 chỉ xây dựng công nghệ NĐ than siêu tới hạn trở lên, giai đoạn từ 2025 – 2035 chỉ xây dựng nhiệt điện than trên siêu tới hạn (USC) trở lên, và sau năm 2035 chỉ xây dựng nhiệt điện than trên siêu tới hạn cải tiến (AUSC).
− Các nhà máy điện sau khi hết đời sống kinh tế, cần được thay thế mới nhà máy bằng các công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao hơn, giảm phát thải đến môi trường, có thông số huy động tổ máy linh hoạt. Cần phải trang bị thêm các thiết bị để cải tạo và hiện đại hóa và nâng cao độ linh hoạt của các nhà máy nhiệt điện hiện trạng, các NMNĐ hiện trạng cần được cải tạo để công suất cực tiểu đạt từ 50–40% trở xuống.
− Khuyến khích NMNĐ mới lựa chọn quy mô tổ máy nhỏ trong dải công suất thiết kế của từng công nghệ phục vụ cho vận hành linh hoạt hệ thống điện, nhưng vẫn phải đảm bảo mức độ tiên tiến, hiệu suất cao theo công nghệ mới nhất trên thế giới. Theo các nghiên cứu về vận hành linh hoạt của các nhà máy điện cho thấy chi phí gia tăng do vận hành linh hoạt sẽ giảm khi quy mô tổ máy giảm. Việc đặt nhiều quy mô tổ máy điện nhỏ trong dải công suất thiết kế của từng công nghệ, ngoài việc tăng cường khả năng tích hợp năng lượng tái tạo, đồng thời cũng tăng cường độ tin cậy của hệ thống, giảm quy mô dự phòng cho hệ thống.
− Nghiên cứu sử dụng pin Hydrogen thay cho pin tích năng Li–ion trong giai đoạn sau 2030 để giảm tác động đến môi trường.
Giải pháp về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả
− Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng nói chung và điện năng nói riêng trong sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong các hộ gia đình.
− Đẩy mạnh thực hiện các chương trình Quản lý nhu cầu điện (DSM), chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để góp phần giảm nhu cầu sử dụng điện, giảm áp lực đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng điện và nâng cao nhận thức của khách hàng sử dụng điện.
− Hoàn thiện đồng bộ và đầy đủ cơ chế chính sách, cơ chế tài chính để khuyến khích khách hàng sử dụng điện, các đơn vị điện lực tham gia vào các chương trình quản lý nhu cầu điện, chương trình tiết kiệm năng lượng.
Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực
− Xây dựng quy hoạch phát triển và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực nguồn điện, truyền tải, phân phối, kinh doanh, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học công nghệ của ngành điện. Rà soát, xắp xếp tổ chức, tinh gọn, sử dụng hợp lý nguồn nhân lực của ngành điện để nâng cao năng suất lao động.
− Thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, nguồn nhân lực trình độ cao trong và
ngoài nước về làm việc cho ngành; hình thành các nhóm khoa học và công nghệ mạnh
đủ giải quyết các nhiệm vụ quan trọng của ngành.
− Tăng cường hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo uy tín trong nước và quốc tế để phát triển nguồn nhân lực. Thông qua các dự án đầu tư để đào tạo, tiếp nhận các công nghệ mới, công nghệ hiện đại của ngành điện. Đào tạo nguồn nhân lực về kỹ thuật đảm bảo có đủ trình độ năng lực công tác để đáp ứng công nghệ mới của lưới điện thông minh.
− Cần thực hiện nâng cao hiệu quả điều độ vận hành hệ thống thông qua việc tăng cường khả năng dự báo khả năng phát điện của nguồn điện tái tạo. Tăng cường năng lực dự báo thời tiết và công suất nguồn năng lượng tái tạo trong các cấp điều độ
hệ thống điện.
− Cần thực hiện nâng cao năng lực của các nhà vận hành NMĐ trong hệ thống tích hợp NLTT quy mô lớn. Thực hiện các chương trình đào tạo về mô phỏng nhà máy nhiệt điện, tập trung vào các lĩnh vực như khởi động và tắt nhà máy, vận hành linh
hoạt, vận hành hệ thống điều khiển phân tán (DCS), các tình huống khẩn cấp và quy trình an toàn.
Giải pháp về hợp tác quốc tế
− Nghiên cứu và sớm thực hiện các kết nối lưới điện với các nước láng giềng và các nước trong khu vực ASEAN để tăng cường khả năng tích hợp nguồn năng lượng tái tạo và đạt được các lợi ích từ liên kết lưới điện khu vực. Tăng cường hợp tác trong công tác vận hành lưới điện, chuyển giao công nghệ sửa chữa, bảo dưỡng lưới điện truyền tải với các nước trong khu vực. Tiến tới thành lập các công ty dịch vụ truyền tải điện quốc tế với các nước trong khu vực.
− Tăng cường tham gia các diễn đàn, hội nghị, tổ chức quốc tế và khu vực để nâng cao năng lực, cập nhật công nghệ, tận dụng tri thức và các trợ giúp của quốc tế, chú trọng tăng cường kênh hợp tác với các cơ quan tổ chức đứng đầu ngành điện các nước ASEAN (HAPUA).
− Mở rộng hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đa dạng hoá các phương thức hợp tác để tranh thủ chuyển giao công nghệ và nguồn kinh phí từ các đối tác nước ngoài cho phát triển ngành điện.
Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch
− Hàng năm Bộ Công Thương xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch trong ngắn hạn và trung hạn. Căn cứ nhu cầu hàng năm, xây dựng chương trình phát triển nguồn và lưới điện năm sau (năm N) có xét tới 2045. Các thông số cần cập nhật như sau:
+ Rà soát nhu cầu phụ tải toàn quốc.
+ Đánh giá tình hình xây dựng nguồn và lưới điện theo từng địa phương. + Rà soát nguồn điện đăng ký phát triển của từng địa phương.
+ Đánh giá khả năng giải phóng công suất của nguồn điện theo mùa, theo vùng
và từng địa phương.
+ Cân đối cung cầu điện, đề xuất danh mục nguồn điện dự kiến xây dựng trong
giai đoạn đến năm thứ N+5 và N+10.
+ Rà soát, tính toán và đề xuất danh mục lưới điện truyền tải dự kiến xây dựng trong giai đoạn đến năm thứ N+5 và N+10.
+ Danh mục kế hoạch đầu tư sẽ do cấp có thẩm quyền phê duyệt và ban hành hàng năm.
− Xây dựng cơ chế, khung pháp lý để đảm bảo xây dựng cân đối, hợp lý các nhà
máy điện theo vùng miền trên toàn quốc.
− Xây dựng các văn bản pháp quy ràng buộc trách nhiệm của các chủ đầu tư các
công trình điện về đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình theo đúng quy hoạch được duyệt.
− Xây dựng cơ chế chính sách nhằm tăng cường tính minh bạch, chủ động trong quản lý quy hoạch phát triển điện lực, phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong đầu tư phát triển nguồn và lưới điện.
− Xây dựng trách nhiệm thực hiện của các bộ ngành, địa phương, các tập đoàn, chủ đầu tư công trình điện.
Giải pháp về nội địa hóa thiết bị ngành điện và xây dựng phát triển ngành
cơ khí điện
− Gắn cơ chế hỗ trợ đầu tư các dự án điện với khả năng đưa chuỗi cung ứng và sản xuất thiết bị điện về Việt Nam
− Tăng cường đầu tư và đa dạng hoá nguồn vốn, thu hút sự tham gia của nước ngoài vào công tác nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị, phụ tùng của các ngành điện. Các cơ sở sản xuất thiết bị, phụ tùng điện phấn đấu để các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.
− Hình thành một số liên hợp nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị điện với các nhà máy cơ khí chế tạo làm nòng cốt.
− Xây dựng các trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị điện hiện đại để có thể tự sửa chữa, kiểm định các thiết bị điện.
− Đổi mới hiện đại hoá các nhà máy cơ khí điện hiện có, mở rộng liên doanh, xây
dựng các nhà máy mới, tạo ra các khu vực chế tạo thiết bị điện.