2. CƠ CHẾ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI SONG PHƯƠNG GIỮA VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN CỦA HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC
2.4. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp
Giai đoạn tham vấn
Tham vấn là giai đoạn đầu trong thủ tục giải quyết tranh chấp theo cơ chế của VJEPA, tương tự như trong hầu hết các cơ chế giải quyết tranh chấp khác hiện nay. Hoạt động tham vấn có ý nghĩa nhằm giải quyết vấn đề trên tinh thần hợp tác của các Bên, từ đó có thể giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng43, đồng thời ngay cả khi các Bên không đạt được giải pháp chung, giai đoạn tham vấn cũng tạo cơ hội cho các Bên xác định và phân định tranh chấp giữa họ44. Trong trường hợp phát sinh những bất đồng liên quan tới việc diễn giải hoặc thực hiện VJEPA, một Bên có thể gửi yêu cầu tham vấn tới Bên còn lại. Tham vấn là thủ tục bắt buộc đặt ra với các tranh chấp trong khuôn khổ VJEPA.
Yêu cầu đặt ra đối với việc tham vấn là phải được thể hiện dưới dạng văn bản, trong đó phải nêu rõ những vấn đề bao gồm: hành động gây ra tranh chấp, cơ
sở pháp lý và thực tế dẫn đến khiếu nại (bao gồm những điều khoản của những Hiệp định liên quan bị coi là đã bị vi phạm và mọi điều khoản liên quan khác)45. Nếu Bên khiếu nại không đáp ứng được những yêu cầu này thì Bên bị khiếu nại có thể viện dẫn việc tham vấn là không hợp lệ, và dẫn tới việc mất quyền thành lập Ủy ban trọng tài trong trường hợp tham vấn không thành công. Tuy nhiên, VJEPA không quy định bất kỳ tổ chức hay Bên thứ ba nào được quyền xem xét tính phù hợp của yêu cầu tham phấn; Bên bị khiếu nại sẽ trực tiếp tiếp nhận yêu cầu. Bởi vậy, có thể phát sinh mâu thuẫn giữa hai Bên về tính hợp lệ của yêu cầu tham vấn, và trường hợp đó chưa được quy định về cách giải quyết.
Khi có yêu cầu tham vấn phù hợp với điều kiện nêu trên, Bên bị khiếu nại phải trả lời yêu cầu và tiến hành tham vấn với tinh thần thiện chí trong thời hạn ba
42 Khoản 5, 7, 9, 12,13 Điều 121 Hiệp định VJEPA
43 GS.TS Nguyễn Thị Mơ (chủ biên), Giáo trình Pháp luật thương mại quốc tế, NXB Lao động, Hà Nội,
2011, tr.310
44 Mexico — Anti-Dumping Investigation of High-Fructose Corn Syrup (HFCS) from the United States,
Appellate Body Report, WT/DS132/AB/RW, 22/10/2001, đoạn 106, 107.
45 Khoản 2 Điều 117 Hiệp định VJEPA
mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu với mục tiêu đạt được giải pháp thỏa đáng tức thời cho các bên. Trong trường hợp tham vấn về hàng hóa dễ hỏng, Bên kia phải tiến hành tham vấn với một thời gian không quá mười lăm (15) ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Nếu Bên bị khiếu nại không tiến hành tham vấn trong thời hạn nêu trên thì Bên khiếu nại có thể yêu cầu thành lập Ủy ban trọng tài. Trường hợp các Bên tiến hành tham vấn nhưng không giải quyết được tranh chấp trong vòng sáu mươi (60) ngày, hoặc trong vòng ba mươi (30) ngày trong trường hợp tham vấn liên quan đến hàng hóa dễ hỏng sau ngày nhận được yêu cầu tham vấn đó, Bên khiếu nại sẽ có quyền yêu cầu thành lập Ủy ban trọng tài, với điều kiện là Bên khiếu nại đưa ra nhận định rơi vào ít nhất 1 trong 3 trường hợp:
(1) Bất kỳ lợi ích nào mà đáng lẽ được hưởng một cách trực tiếp hay gián tiếp theo hiệp định VJEPA đang bị vô hiệu; hoặc
(2) Vi phạm là kết quả của việc Bên bị khiếu nại không thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hiệp định này, hoặc
(3) Vi phạm là kết quả của việc Bên bị khiếu nại áp dụng các biện pháp xung đột với nghĩa vụ của Bên đó theo VJEPA46.
Thành lập Ủy ban trọng tài
Khi tranh chấp đã được các Bên tham vấn với nhau mà không đạt kết quả thì
sẽ chuyển sang bước tiếp theo là giai đoạn thành lập Ủy ban trọng tài. Bên khiếu nại
sẽ gửi một yêu cầu thành lập Ủy ban trọng tài tới Bên bị khiểu nại. Yêu cầu đặt ra đối với một yêu cầu thành lập Ủy ban trọng tài là phải lập thành văn bản, đồng thời phải xác định rõ những vấn đề47: (i) cơ sở pháp lý của khiếu nại bao gồm các điều khoản của Hiệp định VJEPA bị cho là bị vi phạm và các điều khoản liên quan khác;
và (ii) cơ sở thực tế của khiếu nại. Tương tự như với yêu cầu về tham vấn, VJEPA cũng không quy định về cách giải quyết trong trường hợp phát sinh tranh chấp về tính hợp lệ của yêu cầu thành lập Ủy ban trọng tài giữa các Bên.
Sau khi thành lập, Ủy ban trọng tài sẽ tiến hành giải quyết tranh chấp như sau:
46 Khoản 1 Điều 119 Hiệp định VJEPA
47 Khoản 2 Điều 119 Hiệp định VJEPA
Tiến hành tham vấn với các Bên: Không có quy định cụ thể về thời gian phải
tiến hành tham vấn. Tuy nhiên, việc tham vấn này phải được tiến hành càng sớm càng tốt, và trong vòng bảy (7) ngày kể từ ngày thành lập, Ủy ban trọng tài phải ấn định lịch làm việc cụ thể cho vụ việc. Thông qua tham vấn với trọng tài, các Bên có thể thỏa thuận thay đổi lịch làm việc và thỏa thuận đưa ra các quy định về trình tự thủ tục, miễn là không trái với quy định của Điều 121 VJEPA48.
Tiến hành các thủ tục giải quyết tranh chấp: Sau khi thống nhất lịch làm việc
cụ thể, các bên sẽ tiến hành việc giải quyết tranh chấp theo lịch làm việc đã định sẵn, bao gồm những thủ tục như: Các Bên đệ trình hồ sơ và các bản lập luận bảo vệ lên trọng tài; Các phiên làm việc của Ủy ban trọng tài. Tuy nhiên, những quá trình này không được phép kéo dài quá chín mươi ngày (90) kể từ ngày Ủy ban trọng tài thành lập. Trong quá trình làm việc, địa điểm tiến hành các thủ tục tố tụng trọng tài
sẽ do các Bên thống nhất quyết định. Nếu các bên không thể thống nhất, địa điểm sẽ luân phiên giữa thủ đô của các Bên trong tranh chấp trong đó địa điểm của cuộc họp đầu tiên sẽ ở thủ đô của Bên bị khiếu nại.
Đưa ra phán quyết: Sau khi tiến hành các phiên làm việc, trong vòng chín
mươi (90) ngày kể từ ngày được thành lập, đưa ra dự thảo phán quyết cho các Bên, bao gồm cả phần mô tả, phần cơ sở và kết luận. Nếu không thể đưa ra dự thảo phán quyết trong vòng thời hạn chín mươi (90) ngày, Uỷ ban trọng tài có thể gia hạn thời gian ra phán quyết với sự đồng ý của các Bên. Một Bên có thể có nhận xét bằng văn bản tới Uỷ ban trọng tài về dự thảo phán quyết trong vòng mười lăm (15) ngày sau ngày đệ trình dự thảo phán quyết. Uỷ ban trọng tài phải đưa ra phán quyết cho các Bên trong vòng ba mươi (30) ngày kể từ ngày đưa ra dự thảo phán quyết.
Giai đoạn thực thi phán quyết
Thời gian thực thi phán quyết: Sau khi phán quyết của Ủy ban trọng tài được
thông qua, Bên bị khiếu nại phải ngay lập tức tuận thủ. Trong vòng hai mươi (20) ngày kể từ ngày ban hành phán quyết, Bên bị khiếu nại phải thông báo cho Bên khiếu nại về “khoảng thời gian” mà Bên bị khiếu nại sẽ thực thi phán quyết. Nếu
48 Khoản 3 Điều 121 Hiệp định VJEPA
Bên khiếu nại không chấp nhận “khoảng thời gian” được đưa ra, một Ủy ban trọng tài khác sẽ được thành lập để phân xử và xác định “khoảng thời gian” này49.
Bồi thường: Trường hợp Bên bị khiếu nại cho rằng “khoảng thời gian” trọng
tài đưa ra nêu trên không thể thi hành được, bên bị khiếu nại phải tiến hành tham vấn với bên khiếu nại trước ngày kết thúc thực hiện phán quyết, nhằm mục đích đạt được một sự bồi thường phù hợp cho cả hai. Nếu các Bên không thể thống nhất được mức bồi thường trong vòng hai mươi (20) ngày kể từ ngày hết hạn thực hiện phán quyết, một Uỷ ban trọng tài nữa có thể được thành lập theo yêu cầu của Bên khiếu nại, có thẩm quyền quyết định mức độ phù hợp việc tạm dừng các nhượng bộ hoặc lợi ích mà bên khiếu nại dành cho bên bị khiếu nại theo Hiệp định VJEPA50.
Áp dụng biện pháp trả đũa: Nếu hết hạn thi hành phán quyết mà Bên vi phạm không chịu thực hiện, Bên khiếu nại có thể chuyển vấn đề lên một Uỷ ban trọng tài để xác nhận việc không tuân thủ đó. Trường hợp Uỷ ban trọng tài này xác nhận rằng Bên bị khiếu nại đã không tuân thủ phán quyết trong thời hạn thực hiện cho phép, Bên khiếu nại có thể thông báo cho Bên bị khiếu nại về ý định thực hiện các biện pháp trả đũa trong vòng ba mươi (30) ngày sau ngày Uỷ ban trọng tài xác nhận. Việc thực hiện các biện pháp trả đũa chỉ có thể được thực hiện ít nhất ba mươi (30) ngày sau ngày Bên khiếu nại thông báo về ý định thực hiện trả đũa. Trường hợp Bên bị khiếu nại phản đối với hành động trả đũa, họ có thể yêu cầu tham vấn với Bên khiếu nại. Bên khiếu nại sẽ tiến hành tham vấn về vấn đề nay trong vòng mười (10) ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Quá ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn mà các Bên không thể thống nhất, Bên bị khiếu nại có quyền yêu cầu thành lập một Ủy ban trọng tài để giải quyết51.
Quy định về cơ cấu và cách làm việc của các Ủy ban trọng tài được thành lập trong quá trình thực thi phán quyết: Các Uỷ ban trọng tài được thành lập để xác
định “khoảng thời gian” thực thi phán quyết, mức bồi thường, trả đũa sẽ có các trọng tài của Uỷ ban trọng tài ban đầu. Nếu không thể giữ nguyên Ủy ban trọng tài ban đầu, Ủy ban trọng tài mới được thành lập với thủ tục tương tự thủ tục thành lập
49 Khoản 2 Điều 123 Hiệp định VJEPA
50 Khoản 3 Điều 123 Hiệp định VJEPA
51 Khoản 4, 5 và 7 Điều 123 Hiệp định VJEPA
Ủy ban trọng tài để giải quyết tranh chấp chung. Các Uỷ ban trọng tài này sẽ ra phán quyết trong vòng sáu mươi (60) ngày kể từ ngày thụ lý vấn đề, trừ khi các Bên
có thỏa thuận khác. Và phán quyết đưa ra sẽ ngay lập tức có giá trị ràng buộc các Bên52.