Chương 1 ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC ĐỊA CHẤT VÙNG BIỂN ĐỘNG - QUÝ SƠN
1.3. Cấu trúc địa chất vùng Biển Động - Quý Sơn
1.3.3. Cấu trúc - kiến tạo
1.3.3.3. Đặc điểm biến dạng kiến tạo
Nếp uốn
Trong vùng nghiên cứu các nếp uốn phát triển khá phong phú, chúng có vai trò quan trọng trong việc khống chế và là nơi cư trú của quặng hoá.
a. Nếp lõm Biên Sơn
Nếp lõm này phân bố ở phía bắc - tây bắc vùng nghiên cứu, có phương kéo dài theo phương á vĩ tuyến đến đông bắc - tây nam, chiều dài khoảng 19km, rộng khoảng 2km. Dọc theo các đới dập vỡ của nếp uốn này xuất hiện hàng loạt các điểm khoáng hoá và mỏ quặng đồng như Cầu Nhạc, Làng Đình, Đèo Váng, Đèo Nưa, Cái Cặn, Cống Lầu,… Cấu thành nên nếp lõm Biên Sơn chủ yếu là các thành tạo cát kết
đa khoáng, xi măng cacbonat, đá phiến sét, đá phiến sét vôi, đá phiến sét vôi-than,
đá vôi vi hạt, bột cát kết vôi màu xám lục thuộc phân hệ tầng giữa và phân hệ tầng Mẫu Sơn trên.
b. Nếp lồi Hữu Lân
Nếp lồi này phân bố ở phía bắc vùng nghiên cứu, trục nếp lồi kéo dài theo phương đông bắc - tây nam, phần phía bắc của nếp lồi không nằm trong diện tích vùng nghiên cứu. Không ghi nhận được biểu hiện của khoáng hóa đồng nào liên quan đến nếp lồi Hữu Lân. Cấu thành nên nếp lồi Hữu Lân chủ yếu là các thành cát kết, bột kết, đá phiến sét, đá phiến sét vôi thuộc phân hệ tầng dưới và giữa hệ tầng
Nà Khuất.
c. Nếp lõm Tân Hoa
Nếp lõm này nằm ở trung tâm vùng nghiên cứu, kéo dài theo phương á vĩ tuyến với chiều dài khoảng 4,5km, rộng khoảng 1km. Tại cánh phía bắc của nếp
27
lõm đã phát hiện hàng loạt các mỏ và điểm quặng phân bố trong các đới dập vỡ như: Khuôn Mười, Giáo Liêm, Gốc Sâu, Lân,... Tại các mỏ và điểm quặng này đã được đánh giá là có triển vọng.
Hệ thống đứt gãy
Vùng nghiên cứu có các hoạt động kiến tạo khá phức tạp và lâu dài, các hoạt động này đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển các khối địa chất cấu trúc, cũng như quá trình thành tạo các khoáng sản trong vùng. Trên cơ sở các kết quả đã nghiên cứu cho thấy có thể phân chia các hệ thống đứt gãy trong vùng ra ba hệ thống chính:
- Hệ thống đứt gãy dạng vòng cung.
- Hệ thống đứt gãy phương tây bắc - đông nam.
- Hệ thống đứt gãy phương á kinh tuyến.
a. Hệ thống đứt gãy dạng vòng cung
Hệ thống đứt gãy dạng vòng cung là hệ thống đứt gãy lớn nhất, có lịch sử phát triển lâu dài nhất và là hệ thống khống chế quá trình hình thành, phát triển các khối cấu trúc, cũng như quá trình quặng hoá đồng trong vùng nghiên cứu.
Thuộc hệ thống này có các đới đứt gãy lớn phân chia các khối cấu trúc như đới đứt gãy F1, F7 và các đứt gãy nội khối có quy mô nhỏ hơn, đó là các đới đứt gãy F2, F3, F4, F5, F6
- Đới đứt gãy F1: Trong vùng nghiên cứu, đới đứt gãy F1 có phương đông bắc
- tây nam và là ranh giới phân chia hai khối cấu trúc: khối cấu trúc Chi Lăng (ở phía bắc - tây bắc), khối cấu trúc Biển Động - Quý Sơn (ở phía nam - đông nam).
Đới đứt gãy F1 là một phần nhỏ của đới đứt gãy Sông Thương. Đây là đới đứt gãy khu vực có dạng vòng cung và có phương thay đổi từ tây bắc-đông nam sang á
vĩ tuyến đến đông bắc - tây nam. Đới đứt gãy kéo dài từ Sơn Dương (Tuyên Quang) qua Đại Từ (Thái Nguyên), Chi Lăng (Lạng Sơn) đến Mai Pha (Lạng Sơn) rồi tiếp tục kéo dài tới biên giới Việt-Trung. Đây là đới đứt gãy hoạt động đa kỳ, có lịch sử phát triển rất phức tạp. Theo Trần Thanh Hải và nnk (2004), pha dịch chuyển sớm nhất của đới đứt gãy Sông Thương là biến dạng chờm nghịch với hướng cắm về
28
phía bắc, tạo nên các đới biến dạng dòn-dẻo có quy mô lớn. Đới đứt gãy này tiếp tục tái hoạt động nhiều lần bởi các vận động nghịch, trượt bằng hoặc thuận.
- Đới đứt gãy F7: Trong vùng nghiên cứu, đới đứt gãy F7 có phương từ á vĩ tuyến sang tây bắc - đông nam. Đới đứt gãy là ranh giới phân chia hai khối cấu trúc: khối cấu trúc Biển Động - Quý Sơn (ở phía bắc), khối cấu trúc Lục Sơn - Tân Dân (ở phía nam).
Đới đứt gãy F7 là một phần nhỏ của đới đứt gãy Yên Tử - Tấn Mài. Đây là đới đứt gãy khu vực có dạng vòng cung và có phương thay đổi từ á vĩ tuyến sang tây bắc - đông nam đến đông bắc - tây nam. Đới đứt gãy kéo dài từ Yên Tử qua Lục Sơn, Tân Dân, Tấn Mài, rồi tiếp tục kéo dài tới biên giới Việt - Trung. Đây cũng là đới đứt gãy hoạt động đa kỳ, có lịch sử phát triển rất phức tạp, thể hiện ở nhiều kiểu dịch chuyển ngược nhau trong các giai đoạn địa chất khác nhau như nghịch, trượt bằng phải, trượt bằng trái và thuận (Trần Văn Trị và nnk (2009, 2015). Theo Cao Đình Triều, Phạm Huy Long (2002), đới đứt gãy có xu hướng cắm về bắc - tây bắc với góc dốc 60-80o.
- Các đới đứt gãy F2, F3, F4, F5, F6: Đây là các đứt gãy nội khối, chúng đều
là các đứt gãy dạng vòng cung, được hình thành muộn hơn so với các đới đứt gãy F1, F7 và chỉ phân bố trong khối cấu trúc Biển Động - Quý Sơn. Ngoại trừ đới đứt gãy F2 có phương đông bắc - tây nam, các đới đứt gãy còn lại đều có phương từ á vĩ tuyến đến đông bắc - tây nam.
Trong mỗi đới đứt gãy đều có một đứt gãy chính dạng vòng cung và một vài đứt gãy thứ cấp có phương á vĩ tuyến hoặc đông bắc - tây nam. Hướng cắm và góc cắm của các đứt gãy thường không ổn định. Các đứt gãy thuộc đới đứt gãy F2 có xu hướng cắm về đông nam; các đứt gãy thuộc đới đứt gãy F3, F4 có xu thế cắm về nam, đông nam; các đứt gãy thuộc đới đứt gãy F5, F6 có xu hướng cắm về bắc, tây bắc. Hầu hết các thân quặng đồng trong vùng nghiên cứu xuyên lấp trong các đới dập vỡ của các đới đứt gãy F4, F5 và F6.
Các đới đứt gãy Sông Thương (bao gồm đới đứt gãy F1) và đới đứt gãy Yên
Tử - Tấn Mài (bao gồm đới đứt gãy F7) khống chế quá trình hình thành và phát
29
triển của đới cấu trúc An Châu. Chúng là những đới đứt gãy xuất hiện trước Permi muộn và tiếp tục hoạt động nhiều lần trong Mesozoi và Kainozoi.
Các đới đứt gãy F2, F3, F4, F5, F6 có thể được hình thành trong Permi muộn đến Trias sớm, hoạt động mạnh đến Kreta và tái hoạt động với cường độ nhỏ trong Kainozoi. Dọc theo các đới đứt gãy này thường xuất hiện các đới dập vỡ kiến tạo, đôi khi gặp các đới mylonit có quy mô nhỏ.
Hệ thống đứt gãy dạng vòng cung bị các hệ thống đứt gãy trẻ hơn phương á kinh tuyến và phương tây bắc-đông nam F10, F11, F12... cắt qua và gây dịch chuyển.
b. Hệ thống đứt gãy phương tây bắc - đông nam
Trong vùng nghiên cứu có mặt các đứt gãy phương tây bắc-đông nam, gồm đứt gãy F8, F9, F10, F11... đến đứt gãy F17. Chúng đều là đứt gãy nội khối có kích thước nhỏ, có thể được phát sinh đồng thời hoặc muộn hơn so với các đới đứt gãy F2, F3, F4, F5, F6. Các đứt gãy này cắt và làm dịch chuyển các đứt gãy nội khối dạng vòng cung. Hoạt động gây dịch chuyển này xảy ra vào giai đoạn hoạt động kiến tạo muộn nhất ở đới An Châu, rất có thể hoạt động này liên quan với sự kiện dịch trượt Sông Hồng trong Kainozoi.
Hiện tại, NCS chưa xác định được vai trò của hệ đứt gãy này trong quá trình hoạt động tạo khoáng đồng trong vùng nghiên cứu.
c. Hệ thống đứt gãy phương á kinh tuyến
Hệ thống gồm 02 đứt gãy nhỏ, nội khối F24, F25 phân bố ở góc đông nam vùng nghiên cứu. Các đứt gãy này cắt và làm dịch chuyển đứt gãy F7. Dọc theo hệ thống đứt gãy này, không thấy xuất hiện khoáng hoá đồng.