Để có thể áp dụng hợp đồng giao sau cổ phiếu vào TTCK, Việt Nam cần rút ra các bài học kinh nghiệm qua nghiên cứu quá trình vận hành của các sở giao dịch LIFFE, OC và MDEX, cụ thể như sau:
Một là, hoạt động giao dịch giao sau cổ phiếu phải được chuẩn hóa trong luật, là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, trong đó có cho phép nhà đầu tư thực hiện việc “Bán khống”, bán hợp đồng giao sau cổ phiếu ngay cả khi họ không nắm giữ cổ phiếu. Ngoài ra cần có có quy định cụ thể quy trình giao dịch, cách thức giao dịch, các chủ thể tham gia thị trường, cơ quan quản lý thị trường cùng các chế tài xử lý vi phạm.
Hai là, hợp đồng giao sau cổ phiếu là sản phẩm phức tạp, do đó để có thể áp dụng thành công vào TTCK Việt Nam thì cần phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết và phải được thực hiện từng bước theo lộ trình. Không nên nóng vội xây dựng sở giao dịch giao sau về cổ phiếu khi chưa có đủ các điều kiện cần thiết. Thực tế cho thấy tại Malaysia, hợp đồng giao sau được áp dụng trên các hàng hóa xuất khẩu, sau đó mới triển khai đến cổ phiếu riêng lẻ và do không có sự chuẩn bị các điều kiện cần thiết nên Malaysia phải đóng cửa sở giao dịch trong một thời gian dài.
Ba là, chỉ có thể áp dụng thành công giao dịch giao sau cổ phiếu khi giao dịch chứng khoán diễn ra sôi động, không còn sự khống chế của biến động biên
độ giá, theo đó giá cả trên TTCK là do cung cầu quyết định, quy mô của thị trường không còn bó hẹp mà có sự liên thông với các thị trường trên thế giới, các nhà đầu tư sẵn sàng cung ứng vốn nhiều hơn cho thị trường và họ sẽ tìm đến hợp đồng giao sau như là công cụ phòng chống rủi ro, bảo vệ lợi nhuận cho mình.
Bốn là, có sự hiện diện của các nhà tạo lập thị trường. Nhà tạo lập thị trường được xem là thành viên chính thức và hợp pháp trong thị trường. Các sở giao dịch LIFFE, OC là các tổ chức vừa đóng vai trò là nhà môi giới, vừa đóng vai trò là nhà tạo lập thị trường, nhằm tạo tính thanh khoản cho thị trường và giúp thị trường luôn đạt trạng thái cân bằng và ổn định.
Sự tồn tại của các nhà tạo lập thị trường đóng vai trò quyết định đối với sự tồn tại của TTCK phái sinh nói chung và thị trường giao sau về cổ phiếu nói riêng, đặc biệt là đối với Việt Nam trong giai đoạn xây dựng thị trường giao sau về cổ phiếu trên OTC trước khi xây dựng sở giao dịch hợp đồng giao sau về cổ phiếu.
Năm là, các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật phải được hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia giao dịch, đồng thời đảm bảo quá trình khớp lệnh liên tục và thanh toán bù trừ được thuận lợi và dễ dàng. Đây là yếu điểm lớn nhất mà Việt Nam cần tốn rất nhiều thời gian mới có thể đạt được.
Sáu là, việc vận hành thị trường giao sau về cổ phiếu đòi hỏi một trình độ nhất định của đội ngũ giám sát, quản lý thị trường và các nhà đầu tư. Với mức ký quỹ từ 20% đến 25% đã thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường, nhưng nhà đầu tư cần được trang bị kiến thức để nhận ra rằng, chức năng đòn bẩy tài chính luôn có tính hai mặt, họ phải chịu rủi ro tương xứng với mức lợi nhuận nhận được.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Để xây dựng và phát triển thị trường giao sau về cổ phiếu tại Việt Nam thì việc học hỏi kinh nghiệm của việc tổ chức và vận hành một số sở giao dịch giao sau về cổ phiếu trên thế giới đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong chương này, tác giả giới thiệu 03 sở giao dịch giao sau về cổ phiếu, bao gồm sở giao dịch LIFFE, OC và cuối cùng là MDEX. Từ mô hình của các nước trên, tác giả cũng chọn lọc và lưu ý các kinh nghiệm đối với Việt Nam trong quá trình nghiên cứu cách thức tổ chức, quản lý, xây dựng và vận hành sở giao dịch giao sau về cổ phiếu.
Trong chương tiếp theo, tác giả sẽ đánh giá thực trạng TTCP và thị trường giao sau tại Việt Nam. Qua đó nêu lên sự cần thiết nhằm đưa ra các giải pháp để việc xây dựng thị trường hợp đồng giao sau về cổ phiếu tại Việt Nam đạt hiệu quả hơn.
CHƯƠNG 3 : THỰC TRẠNG THỊ TRƯỜNG CỔ PHIẾU VÀ THỊ