QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN XUẤT NHẬP KHẨU PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM THỜI KỲ 2011-2020

Một phần của tài liệu vượt qua các rào cản kỹ thuật để thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang liên minh châu âu (Trang 110 - 118)

Mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam thời kỳ 2011-2020 là phát triển nhanh phải đi đôi với phát triển bền vững. Tăng trưởng về số lượng phải đi liền với nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong khi khai thác các yếu tố phát triển theo chiều rộng, phải đặc biệt coi trọng các yếu tố phát triển theo chiều sâu. Phải gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển toàn diện con người, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội, tạo nhiều việc làm, cải thiện đời sống, khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xoá đói, giảm nghèo. Từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng. Phải rất coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường ngay trong từng bước phát triển, không gây ô nhiễm và huỷ hoại môi trường. Phát triển kinh tế phải đi đôi với việc bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; ổn định chính trị - xã hội là tiền đề, điều kiện để phát triển

nhanh và bền vững. Đây là quan điểm định hướng cho các ngành, các lĩnh vực xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển bền vững.

Trên cơ sở quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế thời kỳ 2011-2020, quan điểm cụ thể để phát triển xuất nhập khẩu ở Việt Nam trong thời gian tới là:

(1) Phát triển xuất khẩu trên cơ sở khai thác triệt để lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh, đảm bảo tốc độ và chất lượng tăng trưởng cao, góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Trong những năm tới, xuất khẩu vẫn là động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Vì vậy, cần phải kiên trì định hướng công nghiệp hóa hướng vào xuất khẩu. Đây là chủ trương cần được quán triệt trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới. Trong bối cảnh hiện nay, khi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu làm sụt giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, nhiều quan điểm cho rằng, cần chuyển định hướng phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu sang thay thế nhập khẩu và phát triển thị trường nội địa. Thực tế cho thấy là nhiều nước trên thế giới đã làm như vậy thông qua các biện pháp như tăng cường bảo hộ thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng... Tuy nhiên, đối với Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của công nghiệp hóa, thị trường trong nước chưa phát triển, cần tranh thủ nguồn lực bên ngoài, nhất là FDI, để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển xuất khẩu là con đường để Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng tăng trưởng xuất khẩu cần phải nhanh chóng thay đổi mô hình tăng trưởng. Trong những năm qua, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dựa vào khai thác lợi thế so sánh sẵn có về tài nguyên và lao động rẻ. Lợi thế nói trên hiện tại và một vài năm tới vẫn đang phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy rằng, nguồn lực tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Những hạn chế mang tính cơ cấu về lợi thế tự nhiên như khả năng khai thác, đánh bắt, nuôi trồng sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong dài hạn. Đó là chưa kể đến những tác động tiêu cực đến môi trường được xem như một hạn chế cản trở tăng trưởng xuất khẩu. Lợi thế lao động rẻ cũng ngày càng giảm dần trong bối cảnh chênh lệch tiền lương lao động ở nước ta và các nước giảm dần và nhu cầu cao trên

thị trường thế giới về những hàng hóa có hàm lượng công nghệ và khoa học ngày càng cao. Do đó, dựa vào mô hình tăng trưởng theo chiều rộng trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh sẵn có, xuất khẩu Việt Nam khó có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức cao. Bên cạnh đó, cạnh tranh quốc tế trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu cũng là áp lực phải nhanh chóng chuyển sang mô hình tăng trưởng mới.

Mô hình tăng trưởng mới là mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa vào việc khai thác lợi thế cạnh tranh động để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả xuất khẩu trên cơ sở đẩy mạnh cải cách thể chế, sử dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại. Chuyển từ phát triển xuất khẩu theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, từ việc dựa chủ yếu vào lợi thế so sánh sẵn có (tĩnh) sang lợi thế cạnh tranh động là nhân tố quyết định chất lượng tăng trưởng xuất khẩu; duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, phù hợp với xu hướng biến đổi của thị trường, do đó, hạn chế được rủi ro khi thị trường thế giới biến động bất lợi. Thực hiện định hướng phát triển xuất khẩu theo chiều sâu cũng là giải pháp để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khắc phục nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình, nâng cao vị thế quốc gia, đảm bảo phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Trong giai đoạn tới, chất lượng phát triển phải là mục tiêu hàng đầu. Cần khắc phục tư tưởng coi trọng số lượng, chạy theo thành tích cục bộ và ngắn hạn.

Nhiều chỉ tiêu xuất khẩu trong giai đoạn vừa qua chỉ phản ánh về mặt số lượng mà chưa phán ánh được hiệu quả đầu tư, các tác động về mặt xã hội, môi trường. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong thời gian qua, nước ta đã đầu tư quá mức cho xuất khẩu mà chưa tính toán đến hiệu quả của nó. Điều này dẫn đến sự hao phí nguồn lực, sử dụng không hiệu quả vốn đầu tư, làm nảy sinh hành vi tiêu cực như tham nhũng, gian lận thương mại. Cần phải tính toán xem mỗi một đô la giá trị xuất khẩu mà ta mang về đem lại bao nhiêu lợi nhuận đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Chủ trương phát triển xuất khẩu là đúng đắn, tuy nhiên nếu không có chiến lược phát triển đúng hướng, tập trung vào các ngành có lợi thế mà đầu tư dàn trải, tràn lan thì chúng ta không thể có được các sản phẩm có vị thế cạnh tranh quốc tế. Thực

tế cho thấy, trong 25 năm đổi mới, Việt Nam chưa có nhiều những thương hiệu hàng hóa và doanh nghiệp có uy tín quốc tế, ngoại trừ một số sản phẩm có được sự nổi tiếng do sự khác biệt về điều kiện tự nhiên.

(2) Phát triển xuất khẩu trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, hạn chế ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên, nâng cao khả năng đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn môi trường của hàng hóa xuất khẩu.

Mục tiêu của phát triển bền vững về môi trường ở nước ta trong những năm tới là khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên;

phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và kiểm soát có hiệu quả ô nhiễm môi trường, bảo vệ tốt môi trường sống; bảo vệ được các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển và bảo tồn sự đa dạng sinh học; khắc phục suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường. Đây là định hướng phát triển bền vững về môi trường cho các ngành kinh tế nói chung và xuất khẩu nói riêng.

Trên cơ sở mục tiêu phát triển bền vững về môi trường của nước ta trong thời gian tới, quan điểm phát triển xuất khẩu và bảo vệ môi trường được khái quát ở những khía cạnh sau đây:

Trước hết, tăng trưởng xuất khẩu phải trên cơ sở khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Cần nhận thức đầy đủ rằng, bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên là cơ sở của sự phát triển bền vững. Đối với Việt Nam, một đất nước được thiên nhiên ưu đãi, có trình độ phát triển thấp, khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên sẽ tạo thuận lợi để tích lũy ban đầu cho công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Lợi thế về điều kiện tự nhiên đã tạo thuận lợi cho Việt Nam xếp thứ hạng cao hiện nay về xuất khẩu một số sản phẩm như gạo (thứ hai thế giới), cà phê (thứ hai thế giới), hạt tiêu (số một thế giới), hạt điều (thứ ba thế giới).

Một số mặt hàng khác như dầu thô, thủy sản đang có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, chúng ta chưa khai thác một cách hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Tăng trưởng xuất khẩu một số mặt hàng như cà phê, hạt điều, cao su, chè kéo theo sự suy giảm diện tích rừng và đa dạng sinh học. Tương tự, khai thác thủy sản theo lối hủy diệt, quá mức làm suy giảm nghiêm trọng sinh quyển

biển. Tăng diện tích nuôi trồng thủy sản cùng với giảm diện tích rừng ngập mặn.

Tăng trưởng xuất khẩu của nước ta đang tiềm ẩn nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và mất cân bằng sinh thái. Khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong tương lai và gây nên những hệ lụy đối với môi trường và xã hội.

Thứ hai, tăng trưởng xuất khẩu phải đi đôi với việc hạn chế ô nhiễm môi trường. Trong những năm tới, Việt Nam phải đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quá trình này sẽ khuyến khích khai thác tài nguyên và sử dụng ngày càng nhiều năng lượng và nguyên liệu đầu vào. Xuất khẩu trong giai đoạn tới sẽ tập trung vào tăng tỷ trọng các mặt hàng chế biến. Nếu không có những biện pháp kiểm soát ô nhiễm, môi trường sinh thái nước ta sẽ ô nhiễm nghiêm trọng. Ô nhiễm môi trường còn làm giảm khả năng xuất khẩu và ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu.

Thứ ba, phát triển xuất khẩu trong giai đoạn tới phải chú trọng nâng cao khả năng đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn môi trường của hàng hóa xuất khẩu, áp dụng các quy trình và phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường. Xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn môi trường trong thương mại quốc tế ngày càng phổ biến để giải quyết các vấn đề toàn cầu và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Các tiêu chuẩn môi trường đối với sản phẩm, quy trình chế biến ngày càng được các nước áp dụng rộng rãi và ở mức cao hơn như những rào cản kỹ thuật trong buôn bán quốc tế. Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng nhạy cảm với môi trường và an toàn như nông sản, thủy sản. Đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn môi trường phải được nhìn nhận như là một biện pháp để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và cải thiện môi trường trong nước.

Thứ tư, phát triển xuất khẩu bền vững ở nước ta trong giai đoạn tới phải dựa trên cơ sở khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong giới hạn cho phép về mặt sinh thái và bảo vệ môi trường lâu bền. Từng bước thực hiện nguyên tắc "mọi mặt: kinh tế, xã hội và môi trường đều cùng có lợi", trong đó ưu tiên cho phát triển kinh tế. Cần khắc phục quan điểm cực đoan trong việc khai thác các nguồn lợi tự nhiên. Bảo tồn thiên nhiên quá mức sẽ ảnh hưởng

đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, công cuộc xóa đói giảm nghèo và hậu quả là gây khó khăn cho việc quản lý tài nguyên. Khai thác hợp lý và có chính sách quản lý môi trường linh hoạt sẽ khuyến khích người hưởng lợi có ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát triển chúng để khai thác bền vững trong tương lai. Tuy nhiên khai thác quá mức tài nguyên để đạt được sự tăng trưởng nhanh trong ngắn hạn sẽ dẫn đến suy thoái và cạn kiệt tài nguyên, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các thế hệ tương lai.

(3) Phát triển xuất khẩu góp phần thực hiện các mục tiêu xã hội như xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều việc làm đảm bảo công bằng xã hội, chia sẻ lợi ích hợp lý giữa các thành phần tham gia xuất khẩu.

Mục tiêu phát triển bền vững về xã hội được đề ra trong Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam là: “Đạt được kết quả cao trong việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm chế độ dinh dưỡng và chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng được nâng cao, mọi người đều có cơ hội được học hành và có việc làm, giảm tình trạng đói nghèo và hạn chế khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp và nhóm xã hội, giảm các tệ nạn xã hội, nâng cao mức độ công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các thành viên và giữa các thế hệ trong một xã hội, duy trì và phát huy được tính đa dạng và bản sắc văn hóa dân tộc, không ngừng nâng cao trình độ văn minh về đời sống vật chất và tinh thần”.

Quá trình phát triển phải bảo đảm đáp ứng một cách công bằng nhu cầu của thế hệ hiện tại và không gây trở ngại tới cuộc sống của các thế hệ tương lai.

Tạo lập điều kiện để mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận tới những nguồn lực chung và được phân phối công bằng những lợi ích công cộng, tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho những thế hệ mai sau, sử dụng tiết kiệm những tài nguyên không thể tái tạo lại được, gìn giữ và cải thiện môi trường sống, phát triển hệ thống sản xuất sạch và thân thiện với môi trường, xây dựng lối sống lành mạnh, hài hòa, gần gũi và yêu quý thiên nhiên.

Trên cơ sở mục tiêu phát triển bền vững về xã hội của nước ta trong giai đoạn tới, quan điểm phát triển xuất khẩu về mặt xã hội được thể hiện ở một số điểm sau đây:

Thứ nhất, phát triển xuất khẩu góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm. Các cấp, các ngành, địa phương cần quán triệt quan điểm này trong hoạch định chính sách phát triển trong giai đoạn tới. Hơn 70% dân số sống ở nông thôn, dựa chủ yếu vào nguồn lợi tự nhiên. Phát triển xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản trong thời gian qua đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là những vùng trồng cà phê, cao su (Tây Nguyên), lúa gạo, thủy sản (Đồng bằng sông Cửu Long).

Xuất khẩu các mặt hàng sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy công mỹ nghệ, điện tử, đồ gỗ... thu hút một lượng lao động lớn, cải thiện đời sống của người dân lao động. Mặc dù, xuất khẩu của nước ta trong thời gian qua chưa thể hiện được xu hướng công nghiệp hóa, nhưng đóng góp về mặt xã hội là rất to lớn.

Thứ hai, phát triển xuất khẩu đóng góp vào nâng cao chất lượng lao động, trình độ quản lý. Cần nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến và giá trị gia tăng cao để cải thiện nguồn nhân lực, thu hút lao động nông nghiệp. Chất lượng lao động và trình độ quản lý của các doanh nghiệp nước ta còn hạn chế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hạn chế tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chính sách đào tạo nguồn nhân lực và khuyến khích sử dụng người có trình độ chuyên môn cao là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng tăng trưởng xuất khẩu.

Thứ ba, cần có chính sách để giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu. Trước hết, cần giải quyết các vấn đề xã hội do tập trung lao động (nhất là lao động nữ) ở một số ngành như da giày, dệt may. Đây là một vấn đề đang bức xúc mà chưa được sự quan tâm của các ngành. Cần tạo môi trường sinh sống ổn định cho người lao động như nhà ở, các dịch vụ phục vụ đời sống hàng ngày. Thứ hai, cải thiện môi trường lao động để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho công nhân. Thứ ba, cần tính đến những vấn đề khác như việc xây dựng gia đình cho công nhân, cuộc sống con cái của họ sau này...

Một phần của tài liệu vượt qua các rào cản kỹ thuật để thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang liên minh châu âu (Trang 110 - 118)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(123 trang)
w