CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG ĐT&PT VIỆT NAM – CHI NHÁNH BẮC
2.3. Đánh giá thực trạng quản lý rủi ro tín dụng tại BIDV Bắc Hà Nội 1. Những kết quả đạt được
Từ thực trạng quản lý rủi ro tín dụng có thể rút ra những kết quả mà Chi nhánh Ngân hàng ĐT&PT Bắc Hà Nội đã đạt được như sau:
Về mô hình quản lý rủi ro: Trong năm 2008, cùng với cả hệ thống BIDV, Chi nhánh cũng đã ứng dụng mô hình quản lý rủi ro theo hướng hiện đại và hướng đến các chuẩn mực quốc tế với việc phân tách các phòng chức năng theo hướng chuyên môn hóa cao hơn.
Sự tách bạch giữa 3 khâu giúp cho các quyết định cho vay mang tính khách quan hơn, sự chuyên môn hoá sâu hơn theo các chức năng mà việc phân tích và phản biện tín dụng sâu sắc và chính xác hơn, giúp nhận dạng các rủi ro tiềm năng và có các biện pháp phòng ngừa thích hợp. Chính sự giám sát của phòng Quản lý rủi ro và Phòng Quản trị tín dụng đối với quan hệ khách hàng trong quá trình thực hiện các quyết định tín dụng đã tạo nên cơ chế kiểm tra, giám sát liên tục, song song trong quá trình cho vay, sau khi cho vay.
Sau 3 năm triển khai hoạt động theo mô hình mới, qua số liệu thống kê của Phòng Quản lý rủi ro tín dụng, số lỗi tác nghiệp giảm khoảng 17%, nhiều lỗi vi phạm về quy trình như: chứng từ giải ngân chưa đầy đủ, chưa kiểm tra vốn vay, tài sản đảm bảo theo định kỳ, chưa hoàn thiện đầy đủ hồ sơ tài sản đảm bảo như chưa mua bảo hiểm tài sản và chuyển quyền thụ hưởng bảo hiểm cho ngân hàng, bảo hiểm hết hạn… cũng được phát hiện và khắc phục nhờ sự kiểm tra chéo giữa các bộ phận. Mô hình mới mặc dù còn có những hạn chế nhất định (sẽ nêu cụ thể ở phần sau), tuy nhiên đã góp phần đáng kể giúp hoạt động tín dụng tại Chi nhánh đi vào nề nếp, nâng cao tính tuân thủ theo quy trình cho vay, từ đó hạn chế rủi ro tín dụng.
Chi nhánh đã triển khai tốt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trong hoạt động
tín dụng của BIDV phù hợp với tình hình của chi nhánh, bao gồm: các văn bản về thẩm quyền phán quyết và phân cấp uỷ quyền trong hoạt động tín dụng xác định quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm của các cấp điều hành trong hoạt động tín dụng, phù hợp với năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro của từng đơn vị được phân cấp; các văn bản hướng dẫn quy trình cấp tín dụng đối với doanh nghiệp và cá nhân.
Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu của Chi nhánh duy trì ở mức chấp nhận được: tỷ lệ nợ quá hạn ở mức xấp xỉ 2%, tỷ lệ nợ xấu ≤ 3%, nằm trong giới hạn cho phép theo thông lệ quốc tế. Chi nhánh đã có những thành công nhất định trong việc kiềm chế và kiểm soát tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu, hạn chế phát sinh tăng, nhất là trong giai đoạn khách hàng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế.
Để thu hồi và xử lý nợ xấu một cách hiệu quả, Chi nhánh đã chủ động thành lập Tổ thu hồi và xử lý nợ xấu gồm những thành viên là phụ trách các phòng nghiệp vụ có liên quan để xây dựng kế hoạch và các biện pháp cụ thể, tham mưu cho Giám đốc Chi nhánh các quyết định thích hợp để xử lý nợ xấu kịp thời và đúng tiến độ. Việc Chi nhánh đã mạnh dạn đánh giá các khoản nợ không còn khả năng thu hồi và chấp nhận giảm trừ thu nhập để xử lý ngoại bảng, làm lành mạnh hoá dư nợ nội bảng cũng là một biện pháp quyết liệt để đảm bảo chất lượng tín dụng.
Từ năm 2006, hệ thống Ngân hàng ĐT&PT Việt Nam đã đưa vào sử dụng Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ với bộ chỉ tiêu chấm điểm khách hàng theo 34 ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, mỗi khách hàng được đánh giá và chấm điểm thông qua 14 chỉ tiêu tài chính và 05 nhóm chỉ tiêu phi tài chính. Hệ thống giúp cho việc đánh giá khách hàng một cách toàn diện về năng lực tài chính, xu hướng phát triển của doanh nghiệp, khả năng trả nợ, những tác động từ môi trường kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến hoạt động khách hàng,… để ra phán quyết cho vay đảm bảo cho vay mới an toàn, hiệu quả với mức bù đắp rủi ro thích hợp.
Căn cứ chính sách khách hàng quy định chung của BIDV, trên cơ sở kết quả chấm điểm phân loại khách hàng, Chi nhánh đã xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể áp dụng cho từng nhóm khách hàng, chính sách với mục tiêu phải thực sự hướng đến khách hàng. Việc thực hiện tốt chính sách khách hàng đã góp phần không nhỏ
trong việc kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng, xây dựng được cơ cấu tín dụng phù hợp trong thời gian qua.
2.3.2. Những tồn tại, hạn chế:
Mặc dù trong thời qua Chi nhánh đã có nỗ lực tăng cường quản lý rủi ro tín dụng tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều tồn tại, cụ thể:
- Bộ máy tổ chức tín dụng còn nhiều bất cập. Mục đích nâng cao tính khách quan, phản biện tín dụng bằng cách phân tách phòng tín dụng thành Phòng Quan hệ khách hàng, Phòng Quản lý rủi ro và Phòng Quản trị tín dụng chỉ đạt về hình thức, nặng về thủ tục giấy tờ chứ chưa đáp ứng được yêu cầu về bản chất. Xét về mặt cơ cấu tổ chức bộ máy, mặc dù Phòng Quản lý rủi ro tín dụng có ý kiến độc lập trong cấp tín dụng nhưng vẫn thuộc sự quản lý của Ban giám đốc, vẫn chịu sự điều hành và hưởng lợi ích từ hoạt động của Chi nhánh, do đó không thể đảm bảo thẩm quyền và sự khách quan về phân tích, nhận định khoản vay. Trên thực tế, Phòng Quản lý rủi ro tín dụng tiến hành thẩm định song song cùng với Phòng Quan hệ khách hàng để đáp ứng nhanh yêu cầu của khách hàng, đồng thời cũng có lúc tiếp xúc với khách hàng để thu nhận thông tin hay khách hàng trực tiếp làm việc với Phòng Quản lý rủi ro để thúc giục, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hồ sơ.
Phòng Quan hệ khách hàng chỉ đưa ra các đề xuất về cấp tín dụng còn Phòng Quản lý rủi ro thẩm định phải có ý kiến đồng ý hay không đồng ý. Tuy nhiên, phòng Quản lý rủi ro chỉ thẩm định hồ sơ vay, định giá tài sản đảm bảo căn cứ trên giấy tờ do khách hàng cung cấp và báo cáo đề xuất của phòng Quan hệ khách hàng, không tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, một công việc rất quan trọng khi thẩm định tín dụng để có thể đưa ra các quyết định tín dụng đúng đắn và hợp lý trong khi khả năng thu thập thông tin rất khó khăn. Phòng Quan hệ khách hàng đôi khi cung cấp thông tin không chính xác, không phản ánh đúng bản chất của doanh nghiệp. Việc thẩm định báo cáo rủi ro về món vay, tài sản đảm bảo của phòng Quản lý rủi ro còn phụ thuộc nhiều vào ý kiến chủ quan của phòng Quan hệ khách hàng, phần lớn đồng ý theo đề xuất của phòng Quan hệ khách hàng chưa có sự thẩm định rủi ro độc lập.
Cơ chế thông tin giữa các phòng hoạt động cấp tín dụng chưa đảm bảo tính liên tục và toàn diện. Sự liên kết giữa các phòng không chặt chẽ, thiếu kết nối đôi khi còn cản trở nhau trong tác nghiệp.
- Cơ cấu cho vay theo ngành nghề của Chi nhánh trong những năm gần đây mặc dù đã có sự đa dạng hơn giai đoạn trước, tuy nhiên tỷ trọng dư nợ vẫn tập trung tương đối cao vào nhóm ngành công nghiệp đóng tàu - vận tải biển và ngành kinh doanh sắt thép với dư nợ tăng nhanh từ năm 2008 đến 2010. Lý giải cho thực tế này là do từ năm 2005, Chi nhánh được Hội sở chính BIDV giao làm đầu mối trong quan hệ với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, trong đó có những chương trình đóng tàu Chính phủ trực tiếp chỉ đạo. Việc tập trung dư nợ lớn vào một ngành nghề, lĩnh vực nhất định là nguyên nhân tiềm ẩn rủi ro tín dụng cao, và trên thực tế, rủi ro tín dụng đã xảy ra tại Chi nhánh đối với hai nhóm ngành nghề nêu trên. Định hướng quản lý tín dụng theo ngành nghề đã được triển khai thực hiện, tuy nhiên chưa có công cụ, biện pháp quản lý để kiểm soát giới hạn cho vay theo từng ngành nghề.
Chưa gắn việc áp dụng chính sách rủi ro tín dụng với chính sách định giá tiền vay theo nguyên tắc khoản vay có mức độ rủi ro cao thì áp dụng lãi suất cao.
Phương thức tín dụng chưa linh hoạt, nhiều quy định về tín dụng tại các văn bản chỉ đạo của NHNN còn bị hiểu bó hẹp trong phạm vi nhất định gây khó khăn cho công tác tín dụng. Ví dụ việc cho vay vốn lưu động đối với các doanh nghiệp đóng tàu: trước đây, do vận dụng theo thói quen Quy chế cho vay của NHNN, đồng thời chưa có hướng dẫn cụ thể của hội sở chính nên việc cho vay vốn lưu động được hiểu là cho vay ngắn hạn tới 12 tháng. Tuy nhiên, đối với các đơn vị thi công các tàu xuất khẩu lớn, thời gian thi công, bàn giao trung bình từ 18 tháng đến 24 tháng, thậm chí lên đến 36 tháng cho một con tàu, vòng quay vốn lưu động < 1; vì vậy cho vay ngắn hạn là bất hợp lý. Tình trạng này đã dẫn tới nhiều khoản vay của doanh nghiệp đóng tàu phải gia hạn hoặc buộc phải để quá hạn khi nguồn thu chưa về.
- Sự tuân thủ quy trình tín dụng của Chi nhánh có những thời điểm chưa nghiêm và thiếu thận trọng. Nhiều khoản tín dụng bị phê duyệt một cách vội vàng, chạy theo yêu cầu của khách hàng và được chỉ định của cấp phê duyệt từ trên xuống
mà thiếu đi sự phân tích, thẩm định tín dụng của cán bộ quan hệ khách hàng cũng như cán bộ Quản lý rủi ro. Chi nhánh thực hiện đầu tư tín dụng ngoài địa bàn hoạt động nhiều nên việc kiểm tra tình hình kinh doanh, năng lực tài chính, tính trung thực trong việc sử dụng vốn vay và kiểm soát nguồn tiền của khách hàng không đảm bảo tính chính xác và kịp thời. Điều đó làm cho khả năng phòng ngừa, chống đỡ rủi ro tín dụng còn hạn chế, chất lượng tín dụng giảm sút. Chất lượng tín dụng của Chi nhánh có dấu hiệu suy giảm thông qua phân tích các chỉ tiêu: nợ xấu, nợ quá hạn, lãi treo, nợ hạch toán ngoại bảng cho thấy rủi ro tín dụng vẫn xảy ra và có dấu hiệu gia tăng, công tác kiểm soát, hạn chế rủi ro tín dụng còn bất cập.
- Công tác kiểm soát tài sản đảm bảo, kiểm tra sử dụng vốn vay gặp nhiều khó khăn, trong thực tế một số trường hợp không thể thực hiện kiểm tra theo đúng quy định do đặc thù hoạt động của khách hàng (ví dụ tài sản là máy móc thi công của các đơn vị xây lắp sử dụng để thi công nhiều công trình ở xa, hay tài sản là tàu biển hoạt động trên tuyến quốc tế của các doanh nghiệp vận tải biển,...). Một số trường hợp cán bộ Quan hệ khách hàng không kiểm soát chặt chẽ tài sản đảm bảo là lô hàng, hàng tồn kho luân chuyển, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp xuất bán nhưng không trả nợ vay ngân hàng. Do vậy, thực tế đã xuất hiện một số trường hợp doanh nghiệp sử dụng vốn vay sai mục đích, tài sản đảm bảo đã bị hỏng hóc, thay thế, khách hàng đã đem bán hoặc thế chấp ở nhiều nơi.
- Việc thẩm định dự án/phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đôi khi còn sơ sài, không đánh giá hết những ảnh hưởng của thị trường cũng như năng lực thi công, năng lực vận hành thiết bị, công nghệ của doanh nghiệp dẫn tới rủi ro không trả được nợ.
- Nhóm khách hàng liên quan tại Chi nhánh tương đối nhiều, việc tập trung dư nợ vào một số nhóm khách hàng sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Chưa có công cụ và biện pháp để kiểm soát giới hạn cho vay theo nhóm khách hàng liên quan.
- Việc kiểm soát rủi ro tín dụng chưa đồng bộ và toàn diện: hiện nay, chỉ kiểm soát tăng trưởng, giới hạn dư nợ cho vay tại chi nhánh. Các hình thức cấp tín
dụng khác chưa chú trọng kiểm soát như dư bảo lãnh, L/C... Ngoài ra, các cam kết cho vay, hạn mức tín dụng, bảo lãnh, mở L/C chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ.
- Số lượng, chất lượng cán bộ làm công tác tín dụng, quản lý rủi ro tại Chi nhánh còn nhiều hạn chế: lực lượng cán bộ còn trẻ, chủ yếu mới ra trường và có thâm niên công tác dưới 5 năm nên còn thiếu kinh nghiệm quản lý tín dụng, đặc biệt còn lúng túng, thiếu quyết liệt trong xử lý các vi phạm trong vay vốn và sử dụng vốn của khách hàng. Khối lượng doanh nghiệp, dư nợ tín dụng trên một cán bộ quản lý tương đối lớn gây ra tình trạng quá tải, từ đó dẫn tới việc không bám sát hoạt động kinh doanh của khách hàng, việc kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng còn sơ sài, mang tính hình thức nên không phát hiện hoặc phát hiện không kịp thời các trường hợp sử dụng vốn vay sai mục đích, gây ra rủi ro tín dụng.
Chi nhánh còn thiếu cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ chuyên biệt về các loại tài sản đảm bảo nên khó khăn trong việc đánh giá, xác định giá trị tài sản cũng như xử lý tài sản thu hồi nợ khi có rủi ro xảy ra.
- Môi trường pháp lý cho hoạt động tín dụng ngân hàng còn chưa đầy đủ.
Còn thiếu chế tài xử lý khi doanh nghiệp vi phạm các cam kết đối với ngân hàng.
Các quy định về xử lý tài sản bảo đảm, đặc biệt tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất chưa hợp lý, rừ ràng khiến Chi nhỏnh gặp nhiều vướng mắc khi xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, nhất là trong trường hợp doanh nghiệp đã có những biểu hiện chây ỳ, không hợp tác.
- Ngoài ra, công nghệ ngân hàng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là hệ thống thông tin, dữ liệu. Những thông tin về từng ngành nghề trong nền kinh tế rất cần thiết cho hoạt động tín dụng như: thông tin về lịch sử phát triển và triển vọng phát triển của ngành, năng lực cạnh tranh của ngành và từng đơn vị trong ngành, các chỉ số ngành… hiện có của Chi nhánh chỉ mang tính góp nhặt, chưa có hệ thống và chuyên sâu. Chi nhánh còn thiếu thông tin và phần mềm cảnh báo rủi ro đối với khách hàng/nhóm khách hàng liên quan, phần mềm phục vụ công tác thẩm định.
2.3.3. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế Nguyên nhân chủ quan
Công tác quản lý rủi ro tín dụng chưa được thực hiện tập trung
Việc phân cấp ủy quyền phán quyết tín dụng đối với các chi nhánh lớn gây khó khăn trong công tác quản lý rủi ro và chưa phù hợp với thông lệ đó là quản lý tín dụng tập trung tại Hội sở chính;
Về mô hình kinh doanh tín dụng: trong năm 2008, mô hình kinh doanh của BIDV đã có sự thay đổi so với các năm trước. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh vẫn phân chia theo hàng ngang tại Hội sở chính và các chi nhánh (các chi nhánh như những ngân hàng nhỏ trong một ngân hàng, được Hội sở chính “nhượng quyền”
kinh doanh). Chính mô hình này đang làm giảm đi tính hiệu quả do nguồn lực bị phân tán, tính cạnh tranh không cao và gây khó khăn cho quản lý kinh doanh nói chung và quản lý rủi ro tín dụng nói riêng.
Thiếu công cụ đo lường rủi ro và khả năng phân tích rủi ro tín dụng, phân tích ngành còn yếu
Các công cụ đo lường rủi ro còn khá nghèo nàn và thiếu tính đồng bộ. Hệ thống XHTDNB là công cụ duy nhất để BIDV đánh giá rủi ro của khách hàng. Tuy nhiên, hệ thống XHTDNB đối với khách hàng doanh nghiệp mới được triển khai từ cuối năm 2006, vẫn tiếp tục trong quá trình kiểm nghiệm và hoàn thiện nên vẫn còn những hạn chế nhất định.
Do khả năng phân tích ngành nghề yếu kém, đồng thời Việt Nam lại chưa có hệ thống các chỉ tiêu trung bình của từng ngành, nên BIDV chưa có cơ sở để phân tích, so sánh nên chưa đưa ra được các cảnh báo và định hướng kịp thời cho hoạt động tín dụng, nhằm hạn chế đầu tư vào những ngành, thành phần kinh tế làm ăn kém hiệu quả. Đây chính là một trong những nguyên nhân, BIDV chưa xây dựng được một chính sách tín dụng dài hạn, hiệu quả.
Cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin còn nghèo nàn
Kho cơ sở dữ liệu về khách hàng vay vốn chưa đầy đủ, chính xác và chưa được lưu trữ trong thời gian dài. Do đó, dù đã triển khai xây dựng chiến lược và chính sách tín dụng nhưng BIDV vẫn chưa tổ chức nghiên cứu, xây dựng được một chính sách tín dụng dài hạn để định hướng phát triển tín dụng do kho dữ liệu còn