Cải cách văn hóa Hạt nhân của quá trình phát triển

Một phần của tài liệu “ Giao lưu văn hóa ở Việt Nam trong điều kiện toàn cầu hoá - Bước ngoặt về chất (Trang 33 - 34)

III. CẢI CÁCH VĂN HOÁ

2. Cải cách văn hóa Hạt nhân của quá trình phát triển

Thực tế chỉ ra rằng, về mặt nhận thức, các nước thế giới thứ ba chỉ nghiên cứu văn hóa với mục đích bảo tồn và duy trì bản sắc, quên mất rằng việc nghiên cứu bản sắc văn hóa còn giúp mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng nâng cao năng lực phát triển. Trước đây, người ta tưởng rằng chỉ có các nước thế giới thứ ba mới lo sợ bị mất bản sắc văn hóa do sự cọ sát và tương tác giữa các nền văn hóa khác nhau trong quá trình hội nhập và toàn cầu hoá. Nhưng thực ra không chỉ riêng các nước thế giới thứ ba mà ngay cả một số nước châu Âu cũng mang trong mình nỗi lo ấy. Từ đó, có thể đi đến kết luận tất cả các nước lạc hậu trên quy mô thế giới luôn luôn có một bản năng đề kháng, ngăn chặn sự mất

mát bản sắc. Bản năng này dường như đã trở thành một loại phản ứng tự nhiên phổ biến trong các quốc gia mà năng lực cạnh tranh kém một cách tổng thể hoặc một cách tương đối. Cải cách văn hóa sẽ chấm dứt nỗi lo không có thật cũng như phản ứng thái quá này. Xuất phát từ luận điểm này, tôi cho rằng, văn hóa ngày càng đóng vai trò như điểm cốt lõi nhất của lý thuyết phát triển và cải cách văn hóa trở thành hạt nhân của quá trình phát triển.

Sở dĩ cải cách văn hóa đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của một dân tộc là bởi nó tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến tầng lớp trí thức ở các nước thế giới thứ ba. Trong nửa thế kỷ qua, một số ít người có tư tưởng tiến bộ ở các nước thế giới thứ ba đã đưa ra đòi hỏi tách văn hóa ra khỏi chính trị. Tuy nhiên, họ mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra những đòi hỏi về phương diện chính trị thay vì biểu lộ nhận thức đổi mới và cải cách về phương diện văn hoá. Mặt khác, đó chỉ là một số ít người so với đại bộ phận dân chúng thiên về chấp nhận sự ổn định tới mức trì trệ, và do đó, những tư tưởng và tâm huyết của riêng họ không đủ sức để tạo ảnh hưởng đối với tinh thần của các cộng đồng dân tộc.

Chỉ có cải cách văn hóa mới thực sự giải quyết được căn nguyên sâu sa của tình trạng lạc hậu ở các nước thế giới thứ ba bởi một nền văn hóa mở sẽ buộc thể chế chính trị phải thay đổi. Hoa Kỳ, cường quốc hàng đầu của nhân loại hôm nay, đã đạt được những thành công lớn lao không hẳn chỉ nhờ vào lực lượng quân sự hùng hậu, nền kinh tế tự do và thể chế chính trị dân chủ, mà còn vì đa số những người trí thức Hoa Kỳ đều bày tỏ quan điểm một cách dũng cảm về những điểm bất hợp lý và đấu tranh cho sự thay đổi. Trí thức ở các nước thế giới thứ ba hay trăn trở trước các vấn đề chính trị. Điều này là đáng quý và thực sự cần thiết. Nhưng nếu họ không tự xây dựng bản thân thành những người trí thức đúng nghĩa, mong ước và nỗ lực cải cách văn hóa theo hướng nâng cao tính mở của nền văn hoá, thì sự thay đổi chính trị, nếu xảy ra cũng không đi vào thực chất mà chỉ là những giải pháp tình thế.

Một phần của tài liệu “ Giao lưu văn hóa ở Việt Nam trong điều kiện toàn cầu hoá - Bước ngoặt về chất (Trang 33 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(44 trang)
w