Việc học và lĩnh hội ngoại ngữ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mọi thời đại, nó đòi hỏi sự phấn đấu, nỗ lực rất cao tìm hiểu, hoà hợp cả lý thuyết và thực hành. Thật vậy, khi không nắm vững một điểm ngữ pháp thì liệu chúng ta có thể giải quyết nhanh chóng, chính xác các bài tập liên quan? Hay ngược lại, liệu chúng ta có thể phát hiện ra những biến đổi, những điểm phát sinh đa dạng, phức tạp nếu không vận dụng những lý thuyết đã học vào thực tiễn? Hay một ví dụ rất thực tế là tại sao một người chỉ tìm tòi, học hỏi qua sách vở lại luôn thua kém một người biết kết hợp chúng với việc thực hành giao tiếp hoặc du lịch ở các nước sử dụng ngôn ngữ mà mình đang học? Từ đây, ta có thể rút ra một kết luận hết sức đúng đắn: việc học ngoại ngữ sẽ đạt được những bước tiến vượt bậc nếu ta biết cách dung hòa, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Ở đây, trong bài nghiên cứu này, việc tìm hiểu, phát hiện và đưa ra những giải pháp giúp sinh viên ngoại ngữ hạn chế được những sai sót, nhầm lẫn với Tiếng Anh khi tiếp xúc với một ngôn ngữ ngoài chuyên ngành của mình _ Tiếng Pháp cũng cần dựa trên tinh thần “lý thuyết gắn liền thực tiễn” để đạt được những mục tiêu như mong đợi.
Muốn vậy, bên cạnh việc khuyến khích sinh viên phát huy tính tích cực, tự giác tìm tòi, sáng tạo nắm vững những quy tắc quan trọng (như đã nêu trên), nhà trường nói chung cũng như giáo viên giảng dạy nói riêng cần phân phối thêm thời gian cho việc tổ chức sinh viên thảo luận, trình bày các chủ đề đơn giản (như về cá nhân, gia đình, sở thích, giải trí…) hay đóng vai các nhân vật, tự lập các đoạn đối thoại (giữa người mua và người bán, giữa hai người bạn…) vì thực tế cho thấy những lỗi mắc phải khi sinh viên trình bày (thông qua kỹ năng nói) được giáo viên chỉnh sữa, lưu ý, nhấn mạnh sẽ giúp sinh viên ghi nhớ rất lâu sai sót của mình và ít lặp lại lần sau. Ý kiến này được đa số sinh viên đồng tình ủng hộ vì không những có ý nghĩa tích cực vừa nêu mà còn làm thay đổi bầu không khí học tập, kích thích sinh viên hứng thú, thu hút sự tập trung cao vào bài học…
Mặt khác, qua điều tra cho thấy khi được hỏi về kỹ năng gây khó khăn cho sinh viên khi học Tiếng Pháp, 60,95% chọn kỹ năng nghe, 22,86% chọn kỹ năng nói (câu 29) và khi đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng học Tiếng Pháp, 25,7% sinh viên cho rằng giáo viên cần xen kẽ nói Tiếng Việt và Tiếng Pháp trong các tiết dạy ở lớp để nâng cao kỹ năng nghe hiểu cho sinh viên và 49,5% đề nghị nên tập cho sinh viên nghe, trả lời bằng Tiếng Pháp để nâng cao kỹ năng giao tiếp (câu 27); mặt khác để học tốt Tiếng Pháp, 40,95% cho rằng nên bổ sung thêm các tiết thực hành luyện cho sinh viên nghe, nói, 20,95% nên so sánh sự giống, khác của Tiếng Pháp với Tiếng Anh và 16,2% nên tăng cường thảo luận, đàm thoại (câu 35). Từ những số liệu trên cho thấy nghe và nói là hai kỹ năng giao tiếp quan trọng nhưng đồng thời cũng gây khó khăn cho sinh viên trong việc học ngoại ngữ này, vì vậy giáo viên cần
đa dạng hoá phương pháp giảng dạy của mình nhằm tạo cho sinh viên nhiều điều kiện thuận lợi nhất nâng cao các kỹ năng kể trên, hoàn thiện dần khả năng lĩnh hội ngôn ngữ mới.
Một điều không thể bỏ sót đó là bên cạnh việc nắm vững tri thức, phương pháp, không ngừng nâng cao trình độ… người giáo viên cần có thêm kỹ năng quan trọng:
gây hứng thú cho người học.Kỹ năng này không theo một chuẩn mực cụ thể nào mà tuỳ thuộc vào khả năng, sự linh hoạt, mềm dẻo, sáng tạo của từng giáo viên giảng dạy. Tuy nhiên, có thể nói chất lượng, kết quả tiếp thu của người học phụ thuộc phần lớn vào khả năng này của người dạy. Điều này giải thích lý do cho câu hỏi: Tại sao đa số người học cảm thấy hứng thú và tiếp thu dễ dàng, hiệu quả khi tiếp xúc với người giáo viên vui tươi, niềm nở và đôi khi khá “hóm hỉnh” trong giảng dạy?. Ta có thể tham khảo qua các số liệu sau ở câu 32 bảng câu hỏi: 24,76% sinh viên thừa nhận ghi nhớ nhanh một vấn đề gây cho họ ấn tượng và 31,44% phù hợp sở thích, gây hứng thú một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của công tác giảng dạy của người giáo viên đối với chất lượng học tập của sinh viên trong việc lĩnh hội ngoại ngữ.
Đặc biệt, mặc dù còn mắc phải nhiều sai sót, nhầm lẫn với Tiếng Anh nhưng qua điều tra thấy rằng khi tiếp xúc với Tiếng Pháp: 29,5% rất thích học và 43,8% nếu có điều kiện sẽ học chuyên sâu (câu 36). Điều này cho thấy một biểu hiện tích cực ở
đây là đa số sinh viên rất hứng thú tiếp nhận ngôn ngữ này để làm giàu vốn ngoại ngữ của mình, do đó nhà trường, nhà giáo dục cần tạo môi trường cho sinh viên phát huy, trau dồi, học hỏi thêm, giúp đỡ, hỗ trợ khi cần thiết cụ thể như: tổ chức câu lạc bộ nói Tiếng Pháp, thảo luận chuyên đề nhằm giải quyết những khó khăn trong quá trình học tập, hội nghị học tốt Tiếng Pháp…