Điều không khó thấy là lực lượng nhà văn trong và ngoài Quân đội tâm huyết với đề tài chiến tranh đang ít dần đi. Trong Quân đội số nhà văn thế hệ chống Mỹ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Sau khi các nhà văn, nhà thơ Chu Lai, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Anh Ngọc, Lê Thành Nghị, Hồng Diệu, Nguyễn Hồng Hà, Đỗ Viết Nghiệm...nhận sổ hưu thì chỉ còn lại Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Khuất Quang Thuỵ, xấp xỉ lục tuần. Thế hệ nhà văn xuất hiện sau năm1975 như Ngô Vĩnh Bình, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Hữu Quý, Trần Anh Thái, Mai Nam Thắng, Hà Đức Hạnh, Bùi Thanh Minh, Nguyễn Bình Phương, Phạm Thanh Khương, Nguyễn Tiến Hải, Hoàng Đức Nhuận, Nguyễn Minh Ngọc, Lê Anh Dũng...tuổi cũng đã trên dưới năm mươi. Còn lại và không nhiều lắm những nhà văn thuộc lớp X70 như Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thuý, Đỗ Tiến Thuỵ, Nguyễn Thế Hùng, Phùng Văn Khai, Bùi Như Lan...
Những người cầm bút ngoài Quân đội tâm huyết với đề tài chiến tranh vẫn thuộc thế hệ chống Mỹ và sau năm 1975. Chưa có những nhà văn trẻ viết về chiến tranh có uy tín. Bằng chứng là các cây bút thế hệ 7X hoặc trẻ hơn hình như không mặn mà lắm với đề tài này kể cả họ đang khoác quân phục. Những tác phẩm được bạn đọc chú ý bấy lâu nay của họ không nằm trong đề tài chiến tranh. Có mấy lý do để lý giải hiện trạng này. Đó là, với nhà văn trẻ
thì cuộc sống đương đại đang diễn ra từng ngày hấp dẫn họ hơn, văn học đời thường đang chiếm ưu thế. Trở ngại lớn nhất đối với nhà văn trẻ viết về chiến tranh là họ chưa được nếm trải những năm tháng ấy và hiện thực bi hùng của quá khứ xảy ra khi họ chưa sinh hoặc còn bé tẹo đã lùi xa hằng bao thập kỷ. Người viết trẻ cảm nhận về các cuộc kháng chiến của cha anh chỉ qua những dư âm của nó. Tôi tin, những tác phẩm viết về chiến tranh của họ sẽ khác với những gì đã có của thế hệ đi trước, tuy nhiên điều này lại phụ thuộc vào tài năng và tâm huyết của người cầm bút. Người ta lo ngại về sự thiếu hụt đội ngũ cầm bút kế thừa viết về chiến tranh là rất có lý. Dòng văn học viết về chiến tranh liệu còn tuôn chảy hay đang vơi cạn khuất lấp dần trước sự bộn bề của cuộc sống hôm nay?
Trong khi đó, chiến tranh còn nhiều tầng vỉa để khai thác lắm. Bao nhiêu kỳ tích, con người, sự việc chưa được phản ánh miêu tả, bao nhiêu hy sinh mất mát của đồng chí đồng bào chưa tri ân đủ, bao nhiêu câu hỏi về chiến tranh chưa được trả lời...Món nợ của người viết vẫn còn lớn lắm. Mấy mươi năm qua song phẳng mà nói ta mới chỉ có một số tác phẩm hay viết về chiến
tranh, chưa có những tác phẩm lớn tương xứng với sự vĩ đại của 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như những cuộc chiến tranh bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc sau này.
Chiến tranh vẫn là một đề tài nóng của văn học. Tôi nghĩ rằng:30 năm, 50 năm hoặc lâu hơn nữa thì sự quan tâm của người cầm bút đối với nó vẫn không hoàn toàn mất đi. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhân loại đến nay vẫn còn nhắc tới Chiến tranh và hoà bình của L.Tônxtôi...và gần gũi hơn những tác phẩm văn xuôi và thơ về chiến tranh của Tố Hữu, Trần Mai Ninh, Chính Hữu, Hữu Loan, Trần Dần, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Minh Châu, Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Sáng, Bảo Ninh, Xuân Đức, Trần Văn Tuấn...vẫn làm cho chúng ta xúc động.
Xây dựng đội ngũ nhà văn tâm huyết viết về chiến tranh và cần có những bà đỡ mát tay cho các tác phẩm về đề tài này là một việc cần thiết. Quân đội có giải thưởng Bộ Quốc phòng và các cuộc đầu tư cho sáng tác tiểu thuyết, trường ca về đề tài chiến tranh cách mạng, Hội Nhà văn có Ban Quốc phòng - An ninh, báo Sài gòn giải phóng có Quỹ Văn học chiến tranh...Tuy nhiên, bấy nhiêu vẫn chưa đủ điều kiện để khơi rộng mở mang dòng chảy văn học viết về chiến tranh và trước mắt chúng ta vẫn còn đó nỗi lo thiếu hụt về lực lượng cũng như tác phẩm lớn và hay cho đề tài này.