Sơ nét về những thay đổi của chính sách thuế

Một phần của tài liệu Giải pháp về chính sách thuế thu nhập nhằm định hướng hoạch định cấu trúc vốn của các doanh nghiệp Việt Nam (Trang 34 - 37)

III. Giải pháp về chính sách thuế thu nhập nhằm định hướng

1.Sơ nét về những thay đổi của chính sách thuế

Nam hiện nay:

a) Thuế TNDN:

Thuế suất thuế TNDN điều chỉnh giảm từ 28% trước đây xuống còn 25% (áp dụng từ ngày 01/01/2009) theo đúng mong mỏi của cộng đồng DN. Mức thuế mới không chỉ tạo thuận lợi cho DN mà còn làm tăng sức hấp dẫn về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Đây cũng là một thông tin đầy ý nghĩa với các DN trong bối cảnh lạm phát đang gây ra những áp lực làm tăng chi phí đầu vào.

Lãi vay của các tổ chức, cá nhân không phải là tổ chức tín dụng được tính tối đa vào chi phí bằng 150% lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước công bố, thu hẹp các trường hợp được miễn giảm thuế, xoá bỏ ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng mà thay vào đó là chế độ khấu hao nhanh đối với tài sản cố định đầu tư mới, cho phép DN được trích tối đa 10% trên thu nhập chịu thuế hàng năm để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của DN, đã thể hiện quan điểm minh bạch, đơn giản, để nâng cao tính hiệu quả trong quản lý thuế.

* Chính sách giảm thuế TNDN: ( Thông tư số 03/2009/TT-BTC ngày 13/01/2009). Các doanh nghiệp nhỏ và vừa được giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của quý IV/2008 và 30% số thuế TNDN phải nộp của cả năm 2009. DN được tự tính và tự khai số thuế TNDN được giảm, số thuế còn phải nộp với cơ quan thuế theo những thủ tục rất đơn giản

Việc điều chỉnh thuế suất thuế TNDN từ 28% xuống 25% là bước đột phá lớn để tạo đà cho DN tăng tích lũy, tái đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hiện nay đang có nhiều công ty cổ phần và các hình thức góp vốn liên doanh liên kết mới xuất hiện. Khoản lợi tức cổ phần, lợi tức thu được từ các hình thức góp vốn của DN ngày càng

tăng. Do vậy thông lệ quốc tế đang có xu hướng giảm thuế TNDN và điều chỉnh thêm thuế lợi tức cổ phần.

Thêm vào đó nếu so sánh với các nước trong khu vực, thuế suất TNDN của Việt Nam hiện nay đang ở mức trung bình có thể chấp nhận được. Do tác động của quá trình toàn cầu hóa, cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt, cải cách thuế TNDN được các nước trên thế giới và khu vực được xem là một trong những nội dung trọng tâm. Cụ thể Singapore đã hạ thuế suất thuế TNDN từ 20% xuống còn 19%; Philippin giảm từ 35% xuống 30%. Gần đây nhất, Trung Quốc đã giảm thuế từ 33% xuống còn 25% để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh kinh tế mới đặc biệt là khi gia nhập WTO,Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức sau hội nhập, sức ép về cải cách chính sách thuế TNDN đối với Việt Nam càng trở nên cấp thiết hơn.

Lộ trình cải cách thuế của Chính phủ giai đoạn 2005-2010, đặt ra 3 mục tiêu: giảm thuế suất; mở rộng diện chịu thuế, khuyến khích sản xuất, đầu tư phát triển và bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Hiện tại, thuế TNDN đã được điều chỉnh giảm theo đúng lộ trình này.

b) Thuế TNCN

- Từ ngày 01/01/2009:

* Thuế suất thuế TNCN đối với cổ tức, lãi vay ( thu nhập từ đầu tư vốn): Tp = TpE1= 5%.

* Thuế suất thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn: TpE2= 20% Ta có:

(1-Tp) = (1-0,05) = 0,95

(1-Tc)(1-TpE1) = (1-0,25)(1-0,05) = 0,7125 (1-Tc)(1-TpE2) = (1-0,25)(1-0,20) = 0,6

Nhận xét:

Với chính sách thuế thu nhập này rõ ràng vẫn ưu tiên cho tài trợ nợ, do (1-Tp) >(1-Tc)(1-TpE1) và (1-Tc)(1-TpE2) . Tuy nhiên khi phân tích giữa chi trả cổ tức bằng tiền và thực hiện phân phối lợi nhuận bằng lãi vốn thì chính sách thuế vẫn khuyến khích doanh nghiệp chi trả cổ tức bằng tiền do: (1-Tc)(1-TpE1)> (1-Tc)(1- TpE2).

Công ty cổ phần (CTCP) khi chi trả cổ tức có thể thực hiện bằng các hình thức như: cho trả cổ tức bằng tiền mặt, chi trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc sử dụng hỗn hợp, vừa chi trả bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu. Theo quy định tại khoản 2 điều 6, Luật thuế TNCN thì cổ tức nhận được bằng cổ phiếu phải quy đổi ra tiền theo giá thị trường của cổ phiếu tại thời điểm cổ đông nhận chi trả. Như vậy, việc phân tích lợi ích giữa việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu trong thời gian tới sẽ là vấn đề mà các CTCP cần phải xem xét.

Qua kết quả này, với giả định cổ đông không thực hiện bán cổ phiếu nhận được mà giữ lại, rõ ràng việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ làm giảm lợi ích của cổ đông, cụ thể cổ đông phải nộp thuế TNCN cao gấp 5 lần so với chi trả cổ tức bằng tiền mặt.

c) Nhận xét về chính sách thuế TNCN và lợi ích của doanh nghiệp

Về góc độ DN :

Theo chính sách thuế TNCN có hiệu lực từ ngày 01.01.2009 thì các khoản cổ tức chi trả bằng tiền hay chi trả bằng cổ phiếu đều là đối tượng chịu thuế TNCN, do vậy việc xây dựng cơ chế cổ tức hợp lý là nội dung mà các CTCP phải nghiên cứu ngay từ bây giờ. Điều quan trọng là phải kết hợp chính sách phân phối cổ tức với quyết định đầu tư và quyết định tài trợ trên cơ sở một cấu trúc vốn thích hợp. Với quy định của luật thuế TNCN không tính thuế thu nhập đối với khoản thu nhập giữ lại, sẽ là cơ hội cho các CTCP sử dụng khoản thu nhập sau thuế để tái đầu tư, vừa giảm chi phí sử dụng vốn trong tình hình lãi suất vay ngân hàng thương mại đang tăng cao và không ổn định, vừa gia tăng giá trị công ty và đem lại lợi ích cho cổ đông qua trì hoãn được khoản thuế TNCN phải nộp.

Về kinh tế vĩ mô :

Việc qui định tính thuế TNCN đối với cổ tức nhận bằng cổ phiếu, trên cơ sở qui đổi theo giá thị trường tại thời điểm nhận cổ phiếu để xác định thu nhập tính thuế, là một vấn đề cần được xem xét. Với quy định này của Luật Thuế TNCN chưa thật sự khuyến khích các CTCP sử dụng nguồn thu nhập giữ lại để đầu tư thông qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Việc áp dụng thuế suất thấp (5%) đối với thu nhập là cổ tức bằng tiền mặt nhưng nhưng lại tính thuế trên cổ tức được chia bằng cổ phiếu theo giá thị trường tại thời điểm chi trả, khi mà khoản thu nhập này cổ đông chưa thật sự nắm giữ trên tay không thể hiện định hướng khuyến khích các CTCP sử dụng lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư. Hướng xem xét, sửa đổi cách tính thuế đối với cổ tức nhận được bằng cổ phiếu nên qui định tương tự như tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn. Cụ thể, khi cổ đông thực hiện chuyển nhượng cổ phiếu trên thị trường thì lúc này sẽ phát sinh khoản thuế TNCN phải nộp trên chênh lệch giá (giữa giá thị trường và mệnh giá) hoặc bằng một tỷ lệ (%) ấn định trên giá trị chuyển nhượng, sẽ là một nội dung phù hợp hơn với đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam, sẽ khuyến khích các CTCP xây dựng một chính sách phân phối linh hoạt, sử dụng khoản lợi nhuận sau thuế để đầu tư khi mà nguồn vốn tài trợ cho hoạt động SXKD còn quá thấp, chi phí sử dụng vốn quá cao. Trong xu hướng chung của thế giới, thuế TNCN là một sắc thuế tiên tiến, đảm bảo tính công bằng về nghĩa vụ thuế đối với mỗi cá nhân và chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng thu ngân sách của các quốc gia. Vì vậy, Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng biểu thuế, phương pháp tính thuế một cách khoa học, để có thể đưa chính sách thuế TNCN trở thành một công cụ điều tiết vĩ mô trong phát triển kinh tế, định hướng cho hoạch định cấu trúc vốn nhằm gia tăng giá trị của các CTCP và phát triển thị trường chứng khoán còn non trẻ của Việt Nam.

Một phần của tài liệu Giải pháp về chính sách thuế thu nhập nhằm định hướng hoạch định cấu trúc vốn của các doanh nghiệp Việt Nam (Trang 34 - 37)