8.1 IMF xưa và nay:
IMF được thành lập trên cơ sở nhằm đảm bảo cho nền kinh tế các nước hoạt động ở mức toàn dụng, sửa chữa những thất bại của thị trường, những thất bại thông qua quá trình phối hợp hành động và cung cấp tính thanh khoản cho các nước đang gặp suy thoái mà không đủ khả năng để theo đuổi chính sách tiền tệ mở rộng. Nhưng ngày nay, IMF lại làm ngược lại. Họ cho rằng thị trường luôn làm việc hiệu quả và chính phủ nói chung làm việc tồi. Họ gây áp lực lên các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, thực hiện nhiều chính sách vĩ mô thu hẹp hơn cả mức mà các nước này mong muốn lựa chọn theo ý mình. Kết quả là, những chính sách không chỉ làm cho các vấn đề mà nó giải quyết tồi tệ thêm mà còn làm cho những vấn đề đó xuất hiện lặp đi lặp lại.
8.2 Vai trò mới cho một chế độ tỷ giá mới?
Như đã biết, IMF là tổ chức luôn ủng hộ thị trường tự do bởi nó tin rằng thị trường sẽ hoạt động tốt hơn khi không có sự can thiệp của chính phủ. Nhưng gần đây, IMF đã thực hiện những can thiệp mạnh mẽ, nó đã chi hàng tỉ USD để giữ tỉ giá ở Brazil và Nga tại mức không bền vững. IMF lý giải cho sự can thiệp đó là đôi khi thị trường thể hiện sự bi quan thái quá và nó có thể giúp ổn định thị trường. Tuy nhiên, thị trường có thể rơi vào tình trạng bi quan như IMF đã lý giải thì thị trường cũng có thể rơi vào tình trạng lạc quan thái quá. Điều này, không chỉ xuất hiện trên thị trường ngoại hối mà ngay cả trên thị trường tài chính. Chẳng hạn, sự lạc quan thái quá đã dẫn đến bong bóng bất động sản và thị trường chứng khoán của Thái Lan (do dòng tiền nóng liên tục chảy vào nước này). Nhưng sau sự lạc quan thái quá này là sự bi quan thái quá: dòng vốn đột ngột đảo chiều. Trên thực tế, sự thay
đổi hướng của dòng vốn đầu cơ là nguyên nhân gốc rễ của sự biến động tỷ giá. Nhưng tư tưởng thị trường tự do đã tạo điều kiện cho dòng tiền đầu cơ nóng chảy vào và chảy ra khỏi một nước dễ dàng hơn nên khi IMF chi hàng tỉ USD vào để ổn định tỉ giá ở mức quá cao. Điều này đã tạo điều kiện cho phần lớn nhà đầu cơ kiếm lợi được một khoản bằng với khoản lỗ của chính phủ.
8.3 Thâm hụt thương mại:
Khi thâm hụt thương mại lớn có thể là một vấn đề bởi nó ngụ ý rằng một nước phải vay nợ hết năm này đến năm khác. Và nếu như những người cho vay thay đổi ý kiến và dừng cho vay thì nước này thường sẽ gặp vấn đề lớn - một cuộc khủng hoảng.
8.4 Phá sản và rủi ro đạo đức:
Trong nền kinh tế thị trường, nếu một chủ nợ có nợ xấu, anh ta phải chịu toàn bộ tổn thất. Người vay nợ có thể sẽ bị phá sản và các nước đều có luật về thủ tục phá sản. Nhưng các chương trình của IMF thì thường đi ngược lại, họ cung cấp tiền cho các chính phủ để trợ giúp cho các chủ nợ. Các chủ nợ, do dự đoán được việc IMF sẽ trợ giúp, nên không có động lực mạnh mẽ để đảm bảo người vay có thể trả nợ. Đây chính là vấn đề "rủi ro đạo đức" phổ biến trong ngành bảo hiểm bởi lẽ bảo hiểm đã làm giảm động lực cần cẩn trọng. Nếu như bạn là một người cho vay bạn sẽ ít quan tâm đến việc lựa chọn người vay một khi biết rằng bạn sẽ được trợ giúp nếu như khoản vay đó không đòi được. Tương tự, các doanh nghiệp thận trọng có thể mua bảo hiểm để chống lại sự biến động tỷ giá nhưng việc IMF can thiệp để ngăn cản việc mất giá đồng tiền đã khuyến khích họ chấp nhận rủi ro do biến động tỷ giá và không phải lo lắng về nó.
8.5 Liệu IMF có phục vụ cho cộng đồng tài chính?
Sự thiếu nhất quán trong mục tiêu và hành động của IMF đã dẫn đến vô số vấn đề và người ta đã đặt câu hỏi, tại sao lại có sự thiếu nhất quán? Tại sao cứ tồn
tại mãi, hết lần này đến lần khác, cả sau khi vấn đề đó đã được chỉ ra? Liệu có một thế lực nào đó đứng sau IMF chi phối hành động của nó hay không? Chúng ta hãy thử tìm hiểu:
Như chúng ta đã đề cập trong phần 1.3.5, nhiều trong số nhân viên chủ chốt của IMF đến từ công đồng tài chính và nhiều trong số những nhân viên chủ chốt của IMF sau khi đã phục vụ tốt những lợi ích của công đồng này, lại rời IMF để nhận những công việc được trả lương cao trong cộng đồng tài chính. Chính vì thế, người ta đã lo lắng rằng, liệu các quan chức của IMF có bị cám dỗ để đối đãi với những ông chủ tương lai của họ đặc biệt tốt, với hi vọng bằng việc làm đó, tương lai của họ sẽ được nâng đỡ ngay cả khi không có một cam kết đền bù tương xứng rõ ràng.
IMF tin rằng tự do hoá thị trường tài chính sẽ dẫn đến tăng trưởng nhanh hơn cho các nước đang phát triển. IMF không bao giờ muốn làm hại người nghèo và tin rằng các chính sách mà nó cổ vũ sẽ đem lại cho lợi ích cho họ, IMF tin vào kinh tế học lọt sang xuống nia và lại không muốn xem quá kĩ bằng chứng có thể nói khác đi. IMF tin rằng kỉ luật của thị trường vốn sẽ giúp các nước nghèo tăng trưởng và do đó nó tin rằng giữ quan hệ tốt với các thị trường tài chính có tầm quan trọng hàng đầu. Khi xem xét chính sách của IMF theo cách này, việc IMF tập trung cho các chủ nợ nước ngoài thu nợ hơn là giúp các doanh nghiệp trong nước hoạt động là có thể hiểu được. IMF không phải là người thu tiền cho G7 nhưng rõ ràng nó đã làm việc hết mình để đảm bảo rằng những chủ nợ trong G7 thu được nợ. Điều này có thể được minh chứng trong cuộc khủng hoảng Đông Á, khi các nước này khủng hoảng lẽ ra IMF phải trợ giúp quá trình giải quyết nợ, phải thu xếp việc ngừng trả nợ cho phép các nước và các doanh nghiệp của họ có thời gian để trả nợ, để tái khởi động nền kinh tế trì trệ của họ. Nhưng ngược lại IMF đã không làm như thế.
Hơn nữa, khi khủng hoảng xảy ra ở nước Nga, hàng tỉ USD IMF cung cấp đã được dùng để bảo vệ tỷ giá ở một mức không bền vững đã tạo điều kiện thuận lợi
cho người giàu và người nước ngoài có thể dễ dàng rút tiền của họ ra khỏi đất nước chỉ trong một thời gian ngắn (thông qua việc mở rộng thị trường tài chính mà IMF đã thúc đẩy).
Bên cạnh đó, sau cuộc khủng hoảng Đông Á, những chính sách thắt chặt được áp đặt nhanh chóng lên các nước này đã nhanh chóng dẫn đến sự giảm sút nhập khẩu và sự tích tụ nhanh chóng dự trữ ngoại tệ. Từ góc nhìn của một tổ chức lo lắng về khả năng trả nợ cho chủ nợ, điều này có ý nghĩa: không có dự trữ ngoại tệ, các nước sẽ không thể trả tiền vay bằng USD mà họ và các doanh nghiệp của họ đã vay. Nhưng nếu họ quan tâm đến sự ổn định toàn cầu và sự phục hồi kinh tế của các nước và khu vực, họ phải có cách tiếp cận nới lỏng hơn về tích tụ dự trữ ngoại tệ và cùng lúc đó đưa ra những chính sách để ngăn đất nước khỏi những ảnh hưởng của sự thất thường của các nhà đầu cơ quốc tế. Thái Lan đã tiêu hết dự trữ ngoại tệ năm 1997 để chống lại các nhà đầu cơ. Một khi đã quyết định rằng Thái Lan phải nhanh chóng tích luỹ lại ngoại tệ, việc nước này rơi vào suy thoái trầm trọng là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu IMF có một chiến lược cảm thông hơn với những lo lắng của con nợ, ít tập trung vào lợi ích của các chủ nợ, đảm bảo cho nền kinh tế vận hành tốt và tạm hoãn tích luỹ ngoại tệ vài năm cho đến khi nền kinh tế quay lại quỹ đạo tăng trưởng thì các nước này đã có thể nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng. Không chỉ riêng cách tạm ngừng trả nợ có thể đem lại lợi ích cho các nước Đông Á mà còn có các cách khác cũng đem lại những kết quả tương tự như: kiểm soát vốn ngắn hạn và "thuế rút vốn" của Malaysia. Các cách này đều nhằm mục đích bảo vệ một nước khỏi sự tàn phá của các nhà đầu cơ hay các chủ nợ.
Với những minh chứng trên đây, chúng ta có thể thấy rõ những băn khoăn của nhiều người về IMF phục vụ lợi ích cho cộng đồng tài chính là hoàn toàn có thực.