4. Các giai đoạn của Chiến lược xuất khẩu dịch vụ quốc gia
4.3 Giai đoạn 2b: Chuẩn bị các tài liệu bổ trợ
Thông thường các nhà xuất khẩu dịch vụ không tin tưởng vào sự trợ giúp từ phía chính phủ do những hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia cơ bản chỉ hướng vào những nhà sản xuất hàng hoá. Việc này dẫn đến phần lớn các cơ quan chính phủ không nhận thức được về những loại dịch vụ được xuất khẩu rất có hiệu quả từ Việt Nam. Nếu các nhà xuất khẩu dịch vụ được đưa vào các chương trình do chính phủ định hướng thì cần quan tâm đến quảng bá hình ảnh và tạo nên những sự hỗ trợ cho ngành dịch vụ.
Khi các nhà cung cấp dịch vụ đến văn phòng của Cục Xúc tiến Thương mại, họ có thể sẽ thấy những tài liệu đặc biệt dành cho các nhà xuất khẩu dịch vụ, không đơn thuần chỉ dành cho xuất khẩu hàng hoá. Có rất nhiều ấn phẩm từ Trung tâm Thương mại quốc tế có thể được chuyển sang tiếng Việt phục vụ cho các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam, đặc biệt là các tài liệu:
Để xuất khẩu dịch vụ thành công: Một cuốn sách dành cho các công ty, hiệp hội và chính phủ.
Đổi mới để thành công trong xuất khẩu dịch vụ.
Thương mại dịch vụ: Một cuốn sách giải đáp cho các nhà xuất khẩu có quy mô vừa và nhỏ.
Các hoạt động hỗ trợ cho các văn phòng nước ngoài: Cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho thị trường toàn cầu.
Hướng dẫn kinh doanh dành cho Thoả thuận chung về Thương mại dịch vụ.
Các tài liệu về đàm phán thương mại dịch vụ hoặc những kế hoạch hoạt động giữa các thành viên thuộc các tổ chức khu vực mà Việt Nam là thành viên như ASEAN, APEC, ASEM hoặc WTO cũng rất cần thiết đối với các công ty của Việt Nam. Vietrade có thể phối hợp với các tổ chức liên quan, chuẩn bị các sách hướng dẫn về những vấn đề này ở Việt Nam để cung cấp cho các nhà xuất khẩu dịch vụ.
Các tổ chức xúc tiến thương mại của nhiều nước cũng có nhiều ấn phẩm mà Vietrade có thể cung cấp cho các công ty dịch vụ Việt Nam, đặc biệt là những sách hướng dẫn như "Cách thức hoạt động kinh doanh ở…". Tuy nhiên, cần lưu ý để hiểu rõ những ấn phẩm như "Cách thức xuất khẩu sang…" hoặc những báo cáo về khảo sát thị trường để bảo đảm những tài liệu này tập trung vào những vấn đề xuất khẩu dịch vụ.
4.4 Giai đoạn 2c: Khắc phục những hạn chế về quy định và chính sách
Trong khi giải quyết những vấn đề về năng lực thì một số vấn đề về chính sách dưới đây cũng cần được khắc phục để các nhà cung cấp dịch vụ của Việt Nam có thể phát huy khả năng cạnh tranh một cách tối ưu:
a) Chi phí và tiếp cận với cơ sở hạ tầng viễn thông
Thông tin liên lạc là cơ sở hạ tầng quan trọng nhất để xúc tiến và chuyển giao dịch vụ; do đó, chi phí, độ tin cậy và sự có sẵn dịch vụ này có tác động trực tiếp lên khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu dịch vụ Việt Nam. Rất may mắn là Việt Nam có một cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, tuy nhiên, cần có phương thức để đảm bảo rằng cơ sở hạ tầng viễn thông của Việt Nam đạt được tiêu chuẩn quốc tế về chi phí và cả độ tin cậy.
b) Hệ thống thể chế mạnh
Hệ thống thể chế yếu kém làm cho môi trường kinh doanh không thông thoáng và đặt các doanh nghiệp dịch vụ vào những tình thế không an toàn và đầy rủi ro. Do đó, cần tập trung nâng cao sự minh bạch, tính trách nhiệm, sự nhất quán và khả năng dự báo của hệ thống thể chế. Đặc biệt vẫn còn rất nhiều văn bản pháp luật về ngành dịch vụ còn chứa đựng nhiều rào cản đối với khu vực tư nhân qua những khâu như giấy phép kinh doanh hay những điều kiện và những quy định không
hợp lý. Những cản trở này cần phải được loại bỏ nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho khu vực tư nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận với thị trường dịch vụ.
c) Quy định chặt chẽ.
Để đảm bảo cho các dịch vụ đạt được tầm cỡ thế giới, điều quan trọng là phải có giấy phép và những chương trình kiểm định liên kết với những chuẩn mực và tiêu chí quốc tế. Báo cáo của dự án Thương mại dịch vụ đã đề xuất ra những lĩnh vực cần lưu tâm để hoạch định và triển khai các chính sách cần thiết. Điều cần lưu ý là, như đã khuyến nghị ở trên, các giấy phép, chứng chỉ này nên để các hiệp hội ngành dịch vụ cấp (hơn là để các cơ quan chính phủ cấp) cho doanh nghiệp.
d) Thuế suất và ưu đãi thuế cho các nhà cung cấp dịch vụ.
Hiện tại, thuế suất đối với dịch vụ nằm trong khoảng giữa 5-20% và không có cơ sở rõ ràng. Cần xem xét lại nhằm đảm bảo rằng mức thuế sẽ không cản trở khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu. Những ưu đãi thuế dành cho các nhà cung cấp dịch vụ cần được thúc đẩy theo phương hướng đảm bảo công bằng như đối với lĩnh vực chế tạo, nhằm khuyến khích những hoạt động đầu tư mới và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời cần đơn giản hoá việc tiếp cận các ưu đãi đó.
e) Cạnh tranh từ các công ty nhà nước và các dự án tài trợ.
Thành công về xuất khẩu dịch vụ cuối cùng cũng sẽ dựa vào những nhà cung cấp dịch vụ ở khu vực tư nhân. Hiện tại, các doanh nghiệp tư nhân phải đối mặt với sự cạnh tranh ở thị trường nội địa, một thị trường quy mô còn tương đối nhỏ, không chỉ từ phía các doanh nghiệp nhà nước mà còn từ các dự án được quốc tế tài trợ hiện đang hoạt động cung cấp dịch vụ (ví dụ như cơ sở hạ tầng, đào tạo, nghiên cứu thị trường). Để giúp cho các nhà xuất khẩu dịch vụ phát triển và tăng trưởng những dịch vụ chuyên ngành có khả năng cạnh tranh ở khu vực và quốc tế, sẽ rất hữu ích nếu chính phủ chuyển các hợp đồng sang cho các nhà cung cấp ở khu vực tư nhân thực hiện thay vì cạnh tranh với họ. Việc phân bổ các nguồn lực cho khu vực tư nhân cũng cần công bằng và bình đẳng hơn .
f) Tiếp cận với nguồn tài chính.
Một thách thức thường gặp của các doanh nghiệp dịch vụ muốn mở rộng thị trường xuất khẩu là họ khó có thể tìm kiếm nguồn vốn để phát triển. Vấn đề là ở chỗ ngân hàng sẽ chấp nhận thế chấp những gì. Cần giúp cho các tài khoản của doanh nghiệp được chấp nhận làm vật thế chấp và tạo các quỹ bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
g) Phát triển nguồn nhân lực
Chất lượng của nguồn nhân lực là chìa khoá dẫn đến thành công của bất cứ công ty dịch vụ nào. Việt Nam có một nguồn lao động lớn với tỉ lệ biết chữ rất cao (94%) nhưng trình độ về kỹ năng chuyên môn lại thấp (25%). Những chính sách phù hợp để phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo từ giáo dục cơ sở đến trung học, từ dạy nghề đến đào tạo tại các trường đạo học và cao đẳng là rất cần thiết để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường. Cần đặt ưu tiên cho hoạt động hợp tác quốc tế để triển khai các chương trình cho các nhà cung cấp và xuất khẩu dịch vụ, đồng thời nâng cao hoạt động giảng dạy tiếng Anh.
4.5 Giai đoạn 3a: Thúc đẩy năng lực xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam.
Do không thể kiểm tra được tất cả các dịch vụ trước khi quyết định mua, khách hàng tiềm năng nước ngoài cần phải có niềm tin rằng các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam có khả năng cung cấp được những dịch vụ tốt. Một trong những vai trò quan trọng nhất mà
Vietrade đảm nhận là xây dựng thương hiệu của Việt Nam như một nhà cung cấp dịch vụ xuất sắc. Bảng liệt kê các đầu mục trong Phụ lục C là những gợi ý về những sáng
kiến có hiệu quả. Tối thiểu thì những chiến lược dưới đây cũng thực sự cần thiết: a) Chiến dịch xây dựng nhận thức
Cần cung cấp thông tin về các nhà xuất khẩu đang hoạt động thành công thông qua những bài báo, những chương trình trên đài phát thanh và truyền hình thường kỳ về xuất khẩu dịch vụ. Nên lựa chọn những ví dụ tiêu biểu từ khu vực tư nhân trên khắp đất nước để cho mọi người thấy rằng các công ty dịch vụ thành công không chỉ bó hẹp ở những khu vực đô thị, và nên triển khai tất cả bốn Phương thức cung cấp. Những tài liệu này nên gửi tới các cán bộ thương mại ở nước ngoài để sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng ở những nước sở tại và quảng bá thêm về Việt Nam.
b) Giới thiệu vắn tắt trên mạng trực tuyến.
Khi khách hàng nước ngoài truy cập vào các trang web xúc tiến thương mại hay những trang web của quốc gia Việt Nam, họ cần ngay lập tức hiểu rõ về những điểm nổi bật của dịch vụ Việt Nam. "Những loại dịch vụ" trên trang web của Hội đồng Phát triển Thương mại Hổng Kông (www.hktdc.com) là một cách tiếp cận. Thái Lan đã có một đoạn băng video ngắn khá sinh động trên trang web xúc tiến thương mại của mình, mô tả những nét nổi bật về giáo dục, y tế và xuất khẩu nhà hàng và đoạn băng này được chiếu lại liên tục.
c) Danh bạ trực tuyến..
Phần quan trọng trong xây dựng thương hiệu Việt Nam là đảm bảo rằng những khả năng về dịch vụ Việt Nam được hiển thị trực tuyến. Dưới đây là một số ví dụ về những danh bạ mà Việt Nam nên tham gia:
Dịch vụ pháp lý: www.martindale.com
Có 20 vị trí cho các công ty luật ở Việt Nam. Giao nhận: www.freightnet.com
Có trên 210 công ty Việt Nam trong danh sách Và đây là những danh bạ các hiệp hội ngành dịch vụ nên hiển thị:
Hội luật gia: www.hlg.org
Chưa có danh sách lập cho Việt Nam. Hiệp hội công trình: www.fidic.org
Hiệp hội Công trình Việt Nam đã có trong danh sách nhưng vẫn chưa có một đường dẫn đến trang web.
Hiệp hội kiến trúc: www.penrose-press.com
Hiệp hội Kiến trúc Việt Nam đã có trong danh sách và có đường dẫn.
d) Chứng nhận quốc tế.
Khi Việt Nam có tiếng tốt trên thị trường quốc tế về dịch vụ của mình thì việc các chứng nhận chuyên môn của Việt Nam được kết nối và được hỗ trợ từ các chứng nhận của các nước phát triển sẽ mang lại rất nhiều ích lợi.
e) Thể hiện tại hội thảo
Đối với những dịch vụ trọng tâm, một mục tiêu cụ thể của Vietrade là cần có những diễn giả Việt Nam có khả năng diễn thuyết về những dịch vụ trọng điểm tại tất cả các chương trình hội thảo quốc tế lớn. Điều này có nghĩa là cần hiểu rõ về các cuộc hội thảo, làm việc với các hiệp hội để lựa chọn diễn giả, giúp cho các diễn giả này được chấp nhận, đăng ký tham gia cho họ và giải quyết những thủ tục về visa. Việt Nam cũng có thể lập kế hoạch đăng cai tổ chức các hội thảo về chủ đề dịch vụ trong khu vực – ví dụ như "Những ưu điểm trong Phát triển cơ sở hạ tầng khu vực" – để đưa các thương nhân nước ngoài đến Việt Nam, giúp các công ty của Việt Nam tạo dựng vị thế và quan hệ với các đối tác nước ngoài trên cương vị là người chủ trì hội thảo đó.
4.6 Giai đoạn 3b: Xúc tiến dịch vụ của Việt Nam.
Có năm chiến lược quảng cáo chung có thể sử dụng để xây dựng nhận thức, lòng tin và khả năng của các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam:
a) Xúc tiến dịch vụ thông qua các nhà đầu tư trong khu vực
Vào thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư nước ngoài đã có kinh nghiệm về các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam. Khi những vấn đề về quản lý chất lượng được giải quyết thì việc quan trọng cần thực hiện là đưa ra phương thức quảng cáo bán hàng nhằm vào cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài để mở rộng việc sử dụng dịch vụ từ các nhà cung cấp ngay trên đất nước mình, đồng thời xây dựng được quan hệ với nước ngoài. Thị trường xuất khẩu trọng điểm là những thị trường gốc của các nhà đầu tư nước ngoài. Những dịch vụ hàng đầu là những loại hình sẵn có những chứng chỉ và các nhà cung cấp dịch vụ có chứng nhận quốc tế.
b) Xúc tiến dịch vụ cho khách hàng nước ngoài.
Khi có sẵn tài liệu cho các phái đoàn của Việt Nam ở nước ngoài, chính họ có thể hoạt động như một nguồn giới thiệu để mở rộng các cơ hội xuất khẩu dịch vụ. Sáng kiến này sẽ bổ sung cho sự phát triển thêm các hiệp định hợp tác giữa các hiệp hội. Các thị trường xuất khẩu trọng điểm sẽ trở thành nguồn quảng bá tốt nhất. Những dịch vụ hàng đầu sẽ là những loại hình có hiệp hội hoạt động mạnh và luôn quan tâm đến việc xây dựng những thoả thuận hợp tác với nước ngoài. c) Xúc tiến quan hệ đối tác và ký hợp đồng phụ thầu với những công ty nước
ngoài nổi tiếng.
Đặc biệt là dịch vụ tư vấn, công trình và kiến trúc thì ký kết hợp đồng thầu phụ là một chiến lược tốt nhằm cải thiện những kỹ năng về chất lượng dịch vụ và xây dựng danh tiếng trên thị trường quốc tế. Những dự án liên quan đến Đường cao
tốc xuyên Á, Đường sắt xuyên Á, Hợp tác tiểu vùng Sông Mêkông, hoạt động tái thiết do sóng thần và sự phát triển dọc biên giới Việt Nam-Trung Quốc sẽ mang lại nhiều cơ hội tốt. Mục tiêu nên nhằm vào các công ty quốc tế đang làm việc hoặc có mối liên hệ với những thị trường xuất khẩu ưu tiên.
d) Thúc đẩy kỹ năng hỗ trợ kỹ thuật.
Chiến lược này sẽ trợ giúp các công ty tư vấn sắp xếp lại những hoạt động hỗ trợ kỹ thuật đã nhận được và xuất khẩu sang các nước đang phát triển hoặc đang trong thời kỳ chuyển đổi như Trung Quốc và Việt Nam. Việt Nam đang thực hiện hoạt động dịch vụ tư vấn viễn thông và đào tạo sang Campuchia và Lào . Các cơ hội thường có mối liên quan đến chuyên môn trong cải cách kinh tế, phát triển nông lâm ngư nghiệp, giảm nghèo và quyền lợi của phụ nữ. Những thị trường xuất khẩu trọng điểm nên là những nền kinh tế đang phát triển và trong thời kỳ chuyển đổi, có nhu cầu về hỗ trợ kỹ thuật cộng với những tổ chức tài trợ cấp kinh phí cho hoạt động hỗ trợ kỹ thuật này.
Dự án Thương mại dịch vụ tương tự đã đề xuất ra một danh mục sơ bộ về các thị trường mà dịch vụ Việt Nam hiện tại đang xuất khẩu sang (xem Bảng B2). Thị trường xuất khẩu ưu tiên được đặt thành mục tiêu trong Chiến lược xuất khẩu dịch vụ quốc gia sẽ phần nào phụ thuộc vào chiến lược được theo đuổi chung. Ví dụ như đối với những dịch vụ mà chiến lược theo "Phương thức 2" được thực hiện (nghĩa là trước tiên sẽ bán cho các công ty nước ngoài ở Việt Nam, sau đó thông qua họ giới thiệu ra nước ngoài), thị trường xuất khẩu chủ yếu sẽ trùng khớp với thị trường có nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhất. Đối với những dịch vụ có thể bán cho các nhà sản xuất hàng hoá, thị trường xuất khẩu chủ yếu sẽ là những thị trường mà Việt Nam có quan hệ thương mại hàng hoá. Đối với những dịch vụ được bán trực tiếp cho khách hàng nước ngoài ở nước ngoài, thị trường ưu tiên sẽ là những thị trường có nhiều người Việt Nam sinh sống (để phục vụ nhằm mục đích tạo nguồn quảng bá) hoặc thị trường có nhiều khách du lịch đến Việt Nam hoặc với những thị trường có quan hệ đặc biệt (thông qua biên bản ghi nhớ hoặc những thoả thuận hữu nghị). Điều quan trọng cần lưu ý là các dịch vụ thường xuất khẩu sang nhiều thị trường hơn là hàng hoá. Nhìn chung, những chiến lược xuất khẩu dịch vụ quốc gia sẽ đạt được hiệu quả