Mỗi màn hình máy tính sau khi sản xuất đều được test kiểm tra trước khi đóng hộp xuất xưởng, tuy có được hiệu chỉnh sơ bộ nhưng khi bắt đầu sử dụng thì người dùng nên thiết đặt lại cho phù hợp nhất đối với thiết kế và đối với những sở thích của mình.
Với các màn hình LCD, hầu hết việc điều chỉnh chỉ liên quan đến thiết lập chế độ hiển thị, màu sắc. Với các màn hình kiểu CRT cần phải điều chỉnh nhiều hơn. Do đặc điểm chuyển đổi giữa chế độ hình ảnh, chế độ chuyển đổi giữa các cuộn lái tia sẽ làm việc khác nhau, do đó để phù hợp với chế độ phân giải thường xuyên sử dụng của người dùng máy tính, cần phải thiết lập lại màn hình cho phù hợp (hình ảnh chiếm đầy màn hình, không tạo sự méo mó, biến dạng khi hiển thị).
Phần dưới đây chỉ nói đến việc điều chỉnh màn hình CRT và được tiến hành theo thứ tự. 1. Điều chỉnh tần số làm tươi cố định theo mong muốn. Bước này phải thực hiện đầu
tiên bởi vì chúng quyết định nhiều đến các bước dưới.
2. Đưa toàn bộ thiết lập của màn hình về mặc định: Do việc điều chỉnh sự dịch chỉnh khung hình có thể được thực hiện trên máy tính (bởi một số trình điều khiển của bo mạch đồ hoạ cho phép) nên có thể đã thực hiện một số sự điều chỉnh trên hệ thống, cần đưa về mặc định trước khi thực hiện việc điều chỉnh trên màn hình.
3. Tiến hành điều chỉnh trên màn hình thông qua các nút điều chỉnh: Chỉnh khung hình hiển thị nhỏ hơn so với các giới hạn mép biên của khung hình về mọi hướng (điều chỉnh nhỏ đi đồng đều). Căn chỉnh vị trí khung hình nhỏ về phía trung tâm khung hình. Căn chỉnh giãn đều về hai hướng trái phải và trên xuống sao cho khung hình chiếm đầy đủ màn hình (thực hiện 2 lần với hai chiều ngang và dọc). Điều chỉnh độ xoay nghiêng, độ méo không đồng đều theo chiều dọc và độ lệch (thành hình bình hành) sao cho khung hình ngay thẳng và hợp lý nhất.
Thiết lập độ phân giải hợp lý của màn hình LCD
Độ phân giải của màn hình LCD dù có thể đặt được theo người sử dụng, tuy nhiên để hiển thị rõ nét nhất phải đặt ở độ phân giải thiết kế của nhà sản xuất. Nguyên nhân là các điểm ảnh được thiết kế cố định (không tăng và không giảm được cả về số điểm ảnh và kích thước), do đó nếu thiết đặt độ phân giải thấp hơn độ phân giải thiết kế sẽ xảy ra tình trạng tương tự việc có 3 điểm ảnh vật lý (thực) dùng để hiển thị 2 điểm ảnh hiển thị (do người sử dụng thiết đặt), điều xảy ra lúc này là hai điểm ảnh vật lý ở sẽ hiển thị trọn vẹn, còn lại một điểm ảnh ở giữa sẽ hiển thị một nửa điểm ảnh hiển thị này và một nửa điểm ảnh hiển thị kia - dẫn đến chỉ có thể hiển thị màu trung bình, dẫn đến sự hiển thị không rõ nét.
Điều chỉnh màu sắc thực tế
Tuy không phải là người chuyên môn về đồ hoạ máy tính, nhưng trong một thời gian trước đây thì tôi đã đọc được một thông tin rằng sự hiển thị màu sắc trên các màn hình máy tính so với kết quả in ra ở một máy in màu nào đó là khác nhau. Quả thật là nếu như vậy thì thật
tệ cho những người thiết kế các sản phẩm có liên quan đến màu sắc. Để điều chỉnh các màu sắc này thì cần có thiết bị chuyên dụng khi đo trực tiếp trên màn hình và so sánh với kết quả in ra rồi hiệu chỉnh sao cho màn hình hoàn toàn giống với bản in.
Trong thực tế thì tôi nhận thấy màu sắc trên các màn hình LCD ở mức chất lượng/giá thành khác nhau là không có sự đồng đều. Ví dụ như tôi có một chiếc màn hình LCD ở máy để bàn thì chất lượng cao hơn hẳn so với chiếc màn hình tích hợp ở máy tính xách tay, có lẽ điều đơn giản rằng chiếc máy tính xách tay của tôi ở dòng phổ thông nên không được chú trọng vào chất lượng màn hình hiển thị.