5.1Pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh
Luật Cạnh tranh quy định cụ thể 9 hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ Điều 40 đến Điều 49 bao gồm: Chỉ dẫn gây nhầm lẫn; Xâm phạm bí mật kinh doanh; Ép buộc trong kinh doanh; Gièm pha doanh nghiệp khác; Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác; Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh; Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh; Phân biệt đối xử của hiệp hội; và Bán hàng đa cấp bất chính;
Trong số các hành vi này, một số hành vi thể hiện sự xâm hại trực tiếp đến đối thủ cạnh tranh như xâm phạm bí mật kinh doanh, gièm pha, quấy rối doanh nghiệp khác, một số hành vi có thể ảnh hưởng đến đối thủ cạnh tranh, đồng thời lại vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng như chỉ dẫn gây nhầm lẫn, quảng cáo và khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh.
Quy định về phân biệt đối xử của hiệp hội hướng đến một đối tượng đặc biệt là các hiệp hội thương nhân. Ở nhiều quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển, các hiệp hội mạnh có tầm ảnh hưởng lớn đến hoạt động thị trường và các quyết định của hiệp hội tác động đáng kể đến tương quan cạnh tranh, có thể tạo lợi thế
cho một hoặc một số thành viên so với những đối thủ hoạt động trong cùng lĩnh vực và cùng tham gia hiệp hội khác, qua đó làm sai lệch cạnh tranh. Tuy nhiên, trong điều kiện Việt Nam, khi tầng lớp thương nhân chưa đủ mạnh và các liên kết còn lỏng lẻo, vai trò của các hiệp hội thương mại, hiệp hội ngành hàng tỏ ra mờ nhạt, quy định về hiệp hội chủ yếu mang tính chất răn đe, phòng ngừa, không thể hiện được hiệu quả tức thời.
Ngược lại, bán hàng đa cấp bất chính được đưa vào Luật Cạnh tranh nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết phải điều chỉnh một vấn đề gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội, hơn là do xem xét bản chất cạnh tranh của hành vi này. Vị trí phù hợp của quy định về bán hàng đa cấp nên là tại Luật Thương mại được ban hành sau Luật Cạnh tranh nửa năm (được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2006), bởi đây là một hành vi thương mại đặc thù. Các quy định chống bán hàng đa cấp bất chính chủ yếu nhằm bảo vệ người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp khỏi một số dạng lừa đảo của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Quan hệ giữa hai chủ thể này hoàn toàn không phải quan hệ cạnh tranh hay tiêu dùng thông thường (người tham gia mua hàng của doanh nghiệp để bán lại) mà là một quan hệ hợp đồng vì mục tiêu lợi nhuận (hợp đồng thương mại), có các đặc điểm tương tự như hợp đồng hợp tác kinh doanh hay hợp đồng đại lý của Luật Thương mại. Mặc dù có thể tìm thấy quy định về bán hàng đa cấp trong một số đạo luật cạnh tranh (Đài Loan, Canađa), tuy nhiên đó là những trường hợp không tiêu biểu. Chẳng hạn như Luật Thương mại lành mạnh Đài Loan có bao gồm quy định về bán hàng đa cấp tại Điều 23, tuy nhiên sau đó đã ban hành một văn bản chi tiết điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp, mặc dù vẫn do Uỷ ban Thương mại lành mạnh Đài Loan chịu trách nhiệm quản lý.
Cuối cùng, khoản 10 Điều 39 Luật Cạnh tranh mang tính chất điều khoản “quét”, quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác theo tiêu chí xác định tại khoản 4 Điều 3 của Luật này do Chính phủ quy định. Như vậy, bên cạnh những hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được định danh, cơ quan cạnh tranh Việt Nam không có thẩm quyền xem xét và kết luận một hành vi thị trường bất kỳ có mang tính cạnh tranh không lành mạnh hay không. Có thể hình dung một trình
tự lập pháp theo đó khi phát hiện một dạng hành vi cạnh tranh có biểu hiện không lành mạnh xuất hiện trên thị trường, cơ quan cạnh tranh, cơ quan quản lý ngành hay chính các doanh nghiệp, hiệp hội trong ngành có thể đề xuất với Chính phủ ban hành văn bản điều chỉnh dưới dạng Nghị định. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất ý kiến giữa các bên liên quan và thời gian cho việc xây dựng một văn bản dưới luật cũng phải kéo dài trong khoảng trên dưới 01 năm. Do đó, việc thực hiện tiến trình này sẽ gặp phải nhiều hạn chế và trên thực tế hiện chưa có văn bản điều chỉnh cạnh tranh không lành mạnh nào theo ra đời dưới hình thức này.
Tuy nhiên, bên cạnh các quy định của pháp luật cạnh tranh, khái niệm cạnh tranh không lành mạnh đã xuất hiện trong hệ thống các văn bản về sở hữu trí tuệ. Trước khi Luật Cạnh tranh được ban hành năm 2004, Chính phủ đã có Nghị định số 50/2000/NĐ-CP ngày 03/10/2000 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh,chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp. Điều 24 của Nghị định quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp bao gồm:
1. Sử dụng các chỉ dẫn thương mại để làm sai lệch nhận thức và thông tin về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ, nhằm mục đích :
a) Lợi dụng uy tín, danh tiếng của người sản xuất kinh doanh khác trong sản xuất kinh doanh của mình;
b) Làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của người sản xuất kinh doanh khác trong sản xuất kinh doanh của mình;
c) Gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hoá, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hoá, dịch vụ... cho người tiêu dùng trong quá trình nhận biết, chọn lựa hàng hoá, dịch vụ hoặc hoạt động kinh doanh.
2. Chiếm đoạt, sử dụng thành quả đầu tư của người khác mà không được người đó cho phép.
Tiếp theo, Điều 25 của Nghị định cũng quy định về Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp, theo Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh thuộc lĩnh vực sở hữu công nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền : buộc người có hành vi cạnh tranh không lành mạnh phải chấm dứt hành vi đó, yêu cầu bồi thường thiệt hại; xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Các hội người tiêu dùng, hội nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân cũng có quyền đại diện cho các hội viên của mình thực hiện quyền yêu cầu như trên.
Có thể thấy Nghị định 54/2000/NĐ-CP đã tiếp cận được một số khía cạnh mang tính bản chất của hành vi cạnh tranh không lành mạnh, đó là sự chiếm đoạt thành quả kinh doanh của doanh nghiệp khác vì mục đích cạnh tranh, đồng thời xác định quyền chống cạnh tranh không lành mạnh thuộc phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các đối tượng nằm ngoài phạm vi bảo hộ theo văn bằng của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, đáng tiếc là văn bản này đã không được thực thi có hiệu quả do thiếu các quy định về chế tài đi kèm, và sau đó được thay thế bằng các quy định về cạnh tranh không lành mạnh tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Điều 130 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định các hành vi bị coi là cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ bao gồm:
- Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hoá, dịch vụ;
- Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hoá, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hoá, dịch vụ;
- Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu
người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng;
- Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.
Có thể thấy pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh của Việt Nam cũng có sự tồn tại của hai nhóm quy định về cạnh tranh không lành mạnh trong pháp luật cạnh tranh và pháp luật về sở hữu trí tuệ. Như đã phân tích tại Mục 4 của bài viết này, đây là vấn đề tương tự mà nhiều quốc gia đã gặp khi xây dựng thể chế pháp luật điều chỉnh nền kinh tế thị trường, kể cả các quốc gia đã thành công như Nhật Bản hay Hàn Quốc xuất phát từ việc áp dụng các mô hình pháp lý khác nhau mà chưa có một triết lý lập pháp đầy đủ làm nền tảng. Đối với một lĩnh vực có phạm vi rộng và phức tạp như cạnh tranh không lành mạnh, việc tìm kiến các giải pháp điều chỉnh mang tính bản chất có thể càng khó khăn hơn.
Các nhà làm luật Việt Nam đã cố gắng tạo sự liên kết giữa hai nhóm quy định trên, chẳng hạn như tại khoản 3 Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ (được ban hành sau Luật Cạnh tranh) có sự dẫn chiếu đến pháp luật cạnh tranh khi quy định
tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh. Tuy nhiên, những cố gắng này còn chưa đầy đủ và đồng bộ. Mặc dù có sự dẫn chiếu trên các văn bản luật, các quy định của văn bản dưới luật lại không khớp để có thể tổ chức thực thi. Nghị định số 120/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/9/2005 quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh hoàn toàn không có chế tài để xử lý hai hành vi sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ của đại diện hoặc đại lý và đăng ký tên miền nhằm mục đích cạnh tranh, do đó các quy định về hai hành vi này của
Luật Sở hữu trí tuệ một lần nữa lại có nguy cơ trở thành các quy định “treo” như trường hợp của Nghị định 54/2000/NĐ-CP trước đây.
5.2 Cơ chế thực thi
- Cục Qủan lý cạnh tranh
Theo quy định của Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn, Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương là cơ quan có chức năng tiến hành điều tra, xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Chức năng, nhiệm vụ của Cục Quản lý cạnh tranh được quy định tại Nghị định 06/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 09/01/2006.
Tổ chức, cá nhân trong trường hợp phát hiện thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị hành vi cạnh tranh không lành mạnh xâm phạm có thể nộp hồ sơ khiếu nại (bao gồm đơn khiếu nại theo mẫu và các chứng cứ) đến Cục Quản lý cạnh tranh. Căn cứ vào hồ sơ khiếu nại hợp lệ, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ tiến hành điều tra qua 2 giai đoạn là điều tra sơ bộ và điều tra chính thức và ra quyết định xử lý trong trường hợp kết luận vi phạm. Bên cạnh đó, trong trường hợp Cục Quản lý cạnh tranh tự phát hiện vi phạm dựa trên thông tin, tài liệu thu thập được hoặc do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp, Cục cũng có thể tự khởi xướng điều tra và xử lý vụ việc theo cùng trình tự, thủ tục như trên.
Hình thức xử lý vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại Nghị định số 120/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/9/2005 quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, bao gồm phạt tiền đến 100 triệu đồng và các hình thức xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả:
- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu toàn bộ khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm; và
- Buộc cải chính công khai.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 119 Luật Cạnh tranh và các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ, bên cạnh Cục Quản lý cạnh tranh, các cơ quan khác có thẩm quyền xử phạt vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ bao gồm: Cơ quan Thanh tra Khoa học và Công nghệ; Cơ quan Quản lý thị trường; Cơ quan Hải quan; Cơ quan Công an; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện. Ngoài ra, Luật SHTT cũng quy định việc giải quyết tranh chấp về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHTT theo biện pháp dân sự thông qua khởi kiện tại Toà án.
5.3 Thực tiễn thực thi
- Các vụ việc do Cục Quản lý cạnh tranh xử lý
Trong năm 2008, Cục QLCT đã tiến hành điều tra và xử lý 15 vụ việc liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Trong số các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh đã được Cục QLCT xử lý, có 09 vụ việc liên quan đến vi phạm về bán hàng đa cấp bất chính , 02 vụ việc liên quan đến hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, 01 vụ việc liên quan đến hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác, 01 vụ việc về gièm pha doanh nghiệp khác và 01 vụ việc liên quan đến hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn.
- Trong số các vụ việc nói trên, có 05/15 vụ việc được Cục xem xét xử lý căn cứ theo khiếu nại của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Khoản 1 Điều 86 Luật Cạnh tranh, 10 vụ việc được Cục QLCT tự khởi xưởng điều tra căn cứ theo thông tin thu nhận được/
- Có 12 vụ việc trong đó Cục ban hành quyết định điều tra và xử lý theo thủ tục tố tụng cạnh tranh. Trong 03 vụ việc còn lại, Ban chuyên môn của Cục đã tiến hành xem xét hồ sơ và tham vấn tiền tố tụng với bên khiếu nại, tuy nhiên các bên khiếu nại chưa cung cấp đủ thông tin, tài liệu theo yêu cầu quy định tại Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn, do đó không tiến hành điều tra vụ việc.
- Trong số 12 vụ việc Cục tiến hành điều tra theo thủ tục tố tụng cạnh tranh, 8 vụ việc đã có kết luận cuối cùng theo Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Cục trưởng Cục QLCT, với tổng số tiền phạt là 805 triệu đồng. Bên cạnh đó, 03 vụ
việc hiện đang được Cục tiến hành điều tra sơ bộ (bắt đầu từ tháng 12/2008) và 01 vụ việc được đình chỉ điều tra sau giai đoạn điều tra sơ bộ do không đủ căn cứ xác định vi phạm.
Bên cạnh các vụ việc được xử lý thông qua tố tụng cạnh tranh, Cục còn tiếp nhận, xem xét và cho ý kiến hướng dẫn, tư vấn về pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thông qua các thủ tục hành chính thông thường.
- Các vụ việc do các cơ quan khác xử lý
Trong năm 2008, theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh từ thông tin các