Đội ngũ tiến sĩ với tư tưởng trung quân

Một phần của tài liệu các kỳ thi Đình thế kỷ XVII - XVIII (Trang 25 - 27)

Chịu ảnh hưởng của Nho giáo Trung Quốc, Nho học Việt Nam nói chung và thời Lê - Trịnh nói riêng cũng giáo dục kẻ sĩ khuôn mình theo tinh thần tuyệt đối trung thành với vua và trong một bối cảnh đặc biệt như xã hội Đàng Ngoài thế kỷ XVII - XVIII thì các nhà Nho còn phải trung thành với một nhân vật nữa, đó là chúa Trịnh mà đối với chúa xem ra có phần trọng hơn. Điển hình là Lý Trần Quán - tiến sĩ năm 1766. Đỗ tiến sĩ rồi ra làm quan là để phò vua hành đạo nhưng rốt cuộc chẳng mấy ai chịu ở bên cạnh vua Lê, hầu hết đều chạy qua phủ Chúa, chịu sự sai khiến của chúa để hưởng nhiều quyền lợi, bổng lộc.

Ở thời bình sử cũ chỉ ghi chép có vài ba trường hợp quan lại xuất thân từ tiến sĩ dám dâng lời can gián sự lộng quyền của chúa Trịnh như Tự khanh Bùi Sĩ Tiêm, và Bồi tụng Bùi Huy Bích.

Đến thời loạn, các “quan - tiến sĩ” thực hiện chữ “trung” với vua Lê bằng nhiều cách khác nhau:

- Có người nguyện vào doanh trại “giặc” để đòi lại đất đai cho nhà Lê dù biết khó thoát khỏi cái chết như Trần Công Xán, Ngô Nho.

- Có người tỏ thái độ bất hợp tác với “giặc” (quân Tây Sơn) như Lại bộ hữu thị lang Phạm Đình Dư, Phó đô ngự sử Nguyễn Đình Giản, Tham tri chính sự Lê Duy Đản, Phạm Đình Dư, Đồng xu mật viện Nguyễn Duy Hợp, Phạm Trọng Huyến, Thiêm sai tri Công phiên Phạm Quý Thích, Đô cấp sự trung Nguyễn Đình Tư, Nguyễn Huy Trạc.

- Có người về quê hoặc đi các nơi chiêu mộ lực lượng giúp vua Lê Chiêu Thống đánh lại loạn quân Chỉnh và quân Tây Sơn như Nguyễn Khản, Phạm Nguyễn Du, Nguyễn Đình Giản.

- Lại có người theo chân vua Lê lưu lạc muôn phương, chiêu binh mãi mã, xin cầu viện để “phục quốc” như Trần Danh Án, Nguyễn Duy Hợp, Nguyễn Đình Giản, Trương Đăng Quỹ, Chu Doãn Lệ.

Ở đây có một nhân vật đáng chú ý là Trần Danh Án. Sự xơ cứng, cứng nhắc trong học thuyết trung quân của Nho giáo đã đẩy nhiều nhà Nho đến chỗ “ngu trung” mà Trần Danh Án là một tấm gương tiêu biểu. Ông theo ngự giá vua Lê qua Kinh Bắc lên Bắc Giang, rồi dời xa giá đi Chí Linh (Hải Dương), Thuỷ Đường (Hải Phòng), Vị Hoàng (Nam Định), sau lại quay về Kinh Bắc ở nhà viên Tham tri là Phạm Đình Dư. Cũng chính ông cùng với Lê Duy Đản nhận mệnh vua Lê sang nhà Thanh cầu viện, tự rước giặc vào giày xéo đất nước. Khi Chiêu Thống chạy sang nhà Thanh, Danh Án ở lại quê nhà cùng với Trần Quang Châu, Dương Đình Tuấn dấy binh chống lại triều Tây Sơn.

Những tấm gương trung hiếu trên đây là quá ít so với con số 727 tiến sĩ thời Lê - Trịnh và càng ít hơn so với hàng ngàn vị quan lại trong triều, trong phủ. Trước cảnh binh đao khói lửa loạn lạc, họ chỉ lo lánh nạn, trốn tránh để giữ mạng sống. Trước cảnh cương thường đảo lộn, Chúa đè nén vua, loạn kiêu binh, loạn Hữu Chỉnh… đa số quan lại chỉ biết im lặng, tuân phục sống yên phận hoặc phản kháng (nếu có) rất yếu ớt.

Lúc quân Tây Sơn tiến ra Bắc Hà với danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh”, những người có tước vị ở triều đình, bao hàm cả các “quan- tiến sĩ”∗ lại rơi vào trạng thái ngả nghiêng, dùng dằng, vội vàng lo ngại không biết nên tận trung với ai: Chết vì họ Trịnh là phản bội nhà Lê, trung với nhà Lê là bỏ họ Trịnh, vì thế phân vân hai ngả, không đường tiến lui. Thậm chí ngay cả khi chúa Trịnh đã thất thế, con cháu lưu lạc, mầm mống loạn chính nhân cơ hội này có thể tiêu diệt tận gốc song không ai nghĩ đến chuyện cầm quân đánh dẹp.

Ngày thường là vậy còn đến lúc có binh biến thì phận ai nấy lo, vua hay chúa cũng mặc. Tướng các thành chỉ chống cự cho có lệ rồi vã tìm đường thoát thân như viên quan Ninh Tốn (tiến sĩ năm 1778) làm hiệp trấn đóng ở Động Hải (thuộc Lệ Thuỷ, Thái Bình), Đương trung hầu Bùi Thế Toại trấn thủ Nghệ An,

Thuỳ trung hầu Tạ Danh Thuỳ trấn thủ Thanh Hoa đều bỏ thành mà chạy khi quân Tây Sơn thừa thắng tấn công ra Bắc. Nghe thư báo tin quân triều đình thua trận tới tấp đưa về Kinh, các quan văn võ trong triều ai nấy chỉ cuống lên lo thu xếp chỗ nương náu cho vợ con, lo cất của cải, không một ai đứng ra nhận đánh nhau với quân Sơn Tây.

Rồi Nguyễn Huệ rút quân vào Nam, ở Bắc Hà lại xảy ra loạn Hữu Chỉnh, các quan văn võ vẫn giữ thái độ thụ động, chỉ biết “chán nản”, “kiêng nói”, ngay cả nhà Nho “chính quy” Bùi Huy Bích khi được vua Lê vời vào cung để hỏi việc thiên hạ cũng sợ không dám nói, xin cho về quê nhà.

Dễ dàng thấy không ai khác mà chính các quan xuất thân từ tiến sĩ, chính những người tưởng chừng thấm nhuần tư tưởng trung quân nhất đã phản bội lại lý thuyết họ đã học. Không những không thực hành được, trái lại có người còn có những hành động phản chúa hại vua. Lý do là vì phần nhiều Nho sĩ Việt Nam đã bỏ chữ “trung” theo chữ “thời” (thời thế).

Một phần của tài liệu các kỳ thi Đình thế kỷ XVII - XVIII (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(40 trang)
w