0
Tải bản đầy đủ (.doc) (30 trang)

Giải pháp cho việc quản lý và sử dụng hiệu quả vốn ODA Nhật Bản

Một phần của tài liệu VAI TRÒ CỦA VỐN ODA NHẬT BẢN ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA VIỆT NAM (Trang 25 -29 )

Một là, hoàn thiện cơ sở pháp lý để tăng cường quản lý, giám sát vốn ODA:

Hiện tại, nguồn vốn ODA được quản lý và sử dụng theo quy định của Nghị định và một số văn bản dưới luật, luật có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách Nhà nước. Để tăng cường quản lý, giám sát vốn ODA, cần phải rà soát các quy định của các văn bản pháp quy hịên hành, trên cơ sở đó nghiên cứu và trình Quốc hội ban hành Luật về Tài chính công, hoặc Luật Quản lý nợ, trong đó có quy định về quản lý và sử dụng vốn ODA.

Hai là, khắc phục tình trạng nhận thức chưa đúng về vốn ODA: Mặc dù, nguồn vốn ODA đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, ODA cần phải được nhắc đến như là một nguồn vốn vay chứ không hoàn toàn là nguồn viện trợ cho không, nguồn vốn này cũng tạo ra một gánh nặng phải trả đối với nền kinh tế nên chúng ta cần phải đánh giá ODA không chỉ đơn thuần về mặt quy mô mà cẩn trọng với hiệu quả đóng góp đối với tăng trưởng và khả năng chịu đựng của nền kinh tế.

Ba là, khẩn trương bổ sung, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng vốn ODA: Về giải ngân vốn ODA, cần hướng dẫn quy trình, thủ tục và quản lý việc rút vốn trên tinh thần cải tiến thủ tục quản lý, cấp phát vốn theo quy định của Luật NSNN.

Về chính sách thuế đối với các dự án ODA, cần tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và nộp thuế; đồng thời, tạo ra một mặt bằng về thuế đối với tất cả các dự án đầu tư từ các nguồn vốn khác nhau.

Về vốn đối ứng (là giá trị các nguồn lực, tiền mặt huy động trong nước để chuẩn bị và thực hiện các chương trình, dụ án ODA theo yêu cầu), đảm bảo đủ vốn đối ứng cho các chương trình/dự án ODA cũng như nâng cao tính chủ động cho các đơn vị trong việc xây dựng kế hoạch vốn đối ứng cho các dự án.

Về cơ chế bảo lãnh của Chính phủ, cần sớm sửa đổi Quy chế bảo lãnh của Chính phủ đối với các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng. Ban hành quy chế lập, sử dụng và quản lý Quỹ tích luỹ trả nợ nước ngoài để quản lý các khoản vốn thu hồi từ các dự án

Bốn là, hoàn thiện tất cả các khâu từ quy hoạch, xây dựng chiến lược đầu tư, thu hút vốn, tiếp nhận vốn, tổ chức thực hiện dự án, nghiệm thu, bàn giao: Trong khâu thu hút vốn ODA phải tăng cường đàm phán để đạt yêu cầu về lãi suất, thời hạn vay, về các điều kiện giải ngân, thực hiện dự án, về định mức chi tiêu, phí tư vấn, chính sách đối với chuyên gia trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.

Năm là, hài hoà thủ tục với đối tác Nhật Bản: “Hài hoà thủ tục” là thuật ngữ được đặt ra cho quá trình điều chỉnh các thủ tục viện trợ lẫn thủ tục nhận viện trợ với mục tiêu tìm kiếm sự ủng hộ và cam kết từ những người đứng đầu các tổ chức viện trợ cũng như từ lãnh đạo các quốc gia tiếp nhận viện trợ. Trong trường hợp không thể hài hoà hoá được, cần xác định những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục thủ tục hành chính phiền hà, phức tạp ảnh hưởng xấu đến tiến độ thực hiện dự án.

Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các dự án: Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan thanh tra, kiểm tra tài chính cần tăng cường hoạt động chuyên môn để thẩm định, đánh giá, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; kiên quyết xử lý các khoản chi sai mục đích, không đúng khối lượng, đơn giá, tiêu chuẩn định mức, dự toán.

Một số giải pháp khác: Tăng cường đàm phán để huy động ODA không hoàn lại và ODA kỹ thuật vì tỷ lệ này nhìn chung còn rất nhỏ trong cơ cấu ODA Nhật cấp cho Việt Nam; Có biện pháp thích hợp để có kế hoạch trả nợ, đặc biệt là phải quan tâm đến vấn đề trả nợ bằng đồng Yên.

Chuẩn bị cho thời kì hậu ODA

Sau năm 2010, Việt Nam không còn là nước được ưu đãi ODA nữa. Do vậy, chúng ta cần chuẩn bị để xoay sở được với vấn đề này:

Đánh giá đúng mức độ tăng trưởng GDP

Việc xác định đúng mức độ tăng trưởng GDP trong những năm sắp tới là hết sức cần thiết. Không thể vì thành tích mà tự nhận mình là quốc gia có thu nhập đầu người đạt ngưỡng 1.000 đô la. Thậm chí cũng nên chấp nhận thực tế nếu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010 có nhiều chỉ tiêu không đạt, trong đó có chỉ tiêu về GDP. Như vậy, không những chúng ta tự đánh giá đúng về bản thân mà còn có thể kéo dài thời hạn ưu đãi ODA từ các nhà tài trợ.

Đẩy mạnh công tác quản lý ODA

Tính từ thời điểm này, còn chưa đầy một năm nữa để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010. Trong thời gian còn lại, cần có những bước đột phá trong việc thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích… Những sai lầm trước đây về quản lý và phân cấp sử dụng vốn ODA cần được rút kinh nghiệm nghiêm túc để tránh không lặp lại vết xe đổ.

Hiện nay nhu cầu vốn đầu tư phát triển là rất lớn nhưng lại khó đạt được. Vì vậy, song song với sự chuẩn bị cho thời kỳ “hậu ODA”, đã đến lúc cần có một cái nhìn toàn diện và tỉnh táo hơn về vai trò của nguồn vốn vay nợ nước ngoài này để từ đó hoạch định các chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp. Và trên hết, cần nhận thức rằng phải giảm dần sự lệ thuộc vào ODA, đồng thời phát huy nguồn vốn trong nước, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.

KẾT LUẬN

Với đề tài “Vai trò của vốn ODA Nhật Bản đối với sự phát triển kinh tế

của Việt Nam”, bài tiểu luận đã nêu lên được những ý chính sau:

Nêu khái quát chung về khái niệm, nguồn gốc, phân loại và vai trò của nguồn vốn ODA đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đây là một nguồn vốn lớn, tạo tiền đề cho sự phát triển thông qua hình thức bổ sung, hỗ trợ các dự án, trong đó nhiều dự án mang tầm quốc tế.

Thứ hai, bài tiểu luận phân tích tác động của ODA đối với Việt Nam thông qua các bước dẫn chứng, phân tích, so sánh có kèm theo những số liệu cụ thể trong các vấn đề: GDP và các yếu tố kinh tế vĩ mô, cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực và khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, bài tiểu luận có nêu lên được sự so sánh giữa hai giai đoạn trước và sau khi Nhật Bản cắt viện trợ ODA để thấy được sự biến đổi và tác động rõ rệt của nguồn vốn này.

Cuối cùng, từ thực tiễn cũng như các đánh giá của báo chí và dư luận của Việt Nam và nước ngoài, nhất là người dân Nhật Bản, bài tiểu luận nêu ra các đánh giá về việc quản lý sử dụng ODA Nhật và các bài học kinh nghiệm cũng như giải pháp cụ thể để phát huy tác dụng của nguồn vốn quý báu này tại Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu với nhiều thách thức và cả cơ hội. Trong hoàn cảnh đó, nguồn vốn ODA Nhật Bản lại càng trở nên quan trọng, có vai trò to lớn, như một bàn đạp giúp chúng ta tăng tốc nhanh hơn. Vấn đề là chúng ta có kịp thời có những nhận định đánh giá kịp thời để sử dụng nguồn vốn này tốt hơn trong tương lai hay không.

Một phần của tài liệu VAI TRÒ CỦA VỐN ODA NHẬT BẢN ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA VIỆT NAM (Trang 25 -29 )

×