thắng)
Tháng 4 năm 937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn giết hại để đoạt chức Tiết độ sứ. Hành động đó đã gây nên sự phẫn nộ mạnh mẽ trong mọi trầng lớp nhân dân ta. Ngô Quyền đang trấn giữ châu Ái (Thanh Hoá) kéo quân ra Bắc trị tội tên phản bội. Ngô Quyền là người cùng quê với Phùng Hưng, Ông là người có trí dũng, có nhiều công lao,
được Dương Đình Nghệ tin yêu và gả con gái cho. Trước tình thế đó, Kiều Công Tiễn đã cầu cứu Nam Hán. Năm 938, quân Nam Hán theo đường thuỷ tiến vào nước ta. Đất nước lâm vào hoàn cảnh có thể bị đô hộ lần nữa. Nhưng Ngô Quyền đã nhanh chóng dẹp phản loạn và tổ chức dón đánh địch ngay từ khi chúng mới vào nước ta.
Ngô Quyền khéo léo động viên quân sĩ và tổ chức một trận địa mai phục tại cửa sông Bạch Đằng - nơi có vị trí hiểm yếu.
Mùa đông năm 938, quân Nam Hán kéo vào nước ta. Ngô Quyền cho quân ra đánh, giả thua để dụ địch vào trong trận địa. Khi quân giặc đã vào đến trận địa và nước triều bắt đầu rút, thì quân ta tổng tiến công trở lại đội hình giặc. Quân giặc thu to, phải bỏ chạy, quân số thiệt hại quá nửa. Hoằng Tháo bỏ mạng nơi đây, nước ta được bảo toàn.
Chiến thắng Bạch Đằng rạng danh sử sách, non sông, chấm dứt hẳn thời kì đất nước ta bị phong kiến Trung Quốc đô hộ và mở ra một thời kì mới: thời kì độc lập lâu dài của Tổ Quốc. Ngô Quyền - con người lịch sử của thời đại, là sự kết tinh cao độ bản lĩnh, tinh thần, ý chí và sức mạnh của dân tộc. Chiến thắng Bạch Đằng là bản án đanh thép của bản lĩnh người Việt đối với phong kiến phương Bắc. Chiến thắng Bạch Đằng là sự tiếp nối truyền thống đấu tranh của dân tộc, khẳng định bản lĩnh của người Việt “Tự lực, tự cường” dám đánh, quyết thắng, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh, là đỉnh điểm của lòng căm thù bao đời, bao thế hệ của dân tộc chịu áp bức đã ngàn năm. Vì thế chiến thắng Bạch Đằng cùng với Ngô Quyền đã đi vào sử sách, đã mở ra thời kì độc lập chủ quyền của người Việt mất nước đã hơn 1000 năm, nay đã đòi lại được.
KẾT LUẬN
“Bản lĩnh” - Từ điển Tiếng Việt giải nghĩa: “Đức tính tự quyết định một cách độc lập thái độ, hành động của mình, không lệ thuộc vào
bên ngoài mà thay đổi quan điểm”. Vậy thì “Bản lĩnh của người Việt” là
một đặc tính của con người Việt Nam, làm nên con người Việt và nó cũng quy định tính cách của con người Việt Nam.
Ở đây, đặt trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể là thời kỳ Bắc thuộc thời kì 1000 năm bị đô hộ và đồng hoá bởi chính quyền phong kiến phương Bắc, bản lĩnh của người Việt có điều kiện tôi rèn và thử thách, ngày càng rắn chắc hơn, để rồi khi ra lò, nó là chất thép tạo nên những truyền thống vẻ vang của người Việt và của cả dân tộc: sáng tạo, bên bỉ, kiên cường, bất khuất, anh dũng và chan hoà.
Bản lĩnh của người Việt được hình thành trên cơ sở có sẵn của ý thức dân tộc trên chủ quyền xác định của dân tộc mình, nó được nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy trong xóm làng của người Việt. Và cũng chính sự trường tồn của các làng xã, xóm làng qua bao thời kì của sự đô hộ, đồng hoá mà bản lĩnh của người Việt có sức sống lâu bền, được duy trì và phát triển như thế.
Quá trình đô hộ và đồng hoá của phong kiến phương Bắc đã thất bại. Chúng không thể nào với tay đến được xóm làng cũng như nắm bắt, kiểm xoát được bản lĩnh của người Việt. Người Việt có một nền văn hoá riêng và bảo toàn được nó qua chiều dài lịch sử đồng hoá; đồng thời bản lĩnh đó nuôi dưỡng ngọn lửa đấu tranh giành độc lập bùng cháy ở mọi thời kì, mọi nơi mà chính quyền đô hộ đặt ách cai trị và nô lệ.
Tuy nhiên, người Việt vẫn mở rộng học tập những tinh hoa của văn hoá Hán để làm phong phú hơn bản sắc văn hoá của chính mình, tạo nên sự phát triển nội tại vốn có ngày càng mạnh mẽ hơn, quá trình Việt hoá mạnh hơn Hán hoá.
Giả sử nếu người Việt không hề có sự tự ý thức dân tộc, không có sự bản lĩnh của mình thì có lẽ mọi chuyện sẽ khác và lịch sử cũng sẽ
khác. Chúng ta sẽ trở thành một quận, huyện của nhà Hán và nói tiếng Hán, có một nền văn hoá là văn hoá Hán. Như vậy thì con người, văn hoá, đất nước Việt Nam đâu còn tồn tại nữa. Chúng ta đã, đang và mãi tồn tại bởi bên trong chúng ta đang chuyển lưu dòng máu của lòng tự hào về lịch sử của dân tộc. Chiến thắng Bạch Đằng khép lại một kỉ nguyên đầy rẫy đau thương, nhưng vô cùng vẻ vang của dân tộc. Chúng ta đã bước qua giai đoạn khó khăn, sự trường tồn đã định hình hướng đi và tạo đà cho sự phát triển của người Việt sau này.
Chúng ta - người Việt - bước vào thời kì Bắc thuộc đâu phải với hai bàn tay trắng. Nếu không có thời kì Bắc thuộc thì bản lĩnh của ngươi Việt vẫn được thể hiện mặc dù không rõ như khi có Bắc thuộc. Những yếu tố nội sinh vô cùng mạnh mẽ đã giúp nó có thể tự đứng vững đi tiếp đến ngày nay, nhưng môi trường Bắc thuộc là một môi trường đặc biệt đối với bản lĩnh của người Việt, môi trường đó như lò thử ý chí, thử thách người Việt, để chúng ta ngày càng chứng tỏ đươc mình hơn. Đến khi thoát ra khỏi thời kỳ này, người Việt đã được tôi rèn, vẫn vững vàng bản lĩnh để đi tới thời kỳ mới với một nền văn hoá mới, hoà quyện đến độ nhuần nhuyễn giữa những cái vốn có từ thuở nguyên sơ nhưng đã tiếp thu nhiều cái mới.