Để tạo xúc tác trên chất mang, có nhiều phương pháp như tẩm pha hoạt động lên chất mang, kết tủa, trộn cơ học các thành phần hoạt động, Sol- Gel, … Quy trình chung là tạo từ nguyên liệu ban đầu, qua các quá trình tạo liên kết các thành phần của xúc tác tùy từng phương pháp, sẽ tạo hệ xúc tác ở dạng dung dịch hay huyền phù, gel. Tiếp đó, ta sẽ đem hệ đi làm khô, sấy và nung. Xúc tác sau khi nung được đem đi ép, tạo hạt, và được khử để đưa về dạng hoạt động của nó. ba giai đoạn ảnh hưởng lên hiểu quả của phản ứng
nhờ xúc tác là phương pháp điều chế, điều kiện nung và điều kiện khử. Trong đó, phương pháp điều chế là quan trọng nhất. Có hai phương pháp được sử dụng rộng rãi là tẩm và kết tủa.
• Phương pháp tẩm:
Khối tiếp xúc thu được trên cơ sở cho các cấu tử hoạt động dính lên chất mang có nhiều lỗ xốp bằng việc ngâm hay phun dung dịch muối của thành phần hoạt động với anion dễ phân hủy nhiệt như nitrat, cacbonat… lên chất mang rắn. Sau thời gian bay hơi, xúc tác được đem đi sấy, nung để thu được xúc tác cuối cùng với thành phần oxít bám lên chất mang. Phương pháp này là đơn giản nhất, nhưng xúc tác thu được sẽ có hoạt tính không cao do ta không kiểm soát được các cấu tử hoạt động có thể bám lên chất mang hoàn toàn hay không và sự phân bố các thành phần đó. Ở điều kiện thường, áp suất mao quản trong chất mang rất lớn, thành phần hoạt động chỉ có thể được tẩm ở bề mặt bên ngoài chất mang mà thôi. Để khắc phục điều này, người ta tẩm kết hợp với hút chân không chất mang; tuy nhiên, nó đòi hỏi kỹ thuật cao và tốn kém.
• Phương pháp kết tủa:
Là phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất, vì nó cho phép thực hiện được trong giới hạn rộng biến đổi cấu trúc xốp và bề mặt trong của chất xúc tác và chất mang. Có nhiều phương pháp dựa trên kỹ thuật tủa. Nếu việc tủa chỉ xảy ra trên hai chất, thì ta có phương pháp tủa thông thường. Phương pháp đồng kết tủa được thực hiện dưới sự kết tủa đồng thời của hai hay nhiều muối. Ngoài ra, ta có thể kết hợp việc tủa pha hoạt động và lắng đọng pha tủa lên chất mang rắn, được gọi là phương pháp đồng kết tủa lắng đọng. Dạng kết tủa thu được phải ở dạng các muối dễ phân hủy nhiệt như Cacbonat… Trong phương pháp này, giai đoạn quan trọng nhất là kết tủa với hai giai đoạn quan trọng là tạo mầm tủa và phát triển tinh thể tủa. Tủa sau khi tạo ra, cần phải được già hóa để tinh thể tủa trở nên bền vững hơn, tạo dạng tinh thể đều. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình kết tủa, từ đó ảnh hưởng tới tính chất xúc tác
sau này là nhiệt độ tủa, pH, thành phần ban đầu của dung dịch, nồng độ của dung dịch, cường độ khuấy trộn, thứ tự đổ dung dịch vào nhau…