3. NHỮNG BIỆN PHÁP HOÀN THIỆN VAI TRÒ CHỨNG MINH CỦA ĐƯƠNG SỰ TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ VIỆT NAM HIỆN NAY
3.2.4 Giải quyết vấn đề tài chính
Trong hoạt động chứng minh, việc thu thập chứng cứ là một khâu quan trọng nhất để tạo ra những cơ sở vững chắc cho quan điểm của các bên. Có nhiều cách thức khác nhau để tiến hành việc thu thập chứng cứ, nhưng trên thực tế không phải lúc nào đương sự cũng có thể tự mình lấy được các chứng cứ. Chứng cứ nằm ở nhiều nguồn khác nhau, có thể từ lời khai của người làm chứng, có thể trong các kết luận mang tính khoa học như giám định… việc thu thập các chứng cứ này không chỉ đơn thuần là tốn công sức của đương sự mà còn tốn kém cả tiền bạc. Luật tố tụng dân sự đã quy định rất rõ ràng về các chi phí tố tụng trong đó có cả các chi phí cho hoạt động thu thập chứng cứ như chi phí giám định, chi phí định giá, chi phí cho người làm chứng… (mục 2
chương IX – BLTTDS 2004) theo đó bên nào có yêu cầu tiến hành phải nộp tiền tạm ứng chi phí sau đó khi có bản án mới xác định cụ thể đối tượng phải nộp. Tuy nhiên, khoản tiền nộp tạm ứng chi phí tố tụng như trên cũng không phải vấn đề nhỏ bởi thu nhập tại nhiều địa phương còn thấp mà các khoản chi phí tố tụng này thì không phải nhỏ, đôi khi ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các bên đương sự, hạn chế khả năng thu thập chứng cứ. Ví dụ như trường hợp người mẹ đi kiện xác định cha cho con. Mẹ đứa trẻ có nghĩa vụ chứng minh người đàn ông bị kiện là cha đứa trẻ. Việc xác định này là rất khó khăn khi thiếu bằng chứng và biện pháp cuối cùng được tìm đến là biện pháp giám định. Người yêu cầu giám định ở đây là mẹ của đứa trẻ nên sẽ phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định. Tuy nhiên, chi phí giám định thường khá lớn (giao động trong khoảng 20 triệu đồng), nhiều trường hợp sẽ không có đủ tiền để nộp tạm ứng nên sẽ rất dễ ảnh hưởng đến tính chính xác của bản án cũng như quyền lợi của cả người mẹ và đứa trẻ.
Không thể quy định miễn cũng như quy định dễ dãi đối với các chi phí tố tụng này bởi như vậy sẽ dẫn đến tình trạng yêu cầu một cách tràn lan, không cần thiết ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước trong điều kiện các tranh chấp dân sự đang ngày càng nhiếu. Nhưng cũng cần thiết phải quan tâm để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng khó khăn nên quy định trong từng trường hợp cụ thể tòa án sẽ cho phép tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ cần chi phí có sự hỗ trợ từ phía ngân sách nhà nước. Những trường hợp này phải đảm bảo được hai điều kiện. Thứ nhất, đối tượng nộp tam ứng phải là những người thực sự khó khăn về kinh tế như gia đình nghèo, đối tượng chính sách… họ không thể có đủ tiền để nộp. Điều kiện thứ hai là trong vụ án đó không còn cách nào khác để nhận định chính xác đối với đối tượng tranh chấp (như ví dụ trên nếu như đã có đủ căn cứ để suy luận người đàn ông là cha của đứa trẻ thì sẽ không cần phải tiến hành trưng cầu giám định). Trên đây là một số khó khăn, vướng mắc và giải pháp đưa ra để hoàn thiện pháp luật liên quan đến việc nâng cao hiệu quả và tính chủ động, tích cực của đương sự trong hoạt động chứng minh thể hiện qua các giai đoạn của quá trình thu thập, cung cấp, nghiên cứu, đánh giá chứng cứ. Các biện pháp này khi đi vào thực tế sẽ có hiệu quả tích cực nên cần thiết phải được áp dụng sớm.
Lời kết
Pháp luật tố tụng dân sự là một biện pháp bảo đảm thực tế cho các quyền và lợi ích về dân sự của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Xuất phát từ bản chất đặc biệt của quá trình tố tụng là sự độc lập, tự quyết của các đương sự trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thông qua hoạt động chứng minh – quá trình đi tìm sự thật khách quan của vụ án. Nên vai trò của đương sự trong đó là quan trọng nhất và có tính chất quyết định đến hoạt động chứng minh của các chủ thể khác. Trong hoàn cảnh hiện nay, vai trò này ngày càng quan trọng hơn khi quá trình giao lưu quốc tế trên mọi lĩnh vực đang diễn ra hết sức sôi động đòi hỏi sự tương thích về văn hóa pháp lý cũng như thông lệ quốc tế. Chính vì vậy, việc nhận thức một cách đầy đủ về vai trò chứng minh quan trọng nhất của đương sự trong tố tụng dân sự của Việt Nam giai đoạn hiện nay và tạo ra những cơ chế, biện pháp thiết thực, hữu hiệu để họ có thể phát huy được hết khả năng tích cực của mình là vô cùng cần thiết. Đề tài trên đây tác giả đã đi vào nghiên cứu và đánh giá một cách toàn diện để chứng tỏ vai trò chứng minh của đương sự là quan trọng nhất trong quá trình đi tìm sự thật khách quan của vụ án dân sự đặt trong hoàn cảnh hiện tại, chỉ rõ những bất cập, tồn tại và đưa ra những biện pháp hữu hiệu để khắc phục, hoàn thiện với mục đích giúp đương sự phát huy mạnh mẽ khả năng của mình và phần nào giảm gánh nặng cho ngành tòa án. Tuy nhiên, Mặc dù có nhiều cố gắng trong việc học hỏi, tìm hiểu nhưng trong phạm vi còn hạn hẹp về khả năng nghiên cứu của một sinh viên, đề tài không thể tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế nên rất mong mỏi có được sự đóng góp thẳng thắn từ phía những người quan tâm đến vấn đề quan trọng này!
CHÚ THÍCH:
[1] Xem: Giáo trình Luật tố tụng dân sự – Trường đại học Luật Hà Nội, tr 107, 108. Pháp luật tố tụng dân sự và thực tiễn xét xử. NXB Chính trị quốc gia – Tưởng Duy Lượng chủ biên, tr 10, 11
[2] Từ điển luật học – NXB Tư Pháp, tr. 785
[4] Theo Pothier thì “Tố tụng là hình thức phải theo để đệ đơn kiện, kháng biện, can thiệp, cứu xét, phán xử
thượng khống và thi hành án văn” hay như G.S. Solus thì “Dân Sự Tố Tụng bao gồm những định lệ chi phối việc tổ chức và điều hành công lý, đặt ra để đảm bảo cho tư nhân các sự chế tài và tôn trọng quyền lợi trong tư luật” – xem Nguyễn Huy Đẩu – Luật dân sự tố tụng Việt Nam (1962), NXB Khai Trí xuất bản dưới sự bảo trợ
của Bộ Tư Pháp. tr5 – 6
[5] Đại biểu Lê Văn Tâm, Lê Xuân Thân, Lê Thị Nga, Nguyễn Đình Lộc… trong buổi làm việc tại hội trường của Quốc Hội khóa XI ngày 19/ 11/ 2003
[6] Xem các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của tòa án nhân dân tối cao các năm 2004, 2005, 2006 phần các quyết định về Dân Sự, Kinh doanh, Thương mại, Lao động – Đặc san của Tòa án Nhân Dân Tối Cao. [7] Đại từ điển tiếng Việt – NXB Văn Hoá Thông Tin, Nguyễn Như ý chủ biên
[8] Nguyễn Hữu Đắc – Từ điển Luật Học – NXB từ điển Bách Khoa, Hà Nội 1999 [9] Bryan A.Garner (2001) Blacks law dictonari. ST Pual MNN
[10] Giáo trình Luật tố tụng dân sự – trường đại học Luật Hà Nội, NXB Tư Pháp tr 104
[11] Xem: Nguyễn Mạnh Bách (1996) Luật tố tụng dân sự Việt Nam (lược giải), NXB Đồng Nai, tr 76, 77 [12] Từ điển tiếng Việt – NXB Đà Nẵng năm 2003. tr 192
[13] Đại từ điển tiếng Việt — NXB Văn Hóa Thông Tin (1998) Nguyễn Như ý chủ biên, tr 1217 [14] Ph. Anghen, chống Đuyrinh – NXB Sự Thật (1984), tr 56
[15] xem: Chương II Thỉnh cầu và kháng biện, Luật tố tụng dân sự Việt Nam (lược giải) – Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Mạnh Bách – NXB Đồng Nai 1996, tr 16 – 20.
[16] Trần Văn Liêm (1970) Dân Luật quyển 1, Dân luật nhập môn thế nhân. tr 191 [17] Nguyễn Huy Đẩu – Luật dân sự tố tụng Việt Nam ( 1962 ) NXB Khai Trí, tr. 22
[18] Giảng văn pháp chế sử (1961-1962) – giáo sư Vũ Quốc Thông, quyển 3 – Tổ chức tư pháp Việt Nam dưới thời Pháp thuộc
[19] Xem phụ lục một số bức ảnh về thủ tục tố tụng thời kỳ Pháp thuộc [20] Xem chương Thủ tục phiên tòa sơ thẩm ở các pháp lệnh
[21] Xem chương Thủ tục phúc thẩm tại các pháp lệnh
[22] Phan Hữu Thư (2001) Xây dựng bộ luật Tố Tụng Dân Sự – những vấn đề lý luận và thực tiễn NXB Chính Trị Quốc Gia. tr 223
[23] Đại từ điển tiếng Việt — NXB Văn Hóa Thông Tin ( 1998 ) Nguyễn Như ý chủ biên tr 1788
[24] Xem mục 1.2 phần IV nghị quyết số 04/2005/NQ – HĐTP của HĐTPTANDTC ngày 19 tháng 9 năm 2005 về hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về “chứng minh và chứng cứ”
[25] Xem Thông tư liên tịch số 03/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 1/9/2005 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự và sự tham gia của Viện kiểm sát nhân dân trong việc giải quyết các vụ việc dân sự.
[26] Trường đại học Luật Hà Nội (2001) công trình nghiên cứu khoa học cấp trường. Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hoàn thiện một số chế định cơ bản của pháp luật tố tụng dân sự. Tr.65
[27] C. Mac – Ph. Anghen (1983) tuyển tập. Tập 5 NXB Sự Thật – Hà Nội
[28] francais juridique – cours elementaire – Maison du droi Vietnamo – Francais p.3 (Giáo trình tiếng pháp pháp lý – Nhà pháp luật Việt Pháp (bản tiếng Pháp) tr.3)
[29] Giáo trình luật tố tụng dân sự – trường đại học Luật Hà Nội – NXB Tư Pháp tr11 [30] Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII
[31] Mục 2 Nghị Quyết số 49 – NQ\TW ngày 2 tháng 6 năm 2005 của Ban Chấp Hành Trung ương Đảng về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
[32] Khoản 4 điều XVI Hiệp định MARRAKESH thành lập WTO.
[33] Đinh Ngọc Hiện – Tư pháp dân sự và thủ tục tố tụng dân sự – Hội thảo những vấn đề lý luận và thực tiễn của tố tụng dân sự Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi
[35] Tiết 2.1 mục 2 phần III nghị quyết số 01/2005/NQ – HĐTP ngày 31 tháng 5 năm 2005 của Hội Đồng Thẩm Phán Tòa án Nhân Dân Tối Cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS năm 2004
[36] Xem điều 132,149 BLTTDS CHLB Nga, Điều 11, 132,133 BLTTDS Pháp, Điều 70 Bộ Dân Sự Tố Tụng Pháp 1807 (được áp dụng ở Việt Nam trong một thời kỳ Pháp thuộc), Điều 259 Nghị Định 16-3-1910, Điều 374 Bộ Hộ Sự, Thương Sự Tố Tụng Trung Việt.
[37] Xem điều 10 Luật trợ gúp pháp lý, hướng dẫn chi tiết tại điều 2 Nghị Định số 07/2007/ NĐ – CP ngày 12 tháng 1 năm 2007 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật trợ giúp pháp lý.
[38] Xem Thông tư liên tịch của Bộ Tư Pháp và Bộ Nội Vụ số 08/2008/ TTLT – BTP – BNV ngày 7 tháng 11 năm 2008 Về việc hướng dẫn tổ chức và biên chế của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
[39] Kinh nghiệm của một số nước cho thấy nhờ có sự tham gia tích cực từ phía luật sư mà số lượng án mà tòa thụ lý phải đưa ra xét xử thấp nhờ công tác hòa giải như Canada (< 5% ), Thụy Điển, Đan Mạch (< 20%), Nhật Bản… hình thành một quan điểm phổ biến: “Tòa án nhỏ – Hòa giải lớn”. Nhưng tại Việt Nam, số lượng án thụ lý phải đưa ra xét xử rất lớn cụ thể như ở TP. Hồ Chí Minh hàng năm thụ lý từ 26.000 – 28.000 vụ và tỉ lệ xét xử là khoảng 65%.
[40] Điều 751 BLTTDS Cộng Hòa Pháp : “Các bên đương sự phải cử luật sư, trừ trường hợp có quy định khác.
Việc cử luật sư cũng có nghĩa là đã trọn nơi cư trú. Việc không nêu rõ việc cử luật sư của mình đối với bên kia cũng coi như vô hiệu.”
[41] Xem Tranh tụng trong tố tụng dân sự – một số vấn đề lý luận cơ bản. Ths. Nguyễn Thị Thu Hà – Khoa luật dân sự, trường đại học Luật Hà Nội, Trang thông tin pháp luật dân sự.
[42] Mục 2.2 nghị quyết số 49 – NQ/ TW của Bộ Chính Trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
phụ lục
một số bức ảnh về thủ tục tố tụng thời kỳ pháp thuộc – thời kỳ quyền con người, quyền công dân, quyền đương sự không được quan tâm