II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU CỦA HÀNG DỆT MAY VIỆT NAM
2. VỀ PHÍA HIỆP HỘI DỆT MAY VIỆT NAM
Nâng cao vai trò và tăng cường hơn nữa chức năng hoạt động của Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) trong việc tổ chức thông tin kịp thời tình hình thị trường cho doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động xây dựng hình ảnh tốt đẹp về ngành dệt may Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, xúc tiến xây dựng một số thương hiệu nổi tiếng mang tính quốc gia tại các thị trường xuất khẩu, tổ chức các hoạt động xâm nhập mạng lưới bán lẻ
tại thị trường nước ngoài, đề xuất các chế độ, cơ chế, chính sách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành.
Trong thời gian tới, các hiệp hội ngành hàng cần tập trung vào công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt vai trò là người hỗ trợ doanh nghiệp, là đại diện và cầu nối hữu hiệu giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước cũng như với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng dệt may . Để làm được điều này, các hiệp hội cần tích cực triển khai thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
- Trên cơ sở Luật về Hội dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong thời gian sắp tới, các hội và hiệp hội ngành nghề cần nghiên cứu và tổ chức triển khai phương án kiện toàn tổ chức bộ máy hiện có để thực sự trở thành những tổ chức nghề nghiệp có tính chuyên môn sâu và thực hiện tốt vai trò hỗ trợ cho doanh nghiệp.
- Tập trung làm tốt chức năng là người đại diện, bảo vệ lợi ích của các hội viên trước các vụ kiện từ phía nhà nhập khẩu quốc tế, đặc biệt là các vụ kiện về chống bán phá giá.
- Làm tốt công tác tổ chức thông tin ngành hàng và xúc tiến thương mại để nâng cao hiệu quả và vai trò của hiệp hội trong hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp định hướng sản xuất, tìm kiếm thị trường...
- Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế với các tổ chức, hiệp hội ngành nghề trong khu vực và trên thế giới nhằm tranh thủ hỗ trợ về tài chính, kỹ năng chuyên môn, công nghệ và kinh nghiệm hoạt động.