9.1 Nền có đất êluvi phải thiết kế theo tính đặc thù của đất này: là sản phẩm phong hóa của đá tại chỗ và ở mức độ nào đấy giữ được cấu trúc và tổ chức của mình trong vỏ phong hóa cũng như giữ đặc tính về thế nằm của đất. Do đó khi thiết kế cần chú ý:
- Đất êluvi rất có thể không đồng nhất và trong phạm vi diện xây dựng theo chiều sâu và theo mặt bằng gồm một số loại khác nhau: đá phong hóa yếu và phong hóa đất hòn lớn, đất cát và đất sét, khác nhau rất nhiều về các đặc trưng độ bền và đặc trưng biến dạng;
- Đất êluvi, ví dụ như đất hòn lớn và đá bị phong hóa mạnh (đá bùn vôi) bị yếu đi và bị phá hoại trong khi chưa lấp hố móng;
- Á cát êluvi và cát bụi trong trường hợp no nước lúc đào hố móng và lúc xây móng có thể dẫn đến trạng thái lỏng;
- Cát bụi êluvi có hệ số rỗng e > 0,6 và độ no nước G < 0,7 khi ướt có thể có tính chất lún ướt. 9.2 Để kể đến một cách đầy đủ và chính xác hơn đặc điểm của đất êluvi khi khảo sát địa chất công trình cần xác định dạng đất đá gốc, cấu trúc và mặt cắt vỏ phong hóa, tính chất nứt, thành phiến, thành lớp, các phần bị hạ và bị bào mòn, mặt trượt, trị số, hình dáng và số lượng thể bị bao đất hòn lớn.
Việc lấy mẫu, quy định loại và phương pháp thí nghiệm trong phòng và hiện trường đối với đất êluvi phải thực hiện tùy thuộc vào mặt cắt vỏ phong hóa và thành phần đất đá gốc.
9.3 Khi thiết kế nền đất êluvi phải chú ý quy định cách thí nghiệm trong quá trình khảo sát về khả năng và trị số giảm độ bền của nền đất êluvi trong thời gian dự tính chưa bị lấp kín hố móng. Để đánh giá sơ bộ khả năng giảm độ bền của đất cho phép dùng các phương pháp gián tiếp dựa vào sự thay đổi trong thời gian cho trước về:
- Trọng lượng thể tích - đối với đá;
- Sức kháng xuyên đơn vị - đối với đất sét;
- Hàm lượng tương đối theo trọng lượng các hạt có kích thước nhỏ hơn 0,1 mm đối với đất cát và các hạt có kích thước nhỏ hơn 2 mm đối với đất hòn lớn.
CHÚ THÍCH: Ảnh hưởng của các tác động khí quyển ở các lớp bên trên của đất êluvi bị lộ cho phép xác định trong điều kiện thí nghiệm trong phòng các mẫu đất (nguyên dạng) được lấy lên. 9.4 Nếu nền gồm các loại đất có tính nén thay đổi lớn và có thể sinh ra các biến dạng không cho phép đối với nhà và công trình định xây dựng thì nên dự kiến:
- Làm các đệm đất lèn chặt phân bố bằng cát, đá dăm hoặc đất hòn lớn không bị phong hóa từ các đất đá gốc;
- Đào bỏ vùng bên trên của đất chịu nén thuộc các thể bao đá;
- Làm sạch nền ở vùng bên trên, loại bỏ chỗ bị rời rạc “túi” và “hốc” phong hóa trong đá và sau đó nhồi đá dăm hoặc cát đầm chặt;
- Làm bằng phẳng bề mặt đất đá nếu dùng móng đúc sẵn.
Trong trường hợp những biện pháp này thấy chưa đủ nên xét đến việc dùng móng cọc hoặc các biện pháp kết cấu theo yêu cầu của 4.8.6.
9.5 Trong thiết kế nền và móng phải dự kiến cách bảo vệ đất êluvi khỏi bị phá hoại bởi các tác động khí quyển và nước trong thời gian đào hố móng. Muốn làm vậy không được phép dừng thi công nền sau đó mới làm móng; cần phải dùng các biện pháp bảo vệ; không được đào đất ở hố móng đến ngay độ sâu thiết kế: lớp đất bảo vệ này phải dày ít nhất 0,3 m đối với đất sét và đất cát bụi và 0,1 m đến 0,2 m đối với các loại đất cát khác; phương pháp nổ mìn để đào đá chỉ cho phép dùng cách bắn mìn nông.
9.6 Việc tính nền đất êluvi theo biến dạng và theo sức chịu tải phải kể đến đặc điểm của đất này ứng với các yêu cầu chung quy định ở Điều 4.