V. MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ VSV VÀ MÔI TRƯỜNG
10. Dùng nấm làm sạch đất bị nhiễm Amiăng
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Torino, Italia, đã tìm ra một số loại nấm giúp làm sạch đất bị ô nhiễm amiăng. Thậm chí nó còn có thể chuyển gene tấn công amiăng cho các vi sinh vật khác trong đất.
Các sợi amiăng phát tán trong không khí gây bệnh phổi và ung thư khí quản. Làm sạch đất ô nhiễm quanh các mỏ và nhà máy amiăng đã ngừng hoạt động còn khó hơn nhiều việc dỡ các tấm amiăng ra khỏi các toà nhà. Hiện tại, chưa có cách nào thực sự tốt để làm sạch những địa điểm này.
Các vi sinh vật đã được sử dụng để làm sạch dầu tràn và đang được nghiên cứu để làm sạch đất cũng như nước chứa kim loại nặng, độc hại, chẳng hạn như chì. Dường như amiăng là mục tiêu tiếp theo của chúng. Sợi amiăng độc hại một phần bởi chúng chứa sắt. Sắt có thể dẫn tới việc hình
thành những hoá chất phản ứng mạnh được gọi là các gốc tự do. Gốc tự do làm tổn thương ADN và gây ung thư. Nếu loại bỏ sắt, amiăng trở nên ít độc hại hơn rất nhiều.
Thật may là hầu hết các vi sinh vật trong đất cần sắt để tạo năng lượng. Vì thế cho nên một số vi sinh vật có những cách rất hiệu quả tìm sắt từ môi trường sống của chúng. Lũ sinh vật đó bắt giữ các nguyên tử sắt từ khoáng chất trong đất và cô đặc bằng cách sử dụng các móc hoá học có tên là siderophores.
Perotto và đồng nghiệp chỉ ra rằng một số loại nấm hấp thụ sắt từ crocidolite - một trong những dạng amiăng gây ung thư mạnh nhất. Sợi amiăng mất sắt không thể tạo ra các gốc tự do gây ung thư. Những loại nấm hấp thụ sắt tốt nhất là Fusarium oxysporum - thủ phạm gây thối rữa thực vật - Mortierella hyalina và Oidiodendron maius. Oidiodendron maius tấn công cây thân gỗ, cây bụi và có thể sống trong môi trường ô nhiễm kim loại nặng.
Nhóm rất ngạc nhiên khi thấy lượng sắt mà những loại nấm này hấp thụ từ amiăng. Một số loại vẫn hấp thụ sắt sau hơn 7 tuần. Ngoài ra chúng buộc các sợi amiăng thành một loại mạng gồm những dải nhỏ, làm cho sợi có ít khả năng thoát vào trong không khí nếu đất ô nhiễm amiăng bị xới lên. Để sử dụng những vi sinh vật này làm sạch đất ô nhiễm, cần phải ""gieo"" một số bào tử nấm vào đất và bổ sung chất dinh dưỡng mà chúng cần cho sinh trường. (Minh Sơn - Theo Nature) Nguồn : http://vietbao.vn/Khoa-hoc/Dung-nam-lam-sach-dat-o-nhiem-amiang/20002387/188/