LỄ HỘI ĐÂM TRÂU

Một phần của tài liệu DẠY HỌC THEO DỰ ÁN (Trang 25 - 26)

Lễ đâm trâu phổ biến ở nhiều dân tộc Tây

Nguyên và là một sinh hoạt văn hoá dân gian mang tính tổng hợp. Nhiều loại hình nghệ thuật dân gian cùng diễn xướng trong lễ hội: âm nhạc, cồng chiêng, múa hát, múa kiếm, nghệ thuật tạo hình.

Lễ đâm trâu được tổ chức để mừng chiến thắng, mừng được mùa của cộng đồng, khánh thành nhà rông, lễ cầu an, mừng năm mới... để tạ ơn thần. Theo thần thoại của một số dân tộc ở Tây Nguyên trâu là vật hiến tế Giàng. Tuỳ theo mức độ non già của trâu (căn cứ vào độ dài của sừng) mà đánh giá lễ lớn nhỏ.

Để chuẩn bị đâm trâu, buôn làng giao một số trai tráng vào rừng tìm đốn một cây gạo (blang) lớn, một số cây khác nhỏ hơn và 8 cây tre, tìm dây rừng để chuẩn bị cột buộc trâu (cột này như cây nêu của người kinh), Người Eđê gọi là Gơng Blang.

Địa điểm trồng cột buộc trâu được dựng trước sân nhà làng (nhà cộng đồng) do thầy cúng bói chọn, trước lễ một ngày phải hoàn thành cây nêu. Cột nêu được trang trí như sau: Cột cao 5-6m, trên ngọn có một bàn thờ nhỏ là nơi để hồn ông bà tổ tiên về dự. Dọc thân cột cắm những lưỡi dao bằng tre nhọn tượng trưng cho những cánh thần và một hình trăng lưỡi liềm tượng trưng cho quyền lực và sức mạnh của các Giàng. Quanh cột cắm 8 cành tre cao, đầu mỗi cành cắm một sợi dây tre có vót tua hoặc dây rừng buông thòng xuống dưới mặt đất. Trên những sợi dây buộc những miếng gỗ nhỏ vẽ nhiều màu sắc để chào mừng ông bà tổ tiên về dự lễ. Chung quanh cột nêu chính còn trồng 4 cột nêu nhỏ cao 2m để cột trâu cúng. Cột này vẽ hình hoa văn, chim, thú, hoa, lá. Nếu cúng một trâu thì trồng một cột. Nếu cúng nhiều trâu thì mỗi con phải trồng một cột riêng.

Khi các công việc đã chuẩn bị xong, trâu được buộc và cọc. Thầy cúng hoặc già làng bắt đầu khấn vái các Giàng. Sau đó là bài hát “khóc trâu” sầu thảm, buồn bã của người chủ trâu để an ủi, vổ về và tiễn biệt trâu trước lúc bị giết làm lễ tế thần. Lời hát diễn tả tình cảm gắn bó giữa con người và con trâu và sự tiếc thương đối với con vật thương yêu này. Sau các nghi thức cầu thần linh về chứng giám lòng thành của bà con và nhận lễ vật, chiêng trống nỗi lên rộn rã, nam nữ thanh niên nắm tay nhau nhảy múa theo vòng tròn ngựơc chiều kim đồng hồ (chiều của sự sống) xung quanh cây nêu buộc trâu. Gìa làng ra hiệu cho vòng múa tản dần nhập vào vòng người bên ngoài. Một nhóm chàng trai khoẻ mạnh, giỏi tài săn bắt trong buôn cầm theo dao, lao, kiếm, xà gạc… tiến vào dẫn đầu đàn chiêng trống, tiếp tục vừa đi vòng tròn, vừa múa vũ khí để lừa nhịp đâu trâu. Người được cử đâm trâu phải là người có kinh nghiệm, khoẻ mạnh và chính xác khi trâu bị đâm vào đúng vị trí, con trâu ngã xuống chết ngay được coi là điều may mắn, buôn làng sẽ được khoẻ mạnh, làm ăn thuận lợi.

Người tây nguyên sợ nhất là khi làm lễ đâm trâu mà con trâu không chết, lại đứt dây chạy vuột, phải bắt lại. Đó là điềm xấu cho buôn làng báo hiệu mùa màng có thể bị mất mùa. Những dũng sĩ trong đội đâm trâu lập tức bị loại, chọn người khác thay thế.

Khi con trâu đã tắt thở, thầy cúng mang một chiếc nồi đồng nhỏ đến hứng huyết trâu hoà với rượu, sau đó dùng dao cắt tai, mũi, mắt, đuôi trâu, mỗi thứ một ít bày lên mâm cúng. Rượu hoà huyết được bôi lên thân cây nêu, hoặc lên quẻ âm dương để xem bói. Nhóm dao kiếm tiếp tục xẻ thịt trâu để ăn mừng. Phần nghi lễ tín ngưỡng kết thúc,mọi người được ăn uống ca hát nhảy múa, kể chuyện xưa… cho đến khi hết rượu thịt thì mới giải tán.

Một phần của tài liệu DẠY HỌC THEO DỰ ÁN (Trang 25 - 26)