PHÒNG NGỪA ĐAU THẮT LƯNG

Một phần của tài liệu Tập san khoa học 4 (Trang 25 - 27)

Ở Việt Nam, ước tính đau thắt lưng chiếm tỷ lệ 2% trong cộng đồng; 6% trong tổng số các bệnh xương khớp. Đau thắt lưng là một vấn đề phức tạp do nhiều nguyên nhân khác nhau và cũng có nhiều cách xử trí khác nhau, việc điều trị cơ bản của đau thắt lưng là tìm được nguyên nhân và điều trị theo nguyên nhân.

Đau thắt lưng là một trong những chứng bệnh hay tái phát nhất. Có thể những lần đau sau là do tổn thương thực thể của cột sống hoặc do một tình trạng bệnh lý mới xuất hiện, nhưng rất nhiều trường hợp đau thắt lưng cấp và đau tái phát là do người bệnh vận động ở tư thế không đúng. Một trong những cách phòng ngừa đau lưng cấp và đau lưng tái phát hiệu quả nhất là giữ cho cơ thể ở tư thế đúng trong lao động và sinh hoạt hằng ngày. Sau đây là một số hướng dẫn cụ thể: Đứng: Khi đứng cần đứng thẳng, cân xứng hai bên, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân. Không ưỡn bụng và thắt lưng, cần giữ độ cong bình thường của cột sống đặc biệt là đoạn thắt lưng. Không nên đứng ở những tư thế cố làm cho thân mình cao lên đặc biệt là thói quen thường xuyên dùng giày hoặc guốc cao gót. Đối với những người bị thoát vị đĩa đệm cần hạn chế các động tác cúi làm gấp cột sống.

Ngồi: Khi ngồi nên ngồi trên ghế có chiều cao phù hợp với cơ thể mình để hai bàn chân đặt sát trên sàn nhà, khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng hai bên vuông góc, lưng thẳng, tựa đều vào thành ghế phía sau, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai bên mông và hai chân. Nếu cần có thể dùng một gối mỏng kê đỡ vùng thắt lưng để duy trì đường cong bình thường của đoạn cột sống này. Những người đã bị đau lưng đặc biệt là thoát vị đĩa đệm không được ngồi xổm, hạn chế các tư thế làm gấp cột sống.

Khi bê hoặc nâng đồ vật lên: Khi muốn bê hoặc nâng một vật từ dưới đất lên cần đặc biệt chú ý đến tư thế của cột sống và thân mình, khoảng cách giữa đồ vật đó với cơ thể và sự phối hợp nhịp nhàng của động tác, cụ thể như sau:

- Hai bàn chân đứng cách nhau một khoảng rộng phù hợp để tạo chân đế vững chắc.

- Ngồi xổm xuống (bằng cách gấp khớp gối và khớp háng) không cúi gấp cột sống.

- Đưa đồ vật cần bê vào sát bụng, căng cơ bụng ra.

- Nâng đồ vật đó lên bằng cách đứng dậy. Không dùng cơ thắt lưng để nâng vật đó lên.

- Giữ cho cột sống thẳng, không xoắn vặn trong khi thực hiện động tác.

- Giữ cho độ ưỡn của đoạn thắt lưng vẫn được duy trì ở mức bình thường. Khi bê và mang đồ vật đi: Khi muốn bê và mang một vật nào đó đi chỗ khác, chúng ta cũng cần đặc biệt chú ý đến tư thế của cột sống và thân mình cũng như vị trí và khoảng cách của vật đó đối với cơ thể. Một số vấn đề cần chú ý như sau:

- Bê đồ vật cần mang đi như đã hướng dẫn ở trên.

- Ôm chắc đồ vật đó bằng hai tay. - Giữ đồ vật đó sát vào bụng, ở mức ngang ngực - thắt lưng.

- Giữ cột sống thẳng, giữ đoạn thắt lưng ở độ ưỡn bình thường.

- Bước đi bình thường, thoải mái, không bước xiêu vẹo, xoắn vặn.

PGS.TS. Trần Văn Chương

(Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai)

Cùng bạn đọc!

Nội san khoa học của Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh là một hình thức chuyển tải những thông tin khoa học thiết yếu tới CBGV của nhà trường, được phát hành theo Quyết định số 119/QĐ-CĐYT, ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh.

Việc phát hành Nội san khoa học là một cố gắng của Nhà trường; nhằm tạo ra một diễn đàn để chia sẻ và tiếp nhận những thông tin khoa học hữu ích; góp phần phát triển các kỹ năng giảng dạy và nghiên cứu khoa học cho đội ngũ CBGV của trường, đặc biệt là kỹ năng viết các bài báo khoa học, tham luận, bình luận và phản biện khoa học.

Để hoàn thành sứ mạng của mình, Nội san khoa học rất mong nhận được sự hưởng ứng tích cực của các quý độc giả bằng cách:

1. Ứng dụng những thông tin thu được từ Nội san khoa học để nghiên cứu và có thể áp dụng vào công việc hàng ngày của mình.

2. Tích cực tham gia viết và gửi bài cho Nội san khoa học:

- Bài gửi đăng tải có thể là bài báo khoa học, bài tham khảo chuyên đề, bài tham luận, bình luận hoặc phản biện khoa học, hoặc các thông tin định hướng cho sự phát triển kỹ năng nghề nghiệp của các CBGV của nhà trường.

- Bài gửi đăng tải có thể là bài do tác giả biên soạn, biên dịch hoặc sưu tầm. Nếu là bài biên dịch hoặc sưu tầm cần ghi rõ nguồn gốc thông tin.

- Nên gửi bài dưới dạng file điện tử được đánh máy bằng mã UNICODE, font chữ TIME NEW ROMAN, cỡ chữ 13.

3. Phản hồi, góp ý để Nội san khoa học ngày càng hoàn thiện hơn về nội dung và hình thức.

Trân trọng !

Một phần của tài liệu Tập san khoa học 4 (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(27 trang)
w