- Truyền và nhận thông tin
2.2.3 Tiến trình kế toán
Tiến trình kế toán được bắt đầu từ khi xác định các chỉ tiêu hạch toán, lập chứng từ cho đến khi lập các báo cáo định kỳ. Tiến trình kế toán có thể được thực hiện bằng phương pháp thủ công hoặc tự động hóa và đều phải vận dụng các hình thức kế toán phù hợp. Áp dụng hình thức kế toán nào cần căn cứ điều kiện cụ thể cũng như đặc điểm kinh doanh của từng tổ chức.
Với hình thức kế toán nhật ký chung, tiến trình kế toán có những bước sau:
Bước 1: Ghi nhật ký kế toán
Từ chứng từ gốc đã được kiểm tra, kế toán tiến hành ghi nghiệp vụ vào nhật ký chung. Trong trường hợp các nghiệp vụ liên quan đến đối tượng kế toán đặc biệt, có thể sử dụng thêm nhật ký đặc biệt, chuyên dụng cho từng loại nghiệp vụ chủ yếu: nhật ký mua hang, nhật ký bán hang, nhật ký thu tiền, nhật ký chi tiền. Đồng thời kế toán ghi vào sổ chi tiết cho từng đối tượng kế toán.
Bước 2: Ghi sổ cái
Ghi nhật ký chung hoặc nhật ký đặc biệt là ghi theo trình tự thời gian phát sinh nghiệp vụ. Từ nhật ký chung thực hiện chọn số liệu ghi vào sổ cái là ghi theo nội dung nghiệp vụ. Sổ cái là sổ kế toán tổng hợp, do đó cần sử dụng thêm các sổ chi tiết để bổ sung các thông tin chi tiết, giải thích các số liệu tổng hợp.
Bước 3: Thực hiện các bút toán điều chỉnh cuối kỳ
Để chuẩn bị cho việc lập báo cáo kế toán cuối kỳ, đảm bảo cung cấp các thông tin chính xác và đáng tin cậy, kế toán cần thực hiện các bút toán điều chỉnh. Các bút toán này dùng để phân chia các nghiệp vụ tổng hợp giữa các kỳ kế toán chịu ảnh hưởng của nghiệp vụ đó và dùng để ghi bất cứ khoản thu hoặc chi nào phát sinh nhưng chưa được ghi sổ trước khi kết thúc kỳ đó. Các bút toán điều chỉnh cuối kỳ được ghi nhật ký, sau đó ghi vào sổ cái.
Bước 4: Khóa sổ
Thực hiện tính số dư cuối kỳ trên các tài khoản tổng hợp và chi tiết. Sau khi thực hiện đối chiếu, kiểm tra sẽ tiến hành lập các báo cáo tài chính như bảng cân đối kế toán, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ… và chuẩn bị cho kỳ kế toán tiếp theo.