III. ƯƠNG NUÔI ẤU TRÙNG TÔM 1 Cho tôm nở
4. Quản lý môi trường nước ương ấu trùng
Tùy từng qui trình ương nuôi ấu trùng khác nhau mà các phương pháp quản lý nước cũng rất khác nhau. - Thay nước và hút cặn:
+ Đối với mô hình nước trong - hở, cần thay nước bể ương hằng ngày, lượng nước thay khoảng 30 - 50%, tùy giai đoạn bằng nước trong sạch.
+ Mỗi ngày cần hút cặn đáy bể sau khi cho tôm ăn và trước khi thay nước. Cần chú ý nhiệt độ, độ
mặn giữa nước cấp và nước trong bể ương, tránh chênh lệch lớn vì sẽ ảnh hưởng đến ấu trùng.
+ Đối với hệ thống nước trong - tuần hoàn, từ ngày thứ 4 sau khi ương ấu trùng, nên cho nước luân chuyển giữa bể ương và bể lọc sinh học. Tỷ lệ nước luân chuyển khoảng 100 - 400 % thể tích bể ương/ngày. Hệ thống bể ương cần được hút cặn 2 lần mỗi ngày.
+ Trong qui trình nước xanh, phải thay nước mới thường xuyên, nhất là khi nước dơ hay khi tảo tàn. Sau đó bổ sung tảo mới. Trong quá trình nuôi cũng thường xuyên hút cặn để loại bỏ tảo chết và lắng ở đáy bể. Đối với qui trình nước xanh cải tiến, không phải thay nước, thêm tảo hay hút cặn trong suốt thời gian ương. Điều này sẽ không làm xáo động đáy bể, để tảo đáy phát triển sẽ có vai trò như lọc sinh học.
+ Mức nước bể ương nên duy trì từ 0,8-1m đối với hệ thống nước trong hở và nước trong tuần hoàn; và 0,6 - 0,7m đối với hệ thống nước xanh và nước xanh cải tiến.
- Quản lý các yếu tố môi trường nước:
+ Nhiệt độ nước là yếu tố quan trọng, cần được duy trì trong phạm vi 26 – 310C. Vào ban đêm, mùa lạnh hay mùa mưa nhiều, trại nên được giữ kín. Bố trí các dụng cụ nâng nhiệt bằng điện hay nước nóng
cho bể ương. Vào ban ngày hay mùa nóng, cần giữ trại thoáng và mái nhà không được làm hoàn toàn bằng tole trong suốt. Cần theo dõi nhiệt độ hàng ngày lúc sáng và chiều.
+ Độ mặn nước ương nên được duy trì trong phạm vi 12 ± 2 ‰. Trong quá trình thay nước, nhất là đối với qui trình nước trong hở thì cần phải thận trọng, tránh nước mới có độ mặn chênh lệch lớn với nước ương làm sốc ấu trùng. Đối với mô hình nước xanh cải tiến và mô hình nước trong tuần hoàn do không thay nước, vì thế độ mặn có thể tăng cao dần và vượt 14 ‰ về cuối chu kỳ ương, nhất là vào những tháng nóng. Trường hợp này cần phải cấp thêm nước ngọt để điều chỉnh độ mặn xuống 10-12 ‰.
+ Nước bể ương ấu trùng nên có pH trong khoảng 7-8,5. pH không nên vượt quá 9. Trong qui trình nước xanh và nước xanh cải tiến, khi mật độ tảo quá cao có thể ảnh hưởng đến biến dộng lớn pH trong ngày. Cần sục khí mạnh hoặc thay bớt nước khi nước quá xanh.
+ Ánh sáng rất cần thiết cho sự phát triển của ấu trùng tôm càng xanh. Tuy nhiên, không nên ương ấu trùng dưới ánh nắng trực tiếp. Đối với hệ thống nước trong, chỉ cần ánh sáng yếu, nhưng đối với mô hình nước xanh và nước xanh cải tiến cần ánh sánh mạnh hơn cho tảo phát triển. Cường độ ánh sáng thích hợp là 6.000 - 18.000 lux, chu kỳ chiếu sáng
hàng ngày 10 - 12 giờ. Mái che có các tấm tole sáng và tối xen kẽ nhau sẽ thích hợp cho ương ấu trùng.
+ Oxy nên được duy trì trên 5 mg/l, tốt nhất là gần đạt mức bảo hòa. Trung bình, mỗi 1m3 bể ương cần khoảng 4 viên đá bọt với tốc độ thổi khí vừa phải để đảm bảo Oxy, vừa giải phóng khí độc, vừa giúp phân bố ấu trùng và Artemia đều trong bể.
+ Thường xuyên theo dõi các yếu tố đạm hàng ngày và đảm bảo nitrite dưới 0,1 mg/l, nitrate dưới 20 mg/l, đạm a-môn (N-NH4+) dưới 1,5 mg/l, N- NH3 dưới 0,1 mg/l. Đối với mô hình nước trong - hở, thay nước mỗi ngày là biện pháp giữ nước ương sạch. Đối với mô hình nước trong - tuần hoàn, bể lọc sinh học hoạt động tốt sẽ ổn định được hàm lượng đạm trong phạm vi thích hợp. Trong mô hình nước xanh cải tiến, tảo và các vi khuẩn phát triển trong nước, trên vỏ Artemia và trên thành bể sẽ là yếu tố quan trọng trong việc hấp thu và tự ổn định nồng độ đạm.
+ Trong qui trình nước xanh cải tiến, sau khi bổ sung tảo vào bể ương với mật độ khoảng 0,5 - 1 triệu tế bào/ml, cơ bản không phải bổ sung thêm tảo trong suốt thời gian ương. Tảo phát triển tự nhiên trong bể trong thời gian ương nuôi và có thể đạt đến 5 - 10 triệu tế bào/ml và duy trì màu xanh đến cuối chu kỳ ương. Tuy nhiên, cũng có trường hợp tảo
Chlorella sẽ suy tàn, đồng thời tảo khuê sẽ phát triển, vì thế màu nước xanh sẽ dần chuyển thành màu vàng nâu. Cũng có trường hợp, sau khi tảo Chlorella suy tàn thì hệ tảo đáy sẽ phát triển. Tuy nhiên, dù tảo Chlorella, tảo khuê hay tảo đáy phát triển, chúng cũng có vai trò quan trọng như hệ thống lọc sinh học.