Lãnh đạo phải tạo được sự tin tưởng, nể trọng của nhân viên. Lãnh đạo cần có tác phong lịch thiệp, hòa nhã, luôn lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của nhân viên. Lãnh đạo cũng nên hỗ trợ nhân viên trong những trường hợp nhân viên gặp khó khăn không thể tự giải quyết được. Đặc biệt,vấn đề đối xử công bằng với nhân viên phải đặc biệt được chú ý bởi vì đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, nếu xử lý không đúng sẽ gây ức chế cho nhân viên, làm cho nhân viên cảm thấy bất mãn về lãnh đạo cũng như bất mãn chung về công việc. Bên cạnh đó, chính sách về đào tạo, thăng tiến cũng phải được chú trọng. Công ty nên tạo điều kiện cho người lao động được học tập nâng cao kiến thức phục vụ cho công việc của họ. Song song đó phải có chính sách thăng tiến minh bạch, rõ ràng và thực thi chính sách thăng tiến đó, tạo điều kiện cho những người có năng lực, có đóng góp nhiều cho công ty cơ hội thăng tiến để tạo động lực làm việc cho họ cũng như kích thích, động viên tất cả người lao động khác của công ty.
KẾT LUẬN
Sau khi nghiên cứu và phân tích các nhân tố giá trị, thái độ, sự thỏa mãn đối với công việc của người lao động, có thể đưa ra kết luận giá trị chính là cơ sở cho hiểu biết về thái độ, động cơ và nó ảnh hưởng đến quá trình nhận thức của cá nhân, từ đó tác động tới hành vi và thái độ của con người. Sự thỏa mãn đối với công việc của người lao động có mối tương quan chặt chẽ với năng suất lao động, tỉ lệ vắng mặt, sự thuyên chuyển công việc. Năng suất lao động cao sẽ tạo ra sự thỏa mãn cao, khi người lao động cảm thấy thỏa mãn với công việc của mình sẽ ít nghỉ việc, bỏ việc hơn. Sự thỏa mãn với công việc cũng sẽ quyết định đến thái độ của người lao động là tích cực hay tiêu cực. Để đạt được các mục tiêu của tổ chức, các nhà quản lý cần hiểu được tầm quan trọng của việc nghiên cứu này.