II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ TẠI HUD
1. Giải pháp về vốn
Để tiến hành bất kỳ một hoạt động sản xuất kinh doanh nào thì vốn cũng là nhân tố quan trọng nhất để quyết định xem có tiến hành các dự định kinh doanh hay không, vốn chính là máu cho hoạt động kinh doanh được lưu thông và phát triển. Để đầu tư vào TSCĐ cũng như nhà xưởng, máy móc thiết bị, mua sắm nguyên vật liệu làm tiền đề cho hoạt động đầu tư ngay cả đến giai đoạn hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực... thì đều cần có vốn để trang trải mọi chi phí. Đặc biệt đối với một Công ty cổ phần với nguồn vốn được thực hiện từ các cổ đông, các nguồn để huy động cũng khá đa dạng thì việc tìm kiếm các nguồn vốn và cơ cấu nguồn vốn cho hợp lý là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, mỗi nguồn vốn ta phải có phương pháp huy động và kế hoạch sử dụng phù hợp, do đó cần có sự nỗ lực của toàn Công ty.
- Đối với nguồn vốn tự có (vốn chủ sở hữu): Do chuyển đổi thành công ty cổ phần, nên nguồn vốn này được hình thành từ việc đóng góp từ các cổ đông đồng thời cũng có từ sự hình thành của nguồn cổ tức chưa phân phối. Nguồn vốn này có ý nghĩa rất quan trọng nó giúp Công ty chủ động trong quá trình đầu tư, để tăng nguồn vốn này thì cần phải nâng cao hiệu quả sử dụng và tỷ suất sinh lời vốn đầu tư, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm xây lắp đồng thời cần chú trọng xử lý thu hồi công nợ, giảm lượng hàng tồn kho không cần thiết tức là làm cho lợi nhuận tạo ra tăng, tăng cao phần lợi nhuận trích ra để tiến hành tái đầu tư. Trong một dự án đầu tư cân đối phần lợi nhuận có thể giữ lại để tái đầu tư với phần dùng để hoàn vốn. Ví dụ như kế hoạch Dự án sản xuất ống cống, trong 2 năm đầu Công ty dự định dùng toàn bộ lợi nhuận tạo ra cùng chi phí khấu hao thu được để trả nợ ngân hàng do đó không có phần lợi nhuận để tái đầu tư, Công ty nên trích theo tỷ lệ phần trăm nào đó và tăng dần tỷ lệ này. Trong khi tiến hành khấu hao TSCĐ Công ty nên tiến hành khấu hao ở mức độ hợp lý nhất để sao cho vừa có lãi vừa đảm bảo giá thành sản phẩm xây lắp.
- Vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng: Theo kinh nghiệm của các doanh nghiệp thì đây là nguồn vốn lớn giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nguồn vốn này được sử dụng rộng rãi để đổi mới máy móc thiết bị phục vụ hoạt động đầu tư tuy nhiên những năm qua vốn vay Ngân hàng của Công ty còn hạn chế và phần vốn vay chủ yếu là ngắn hạn còn nguồn vốn vay dài hạn chiếm tỷ lệ rất ít do đó Công ty phải có phương án trả nợ tối ưu nâng cao hiệu quả đầu tư, uy tín của Công ty để có thể vay được vốn dài hạn với khối lượng và tỉ lệ lớn hơn nhằm phục vụ tốt hơn cho đầu tư. Tuy nhiên với chi phí vốn vay trên thị trường vốn ngày càng cao thì Công ty phải tính toán chi phí với hiệu quả sử dụng vốn cho hợp lý để có được phương án và cơ cấu vốn tối ưu.
- Mặc dù đã chuyển sang công ty cổ phần, nhưng việc tiếp tục huy động vốn của CBCNV trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Với lợi thế là công ty đã thực hiện chi trả cổ tức trong năm 2004 và năm 2005 là 14% thì việc huy động vốn góp của cán bộ công nhân viên trong Công ty và trả lợi tức tương đương với cổ tức từ các cổ đổng thì tương đối khả thi, khi Công ty thực hiện một dự án đầu tư mỗi khoản đóng góp dù nhỏ nhưng tập hợp lại Công ty sẽ có một khoản tương đối để trang trải cho các chi phí vì vậy Công ty nên huy động đóng góp của người lao động và trả tiền lãi cho họ hàng tháng không những Công ty có vốn để đầu tư mà còn có tác dụng thúc đẩy người lao động làm việc nhiệt tình hơn, gắn quyền lợi của họ với hiệu quả đầu tư.
- Tận dụng chính sách cho trả chậm tiền mua máy móc thiết bị: như hình thức mua trả góp nhờ đó mà Công ty không nhất thiết phải có một khoản tiền lớn ngay lập tức mới có thể mua được máy móc thiết bị.
- Tiến hành huy động vốn thông qua hình thức liên danh liên kết nhờ đó Công ty có vốn đầu tư mà không phải trả chi phí sử dụng vốn.
Tóm lại, thiếu vốn làm cho hoạt động của các doanh nghiệp nói chung và Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng HUD1 nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, thiếu vốn làm cho Công ty không có tiền để đầu tư máy móc thiết bị hoặc có
đầu tư thì là máy đã qua sử dụng rồi đồng thời thiếu vốn làm cho Công ty bỏ lỡ nhiều cơ hội. Vì vậy khi đã có vốn trong tay Công ty phải có một cơ cấu tài chính tối ưu và có kế hoạch sử dụng vốn hợp lý nhất từ đó có thể trả nợ và tiếp tục vay tiếp.