II. Đánh giá cơ cấu đầu tư theo ngành của Việt Nam và ảnh hưởng của nó lên sự phát triển kinh tế xã hội của nước ta
a. Ngành nông nghiệp
Chuyển dịch cơ cấu đầu tư ngành nông nghiệp có nhiều bước tiến bộ, đi đúng hướng,đầu tư theo ngành nông nghiệp đã tập trung vàolợi thế cây, con và vùng lãnh thổ, góp phần thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu phát triển. Điều đó được thể hiện trong khi giá trị tuyệt đối của sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng, thì tỷ trọng nông nghiệp trong GDP ngày càng giảm . Trong ngành nông nghiệp tỷ trọng đầu tư đã được chú trọng vào chăn nuôi và giảm nhẹ trồng trọt xuống kết quả mang lại là tỷ trọng giá trị sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi tăng từ 19,3% (năm 2000) lên đến 21,6% (năm 2004) và 23,4% (năm 2005) và 26,9% năm 2009; còn tỷ trọng trong trồng trọt lại giảm từ 78,2% (năm 2000) xuống còn 75,4% (năm 2003), nhưng tăng nhẹ tới 76,3% (năm 2004) và 74,5% (năm 2005) và 71,4 % năm 2009. Điều đó thể hiện, nông nghiệp của nước ta đã từng bước phát triển theo một cơ cấu tiên tiến. Trong
trồng trọt diện tích trồng lúa giảm dần để tăng diện tích trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn (như cây công nghiệp ngắn ngày: bông, mía, đậu tương..., cây công nghiệp lâu năm: chè, cao su, hạt tiêu, cây ăn quả...), song vẫn bảo đảm được an ninh lương thực quốc gia và tăng xuất khẩu gạo một cách đáng kể, phản ánh sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp ngày càng đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường và có hiệu quả hơn.
Đặc biệt thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Đảng và Nhà nước, những năm gần đây đã có sự chuyển mạnh một phần diện tích trồng lúa có năng suất, hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản (tập trung nhiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải Nam Trung Bộ), nhờ vậy đã góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống cho nông dân.