Nhân của hệ điều hành

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG KIẾN TRÚC MÁY TÍNH VÀ HỆ ĐIỀU HÀNH (Trang 97)

Nhân (kernel) là phần cốt lõi, là phần thực hiện các chức năng cơ bản nhất, quan trọng nhất của hệ điều hành và thường xuyên được giữ trong bộ nhớ.

Hệ điều hành là một hệ thống phức tạp, bao gồm nhiều thành phần, nhiều chương trình cấu thành. Vai trò của những thành phần rất khác nhau. Có những phần không thể thiếu, là cơ sở để cho toàn bộ hệ thống hoạt động, chẳng hạn như phần chịu trách nhiệm quản lý processor, quản lý bộ nhớ. Bên cạnh đó, nhiều chương trình thành phần của hệ điều hành cung cấp các chức năng kém quan trọng hơn. Các chương trình này có thể cần cho một số người dùng nhất định trong một số cấu hình nhất định, xong lại không cần cho người dùng khác trong các trường hợp khác. Ví dụ, một người sử dụng máy tính nghiệp dư sẽ không cần tới các chương trình dịch do hệ điều hành cung cấp. Hay một máy tính không nối mạng sẽ không bao giờ cần tới các dịch vụ mạng của hệ điều hành.

Từ nhận xét trên, thay vì tải toàn bộ hệ điều hành - có thể chiếm rất nhiều chỗ - vào và chứa thường xuyên trong bộ nhớ, người ta chỉ chọn những thành phần quan trọng không thể thiếu được. Các phần này tạo thành nhân của hệ điều hành. Những phần còn lại không thuộc vào nhân có thể được tải vào và chạy khi cần thiết.

Có một vấn đề được đặt ra là quyết định phần nào thuộc vào nhân, phần nào không. Kích thước nhân càng lớn thì càng đảm đương được nhiều chức năng và đỡ tốn thời gian tải các phần phụ. Song nhân lớn thì chiếm nhiều bộ nhớ, ảnh hưởng tới không gian nhớ dành cho các chương trình ứng dụng. Ngoài ra, tổ chức nhân lớn ảnh hưởng tới tính mềm dẻo. Việc thay đổi, bổ sung các thành phần của hệ điều hành sẽ dễ dàng hơn nếu được tổ chức dưới các mô đun riêng lẻ (các chương trình) không thuộc nhân và chỉ chạy khi cần thiết. Trong phần tiếp theo, ta sẽ xem xét một số cách tổ chức nhân và hệ điều hành

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG KIẾN TRÚC MÁY TÍNH VÀ HỆ ĐIỀU HÀNH (Trang 97)