Địa chất và thổ nhưỡng

Một phần của tài liệu Đặc điểm vật rơi rụng trên một số trạng thái rừng tự nhiên tại vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo, Vĩnh Phúc (Trang 30)

Trong quá trình điều tra lập địa 4 loại đất chính ở Tam Đảo đã được phát hiện là:

+ Đất Feralit mùn vàng nhạt: Loại đất này phát triển trên núi trung bình diện tích 8.968 ha, chiếm 17,1% diện tích. Đất này phát triển trên đá Macma axit kết tinh chua như Rhyonit, Daxit, Granit ...tầng đất dày ở nơi độ dốc thấp. Ở những nơi có độ dốc lớn đất bị xói mòn trơ phần đá gốc. Phân bố ở độ cao trên 700 m.

+ Đất Feralit mùn, vàng đỏ: Loại đất này phân bố trên núi thấp có diện tích 9.292 ha, chiếm 17,8%. Đất thường có màu vàng ưu thế do độ ẩm luôn cao, hàm lượng sắt linh động và nhôm tích luỹ tương đối lớn. Tuy nhiên nếu đá mẹ giàu hàm lượng sắt đất có thể có màu đỏ vàng.

Do đất phát triển trên đá Macma axit kết tinh chua: Rhyonit, Daxit, Granit nên tầng đất mỏng, thành phần cơ giới nhẹ, tầng mùn mỏng, không có tầng thảm mục, đá lộ đầu nhiều (> 75%). Loại đất này phân bố xung quanh sườn núi Tam Đảo ở độ cao từ 400 - 700 m.

+ Đất Feralit đỏ vàng phát triển trên nhiều loại đá khác nhau: Loại đất này có diện tích là 24.641 ha chiếm 47%. Đất có khả năng hấp phụ không cao do có nhiều khoáng sét, phổ biến là Kaolinit. Hàm lượng các khoáng nguyên sinh thấp. Ngoài khoáng Kaolinit còn có nhiều khoáng hydroxit sắt, nhôm lẫn trong đất và silic bị rửa trôi.

+ Đất phù sa và dốc tụ: Loại đất này có diện tích 9.497 ha chiếm 18,1%. Phân bố ven chân núi và thung lũng hẹp giữa núi và ven sông suối lớn. Thành phần cơ giới của loại đất này là trung bình, tầng dày, độ ẩm cao, màu mỡ, đã được khai phá trồng lúa và hoa màu.

Một phần của tài liệu Đặc điểm vật rơi rụng trên một số trạng thái rừng tự nhiên tại vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo, Vĩnh Phúc (Trang 30)