Văn học dân gian

Một phần của tài liệu tóm tắt luận án cơ cấu kinh tế, xã hội và văn hóa xã hoằng lộc (hoằng hóa, thanh hóa) thời kì trung đại (Trang 25 - 32)

Về những câu chuyện kể dân gian, người dân Hoằng Lộc còn lưu truyền rất nhiều những chuyện kể về lịch sử, về những tục lệ làng xã. Những câu chuyện phản ánh khát vọng hiểu về quá khứ của làng, cho thấy niềm tự hào của người dân Hoằng Bột về vùng đất khoa bảng, ví dụ như: Câu chuyện về Nguyễn Nhân Thiệm và chuyến đi sứ sang nhà Minh năm 1597, Chuyện về Thượng thư Hà Duy Phiên ngày Tết về thăm quê v.v.. Bên cạnh đó, nơi đây còn lưu giữ nhiều câu ca dao, tục ngữ mang đậm nét văn hóa địa phương.

4.5. Lễ hội

Hội làng là đỉnh cao của sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại làng xã. Ở Hoằng Bột, hội làng được tổ chức hằng năm để tế Kỳ phúc vào các ngày từ mồng một đến mồng sáu tháng Giêng, mồng tám Đại tế. Mấy năm một lần vào tháng

hai có lệ Quốc tế. Trong hội làng, ngoài các nghi lễ tế thần Thành hoàng, nghi lễ vinh danh sự học, còn có đấu vật, và các trò chơi mang tính trí tuệ như: bình thơ, họa thơ, làm câu đối hay thi đấu cờ tướng, hát ca công (ca trù) và nhiều hình thức vui chơi khác như đu dây, leo dây... Chính bởi vậy, ngày hội làng bao giờ cũng để lại dấu ấn sâu sắc trong cuộc sống mỗi người dân quê.

Tiểu kết chương 4

Có thể nói, văn hoá Việt Nam chủ yếu là văn hóa làng, do vậy, đời sống văn hóa mỗi làng quê có ý nghĩa quan trọng trong toàn bộ đời sống văn hóa dân tộc. Nghiên cứu về đời sống văn hóa Hoằng Lộc thời trung đại, từ cảnh quan kiến trúc đến tôn giáo tín ngưỡng, tình hình giáo dục khoa cử Nho học, văn học, lễ hội cho chúng ta những nét khái quát về diện mạo văn hiến của một làng quê tiêu biểu của xứ Thanh.

KẾT LUẬN

Từ Kẻ Vụt đến Bột Đà trang, rồi Bột Thượng, Bột Thái, đến Hoằng Nghĩa, Bột Hưng, sự phát triển đó của xã Hoằng Lộc cho thấy đây là vùng đất có lịch sử phát triển lâu dài và liên tục.

1. Về kinh tế, Hoằng Lộc thời trung đại có cơ cấu kinh tế khá hài hòa: nông nghiệp - thủ công nghiệp làng xã - thương nghiệp và nghề dạy học. Xét về kinh tế nông nghiệp, các số liệu cho thấy rằng, hai làng Bột có diện tích ruộng đất ít, chủ yếu là những mảnh ruộng manh mún, với đa phần là các sở hữu nhỏ, dưới 3 mẫu. Hiện tượng tập trung ruộng đất trong tay sở hữu lớn (trên 10 mẫu), trong địa bạ năm 1834 chỉ chép duy nhất 1 trường hợp. Thực tế là, có một phận đáng kể cư dân không có ruộng được ghi trong địa bạ hai xã, song, người Hoằng Đạo, Bột Thái cũng không phải là những người hăng hái đi xâm canh. Tổng số diện tích tư điền người Hoằng Đạo, Bột Thái đi xâm canh tại các làng xã lân cận là 10.5.11.9, chỉ bằng 9,7% số tư điền các làng xã khác xâm canh chính tại hai xã này. Điều đó cho thấy, nông nghiệp không phải là nghề đảm bảo nuôi sống cho tất cả cư dân Hoằng Lộc thời trung đại. Thế nhưng, đây lại là nghề quan trọng, không thể thiếu trong đời sống làng xã. Bởi lẽ, nét tâm lí điển hình của người dân làng xã Việt Nam vẫn là gắn bó với làng, với đồng ruộng.

2. Nghiên cứu về nghề dệt ở Hoằng Lộc thời trung đại cho chúng ta thấy: đây là nghề thủ công quan trọng trong đời sống cư dân hai làng Bột, song vẫn mang tính chất bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thời vụ nông nghiệp. Mỗi gia đình là một đơn vị sản xuất, trong đó, chủ yếu là phụ nữ, hoặc thêm những trẻ em được phân công làm một vài việc lặt vặt đỡ tay cho các bà, các mẹ, các chị. Về mặt kĩ thuật, khung cửi dệt vải qua hàng trăm năm dẫu có biến đổi đôi chút nhưng nhìn chung vẫn nằm trong đặc điểm của thủ công nghiệp Việt Nam là dụng cụ sản xuất thô sơ, dựa chủ yếu vào sức người. Do vậy, nghiên cứu về sự phát triển của nghề thủ công, chủ yếu vẫn phải xem xét về tổng số thợ là nhân tố quyết

định đến số lượng mặt hàng được sản xuất và các bí quyết riêng của mỗi làng nghề sẽ tạo nên dáng nét riêng cho từng sản phẩm, còn lại, sự biến đổi về phương tiện sản xuất là ít ỏi và chậm chạp.

Tác động quan trọng của thủ công nghiệp đối với làng xã Hoằng Lộc chính là góp phần đảm bảo đời sống cho người dân nơi đây. Đồng thời, chính nghề dệt đã có vai trò quan trọng trong việc hình thành các chợ, trực tiếp là chợ Điếm, và thúc đẩy việc trao đổi hành hóa diễn ra tấp nập tại chợ Quăng.

3.Trong kết cấu kinh tế của Hoằng Lộc thời trung đại, các hoạt động trao đổi buôn bán tại chợ có vai trò quan trọng. Chúng ta vẫn biết rằng, đặc điểm chung của làng xã Việt Nam là tính khép kín, với một cấu trúc gồm những “cấu kiện đúc sẵn” như lũy tre làng, cây đa, bến nước, sân đình v.v.. - một cấu trúc có kết cấu khá hoàn chỉnh có thể khiến cho làng tương đối độc lập với nền kinh tế tự cung tự cấp, tự sản tự tiêu. Trong khung cảnh ấy, chính các chợ làng như một nhân tố tất yếu đảm bảo thực hiện được tính năng dần xóa nhòa cái không gian chật hẹp để giao lưu giữa những con người không cùng nơi cư trú, nghề nghiệp và thực hiện tiếp biến các giá trị văn hóa giữa các vùng miền. Với ý nghĩa đó, chợ làng không chỉ là nơi diễn ra sự trao đổi hàng hóa, buôn bán về kinh tế mà còn giải quyết nhu cầu giao tiếp và cố kết cộng đồng làng xã, cố kết các thành viên trong xã hội. Nếp sống văn hóa của mỗi địa phương sẽ hình thành nên tập quán, lối sống của mỗi người dân và được phản ánh ngay trong cách cư xử, sự phát triển ở chợ làng. Nhìn vào hoạt động của chợ Quăng và chợ Điếm, có thể nhận biết đời sống vật chất và văn hóa của Hoằng Bột thời trung đại, thấy được sự phát triển về kinh tế và những nét đẹp văn hóa của một vùng quê nổi tiếng “địa linh nhân kiệt”.

4. Từ trước đến nay, khi tìm hiểu vấn đề dạy học dưới thời trung đại, thông thường, các nhà nghiên cứu mới chú trọng đến giá trị đào tạo con người - tức là một khía cạnh thuộc lĩnh vực văn hóa giáo dục. Đối với trường hợp xã Hoằng Lộc, tất nhiên, đóng góp của các thầy đồ trong đào tạo nhân tài là điều hết sức quan trọng, thế nhưng, hơn thế nữa, kết quả nghiên cứu cho thấy, ở đây, dạy học thực sự là một “nghề”, nghĩa là dạy học là một con đường sinh nhai của một bộ

phận cư dân, một thành tố trong cấu trúc kinh tế của làng xã. Và trên phương diện nào đó, đã góp phần tạo nên một thương hiệu “ông đồ xứ Thanh”, vừa hay chữ, vừa dí dỏm, sánh bên cạnh các bậc thầy nổi tiếng khác trên toàn quốc như: “ông đồ xứ Nghệ”, “ông đồ xứ Quảng”.v.v..

5. Về tổ chức xã hội, là hai xã thuộc đồng bằng sông Mã, hai làng Bột thời trung đại cũng có bộ máy quản lí như các làng xã khác. Trong tổ chức ấy, không cần đi thẳng đến từng cá nhân, thông qua làng xã, Nhà nước buộc cá nhân thực hiện các chủ trương chính sách của mình. Xem xét việc quản lí làng xã ở Hoằng Lộc cho chúng ta thêm một minh chứng về tính chất tự trị trong các xã thôn Việt Nam truyền thống. Nước có phép nước, làng có hương ước, lệ làng, trong từng trường hợp cụ thể, đôi khi “phép vua thua lệ làng”!

Trong tổ chức xã hội đó, gia tộc vẫn có cơ sở tồn tại và vị thế đáng kể. Đây cũng là đặc tính chung của văn hóa nông nghiệp Việt Nam. Trong gia tộc, quyền gia trưởng được bảo lưu một cách chặt chẽ. Tuy vậy, những dòng ghi chép trong các gia phả cho thấy, một số qui định không quá khắt khe đối với người phụ nữ, vai trò của các người mẹ, người vợ vẫn được coi trọng. Tất nhiên, điều này một phần phản ánh quan điểm của người chép phả, song cũng cho thấy, vị trí người phụ nữ trong đời sống kinh tế hai làng Bột. Bên cạnh đó, nghiên cứu về gia đình, dòng họ Hoằng Lộc thời trung đại cho thấy rằng vai trò quan trọng của 2 thiết chế này, chính là ở chỗ tạo dựng truyền thống, đặc biệt là sự khuyến khích học hành dành cho các thành viên.

6. Trong các tổ chức quản lí, tập hợp cư dân của hai làng Bột, xóm vẫn tồn tại với vai trò quan trọng trong việc tổ chức thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước. Tổ chức giáp được hình thành theo địa vực. Đặc biệt, sự phân chia cư dân thành “hai làng”: “Làng Văn” và “Làng Hộ” - hai tổ chức tồn tại bên cạnh nhau trong một cộng đồng cư dân thống nhất, với những quyền lợi và nghĩa vụ khác nhau, là điểm đặc biệt trong tổ chức xã hội Hoằng Lộc xưa so với các làng xã khác. Từ trước đến nay, khi nghiên cứu về tổ chức xã hội của làng xã Việt Nam truyền thống, chúng ta vẫn cho rằng

những tổ chức như Hội Tư văn có tính chất “phường hội” đơn thuần, không phải một tổ chức nằm trong bộ máy quản lí xã hội. Song trong quá trình điền dã thực tế, chúng tôi nhận thấy rằng: các tổ chức này, đặc biệt là Hội tư văn tại những nơi có truyền thống khoa bảng như Hoằng Bột, có vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động của làng xã, nhất là trong các sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng. Hơn nữa, mặc dù không nắm thực quyền, nhưng “Làng Văn” là bộ tham mưu, vạch kế hoạch quản lý mọi mặt cho chức dịch thi hành. “Làng Văn” có uy tín với dân làng, quan trên cũng phải kính nể. Lý trưởng chức dịch nếu tham nhũng hống hách với dân, “Làng Văn” có kiến nghị đề nghị quan trên, thì sẽ bị cách chức. Sự có mặt của các quan viên cấp trên để phê duyệt trong buổi “đầu trầu” đối với các chức Hội trưởng Hội Tư văn và Thủ Hộ như trường hợp Hoằng Lộc thời trung đại đã cho thấy tầm quan trọng và ảnh hưởng của các tổ chức này trong hoạt động chung của làng xã.

Cùng cách thức tổ chức quản lí làng xã, sự phân chia cư dân hai làng như trên, một lần nữa thêm khẳng định sự phân chia “ngôi thứ”, “tôn ti” vốn đã nặng nề trong làng xã Việt Nam thời quân chủ, ở Hoằng Lộc càng rõ ràng hơn. Chỉ có điều, sự phân chia thứ bậc ấy, không hẳn chỉ vì quan tước, không hẳn chỉ vì tuổi tác, mà trước hết và trên hết, là sự phân chia dựa trên học vị, giữa người đỗ đạt cao và người đỗ đạt thấp, giữa người có học và người không có học!

7. Hoằng Lộc thời trung đại là vùng đất có đời sống văn hóa phong phú, đáng tự hào. Nơi đây có Bảng Môn Đình, không chỉ là nơi thờ thần Thành hoàng, mà còn là “cửa dẫn vào Bảng vàng khoa bảng”. Nơi đây có Văn chỉ hàng huyện, biểu tượng thiêng liêng cho sự học của vùng đất Hoằng Hóa. Nơi đây có chùa Thiên Nhiên - từng là trung tâm Phật giáo của một vùng. Nơi đây có lễ hội làng với tiếng trống Cù âm vang “Đình huyện Tống, trống chợ Quăng” v.v.. Thế nhưng, hơn tất cả, nét văn hóa tiêu biểu nhất của Hoằng Lộc chính là truyền thống khoa bảng. Trong lịch sử khoa cử hơn 400 năm của vùng đất này, 12 vị đại khoa, 110 vị trung khoa là những con số thống kê trong điều kiện tư liệu hiện tại, chắc hẳn chưa đầy đủ, song đủ để cho thấy đây là vùng đất khoa bảng tiêu biểu của xứ Thanh. Hơn nữa, Nho sĩ

Hoằng Lộc, dù đỗ đạt cao, là đại khoa, hay trung khoa, hay chỉ đỗ tiểu khoa, cũng có nhiều đóng góp cho tiến trình lịch sử dân tộc trên nhiều phương diện: chính trị - quân sự, ngoại giao, đào tạo nhân tài v.v.. Hiếu học, trọng học cũng chính là nét văn hóa chi phối đến nhiều phương diện trong tổ chức xã hội và sinh hoạt của cộng đồng làng xã.

8. Một vấn đề rất đáng chú ý khi nghiên cứu về Hoằng Lộc thời trung đại, đó chính là vùng đất này có nhiều nhân tố để thực hiện công cuộc giao lưu, tiếp biến với bên ngoài. Một số nghiên cứu cho rằng “Tính khép kín trong văn hóa làng xứ Thanh được bộc lộ trên nhiều phương diện, tạo ra sức hút hướng nội trong làng xã mạnh mẽ, buộc chặt con người trong làng xã. Tuy nhiên, con người trong các làng xã xứ Thanh vẫn (…) hướng tới cái đẹp chung trong sự so sánh hướng ngoại, nhưng thường cũng chỉ ở trong phạm vi đơn vị xứ mà thôi”. Trong trường hợp xã Hoằng Lộc, vùng đất này xưa kia gần con đường thiên lí Bắc Nam, là điều kiện thực hiện cuộc giao lưu, tiếp biến các giá trị văn hóa từ phương Bắc vào, từ phương Nam ra. Thực tế lịch sử, dưới thời quân chủ, vùng đất này đã đón nhận nhiều luồng nhập cư, đặc biệt từ phương Bắc vào. Cũng từ nơi đây, nhiều đợt di cư đã được thực hiện, thông qua quá trình đó, sự tiếp biến văn hóa được thực hiện một cách tự nhiên, lan tỏa, không chỉ trong xứ Thanh, mà từ các vùng văn hóa khác, bao gồm cả văn hóa đất kinh kì. Hơn nữa, từ sự phát triển kinh tế, người đi làm thợ xa, người đi buôn, người đi học, người đi làm thầy, tất cả cho thấy bên cạnh xu hướng “khép kín” cố hữu của làng Việt cổ truyền, ở đây, sự giao lưu vẫn diễn ra thường xuyên dưới thời trung đại. Khảo cứu một cách kĩ lưỡng về các mối quan hệ giữa Hoằng Lộc và các vùng đất khác, là vấn đề mà trong Luận án này, chúng tôi chưa có điều kiện để trình bày cụ thể và chi tiết. Hy vọng trong một tương lai gần, chúng tôi có thể trở lại để nghiên cứu vấn đề này sâu hơn và kỹ lưỡng hơn!

Một phần của tài liệu tóm tắt luận án cơ cấu kinh tế, xã hội và văn hóa xã hoằng lộc (hoằng hóa, thanh hóa) thời kì trung đại (Trang 25 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(33 trang)
w