Các giải pháp trên cần phải có những điều kiện sau: (1) đảm bảo tính độc lập của cơ quan KTNN và từng KTV nhà nước; (2) tổ chức nghiên cứu, xây dựng các cẩm nang và hướng dẫn chuẩn mực, quy trình kiểm toán; (3) củng cố, tăng cường phối hợp và trao đổi thông tin nội bộ; (4) thiết lập bộ các chỉ số tương ứng với các hoạt động; (5) tích cực huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính; (6) tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa KTNN với các cơ quan của Quốc hội; các Bộ, ngành; các đơn vị được kiểm toán; (7) phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thanh tra, kiểm tra của Đảng và của Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
KẾT LUẬN
Luận án này đã đạt được một số kết quả sau:
1. Luận án đã hệ thống hóa được các khái niệm; phân loại hoạt động kiểm toán; làm rõ cơ sở ra đời và phát triển của KTNN; chỉ ra được chức năng, đối tượng và phạm vi của KTNN; mô hình tổ chức và cơ chế quản lý của KTNN; khẳng định vai trò của KTNN để làm rõ bản chất của hoạt động kiểm toán nhà nước. Luận án cũng chỉ ra được các yếu tố tác động đến tổ chức và hoạt động của KTNN cũng như khẳng định việc gia nhập WTO có tác động đến hoạt động kiểm toán nhà nước.
2. Luận án đã dựa vào khuôn khổ quy định của INTOSAI về tăng cường năng lực của các cơ quan Kiểm toán tối cao để làm cơ sở và khung phân tích cho việc đánh giá thực tiễn thay đổi trong hoạt động kiểm toán nhà nước của các quốc gia trong điều kiện ra gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế. Đây chính là khuôn khổ phát triển năng lực mà các cơ quan KTNN các quốc gia cần hướng tới. Luận án đã dựa trên khung phân tích này để đánh giá những thay đổi trong hoạt động của KTNN Trung Quốc và KTNN Việt Nam.
3. Luận án đã chỉ ra được xu hướng chung trong việc thay đổi hoạt động của các cơ quan KTNN trên thế giới hiện nay. Bên cạnh xu hướng chung đó, các cơ quan KTNN đang từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của mình; nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của đội ngũ kiểm toán viên phát triển toàn diện hơn cả 3 loại hình kiểm toán là kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động; hoàn thiện chuẩn mực kiểm toán nội bộ để đảm bảo sự phù hợp và hài hòa với hệ thống chuẩn mực của INTOSAI. Trên cơ sở tổng hợp và đánh giá năng lực của các cơ quan KTNN thuộc ASEANSAI, luận án cũng đưa ra nhận định rằng các cơ quan KTNN có mức độ mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế càng cao, gia nhập WTO càng sớm thì có năng lực hoạt động cao hơn, có tổ chức và hoạt động phù hợp hơn với xu hướng thay đổi trong hoạt động kiểm toán nhà nước trên thế giới.
4. Luận án đã phân tích, đánh giá những thay đổi trong hoạt động kiểm toán nhà nước của Trung Quốc từ khi gia nhập WTO đến nay để rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Bên cạnh những bài học tích cực như: bài học về nhận thức; đổi mới định hướng trong hoạt động kiểm toán; thay đổi nội dung và lĩnh vực kiểm toán; nâng cao tính minh bạch của các kết quả kiểm toán và kết hợp phát triển năng lực với hoạt động kiểm toán và một số bài
học cụ thể, luận án cũng cho thấy những hạn chế trong quá trình thay đổi hoạt động của KTNN Trung Quốc cũng là những bài học kinh nghiệm bổ ích cho KTNN Việt Nam.
5. Để có thể đưa ra những đề xuất mang tính định hướng và giải pháp cho KTNN Việt Nam, Luận án đã phân tích, đánh giá thực trạng và những thay đổi trong hoạt động của KTNN Việt Nam. Việc đánh giá được thực hiện trên cơ sở có so sánh với hoạt động của KTNN Trung Quốc theo khuôn khổ tăng cường năng lực của IDI-INTOSAI để làm rõ những bất cập, hạn chế cũng như chỉ ra nguyên nhân hạn chế trong hoạt động của KTNN Việt Nam để khắc phục trong thời gian tới.
6. Luận án đã phân tích bối cảnh và xu hướng phát triển chủ yếu của nền kinh tế thế giới đến năm 2020 có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước để phân tích các thách thức mà các cơ quan KTNN nói chung và KTNN Việt Nam nói riêng phải đối mặt trong thời gian tới.
7. Thông qua việc đánh giá các tác động của các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam đối với hoạt động kiểm toán của KTNN, nghiên cứu các xu hướng phát triển chủ yếu của nền kinh tế thế giới đến năm 2020, tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc và đánh giá Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, Luận án đưa ra 6 định hướng và 8 nhóm giải pháp phát triển hoạt động KTNN trong điều kiện Việt Nam thực hiện các cam kết gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế. Để thực hiện tốt các định hướng và giải pháp, đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động KTNN, đáp ứng yêu cầu quản lý trong điều kiện Việt Nam thực hiện các cam kết gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế, Luận án đã chỉ ra một số điều kiện thực hiện, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng bộ chỉ số đánh giá hoạt động, hoàn thiện cơ chế trao đổi thông tin nội bộ và thúc đẩy mối quan hệ với các cơ quan bên ngoài trong hoạt động kiểm toán của KTNN.