1. Quan điểm của Đảng về phát triển làng nghề truyền thống.
Trong quá trình Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế, Đảng ta luôn chăm lo và quan tâm đến tiến trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn. Và một trong những chủ trương của Đảng để tiến hành quá trình đó thành công là khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống. Trong Văn kiện Hội nghị Đại hội Đảng IX, Đảng ta đã nêu rõ quan điểm của mình về phát triển làng nghề truyền thống như sau:
Trong đường lối và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010, Đảng ta đã khẳng định “Phát triển công nghiệp, dịch vụ, các ngành nghề đa dạng, chú trọng công nghiệp chế biến, cơ khí phục vụ nông nghiệp, các làng nghề, chuyển một bộ phận quan trọng lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ, tạo nhiều việc làm mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện đời sống nông dân và dân cư ở nông thôn” [8,tr93]. Hay như trong định hướng phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn trong kế hoạch 5 năm 2001- 2005, Đảng ta cũng chỉ rõ: “Mở mang các làng nghề, phát triển các điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đưa công nghiệp sơ chế và chế biến về nông thôn và vùng nguyên liệu” [8,tr279].
Như vậy, rõ ràng, trong những năm trở lại đây, Đảng ta luôn quan tâm đến việc cơ khí hoá và công nghiệp hoá các làng nghề truyền thống của nhân dân ta, từng bước khôi phục, mở rộng và phát triển các làng nghề và các nghề thủ công truyền thống để tạo nên vị thế cạnh tranh mới trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới.
2. Kế hoạch phát triển ngành hàng đến năm 2010.
2.1. Về sản xuất dâu tằm:
- Trước mắt cần ổn định diện tích dâu hiện có là 25.000 ha dâu, lấy các tiêu chí tăng năng suất lá dâu, kén tằm, tơ, giá trị thu nhập và lợi nhuận trên ha dâu tằm làm mục đích để đảm bảo tính ổn định hiệu quả và bền vững trong sản xuất dâu tằm. Coi đó là nền móng cho sự phát triển của ngành Dâu tằm tơ lụa Việt Nam.
- Mục tiêu đến năm 2010 bình quân năng suất dâu, kén, tơ và giá trị thu nhập/ha của cả nước tăng 3 lần so với hiện nay và đạt 2.000 kg kén/ha, 250 kg tơ/ha. Giá trị thu nhập 3.500 USD/ha, lợi nhuận ròng 1.000 USD/ha trở lên.
- Cả nước phấn đấu đến 2010 sẽ trồng được 40.000 ha dâu, đạt sản lượng 10 triệu mét lụa/năm tương đương với 300 tỉ đồng (10 triệu mét x 30.000 đồng/mét), trong đó riêng tỉnh Lâm Đồng chiếm 30% sản lượng toàn quốc, tương đương 2,5-3,0 triệu mét/năm với giá trị sản lượng đạt 75- 90 tỉ đồng (2,3 - 3,0 triệu mét x 30.000 đồng/mét)
- Mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm tơ lụa của toàn ngành đến năm 2010 sẽ đạt 400 - 450 triệu USD/năm.
2.2. Về chế biến tơ:
Nếu việc chuyển đổi giống dâu mới và sử dụng giống tằm mới chất lượng cao được thực hiện thì 25.000 ha dâu tằm hiện có đến năm 2010 sẽ thu được 60.000 tấn kén, khoảng 8.000 tấn tơ các loại. Như vậy sản lượng kén không những thỏa mãn cho nhu cầu chế biến tơ của các thành phần kinh tế hiện có mà còn phải mở thêm các Nhà máy chế biến, lúc đó chúng ta phải mở rộng và đầu tư thêm cơ sở ươm tơ tự động và khuyến khích các thành phần kinh tế khác đầu tư ươm tơ tự động và tơ cơ khí.
Mục tiêu đặt ra với chế biến tơ là đến năm 2010 có 30% tơ cấp cao (3A-5A) do các đơn vị sản xuất bằng ươm tơ tự động (khoảng 2.500
tấn/năm), 30% tơ cấp trung bình (A-2A) do các thành phần kinh tế khác sản xuất bằng ươm cơ khí (khoảng 2.500 tấn/năm). Số còn lại tơ cấp thấp do các hộ nông dân và các làng nghề sản xuất.
Xác định các vùng sản xuất Dâu tằm tơ tập trung gắn với Nhà máy và công nghệ chế biến tơ
2.2. Về công nghệ sau tơ :
Trên cơ sở các Nhà máy xe tơ, dệt lụa hiện có, chúng ta phải chủ động tiếp thu được công nghệ tiên tiến của Nhật Bản và Hàn Quốc. Khi giải quyết được vấn đề sản lượng, chất lượng và giá thành tơ thì phải khuyến khích các thành phần kinh tế khác tăng cường đầu tư vào công nghệ sau tơ nhằm tăng nhanh hiệu quả và doanh thu vì sản phẩm chế biến sau tơ sẽ đem lại tỉ suất lợi nhuận cao và giá trị gia tăng nhanh. Phấn đấu đến 2010 phải đưa 50% sản lượng tơ sản xuất ra vào dệt lụa.
(Kế hoạch này được lập dựa trên “Định hướng phát triển ngành dâu tằm tơ Việt Nam đến năm 2010 với mục tiêu ổn định, hiệu quả, bền vững” - và dự thảo “Đề án phát triển ngành dâu tằm tơ tại Lâm Đồng đến năm 2007”)