Trong thời hội nhập, doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, nhất là khi Việt Nam vừa gia nhập WTO, môi trường pháp lý và môi trường kinh doanh chưa thật hoàn thiện và đang trong quá trình vừa làm vừa sửa. Đây là điều khó tránh khỏi. Chính vì thế, nhận ra các rủi ro có thể xảy đến với mình để đứng vững rồi phát triển là một cuộc cách mạng một mất một còn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Con cá vốn được nuôi ở trong ao, nay phải ra biển lớn để tự mình tồn tại thì phải đối mặt với biết bao thách thức và hiểm nguy, cho dù trước mặt nó là những nguồn lợi khổng lồ đang chờ đón.
Để đối phó với các vụ kiện bán phá giá của các thị trường nhập khẩu, doanh nghiệp và các cơ quan ban ngành, hiệp hội cần tìm hiểu lí do vì sao hàng xuất khẩu của Việt Nam lại bị kiện. Đồng thời, cần có những biện pháp phòng tránh để khỏi vướng vào các vụ kiện và cách thức giải quyết tốt nếu vụ kiện xảy ra. Nếu bị dính vào vụ kiện bán phá giá, Nhà nước của nhà xuất khẩu không nên tham gia vào giải quyết trực tiếp các vụ kiện vì đây là " chuyện " giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp.
Các hiệp hội ngành hàng đóng vai trò hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đối phó, thực hiện các công việc giải quyết vấn đề. Doanh nghiệp cần tham gia tích cực vào quá trình điều tra của vụ kiện, hợp tác sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
Nhà nước cần thực hiện công việc điều tiết xuất khẩu vào các thị trường. Bản thân các doanh nghiệp không thể làm được việc đó, mọi người chỉ biết sản xuất và xuất hàng còn thông tin về tình hình của thị trường đó chỉ có cơ quan ban ngành mới có thể tiếp cận.
Lượng hàng hóa xuất khẩu đi từng thị trường đều có con số cụ thể nằm tại Hải quan. Nếu có thể thì cần hạn chế xuất ở một số lượng nhất định sẽ dễ dàng tránh được những vụ kiện bán phá giá. Vì nếu một mặt hàng nhập khẩu chiếm thị phần vượt qua mức cho phép của thị trường nhập khẩu và có ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của doanh nghiệp trong nước thì mới bị khởi kiện.
Bản thân các doanh nghiệp cũng cần nâng cao ý thức chủ động các phương thức phòng chống các vụ kiện thông qua việc làm minh bạch, rõ ràng sổ sách từ khâu thu mua nguyên liệu đến khâu xuất.
Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm hiểu thật kỹ pháp luật của các nước liên quan, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO vào cuối năm 2006. Bên cạnh đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 3 pháp lệnh gồm Pháp lệnh về chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam, Pháp lệnh chống trợ cấp hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam và Pháp lệnh tự vệ trong nhập khẩu hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam.
KẾT LUẬN
{
Trong mọi lĩnh vực hoạt động như: kinh doanh, đời sống, khoa học - kỹ thuật, môi trường, văn hóa - xã hội,… thì rủi ro luôn luôn tồn tại và theo suốt cả quá trình hoạt động của từng lĩnh vực trên. Nếu xét riêng về quá trình sản xuất trong kinh doanh của một doanh nghiệp thì rủi ro có thể nói là rất nhiều và đa dạng. Các rủi ro trong quá trình này được chia ra hai phần để dễ dàng hơn trong việc nhận biết, phân tích, đo lường và khắc phục chúng khi gặp phải. Đó chính là quản trị rủi ro các yếu tố đầu vào của qui trình sản xuất và quản trị rủi ro trong quá trình sản xuất. Hoạt động quản trị rủi ro này giúp cho doanh nghiệp có thể dự đoán phòng ngừa tốt nhất các rủi ro trong quá trình sản xuất nhằm khắc phục những chi phí tổn thất cho doanh nghiệp. Đề tài này xoay quanh vấn đề rủi ro và quản trị rủi ro đồng thời đề ra giải pháp nhằm đem lại cho doanh nghiệp mức rủi ro thấp nhất trong quá trình sản xuất.