HAO MÒN, VÀ KHẤU HAO TSCĐ 1 Khái niệm và phân loại hao mòn TSCĐ

Một phần của tài liệu Bài giảng Tài chính doanh nghiệp 2014 của ĐẠI HỌC NHA TRANG (Trang 80 - 81)

1. Khái niệm và phân loại hao mòn TSCĐ

a. Khái niệm hao mòn tài sản cố định

Trong quá trình tham gia vào sản xuất, do chịu tác động bởi nhiều nguyên nhân khác nhau nên TSCĐ bị hao mòn. Vậy, hao mòn tài sản cố định như: là sự giảm dần giá trị sử dụng và giá trị của tài sản cố định do tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh, do bào mòn của tự nhiên, do tiến bộ kỹ thuật... trong quá trình hoạt động của tài sản cố định.

Giá trị hao mòn luỹ kế của tài sản cố định: là tổng cộng giá trị hao mòn của tài sản cố định qua các kỳ tính đến thời điểm báo cáo.

b.Phân loại hao mòn TSCĐ: Hao mòn TSCĐ được phân thành hao mòn hữu hình và hao mòn vô hình.

- Hao mòn hữu hình của TSCĐ là sự giảm dần về mặt giá trị và giá trị sử dụng do chúng trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh, hoặc do sự tác động của môi trường tự nhiên như độ ẩm, khí hậu, thời tiết... gây ra.

- Hao mòn vô hình của TSCĐ là sự giảm dần về mặt giá trị của tài sản do sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật.

2. Khái niệm về khấu hao tài sản cố định

Như vậy, trong quá trình sử dụng và bảo quản, TSCĐ bị hao mòn (hữu hình và vô hình). Một bộ phận giá trị của TSCĐ tưng ứng với mức hao mòn đó được chuyển dịch dần vào chi phí sản xuất kinh doanh gọi là khấu hao. Hay nói cách khác, để thu hồi vốn đầu tư người ta tiến hành trích khấu hao TSCĐ tương ứng với phần giá trị hao mòn của TSCĐ. Bộ phận giá trị này là một yếu tố của chi phí sản xuất và cấu thành trong giá thành sản phẩm được biểu hiện dưới hình thức tiền tệ gọi tiền khấu hao TSCĐ. Sau khi sản phẩm được tiêu thụ, số tiền khấu hao được trích lại và tích luỹ thành nguồn vốn khấu hao TSCĐ.

Khấu hao tài sản cố định: Là việc tính toán và phân bổ một cách có hệ thống nguyên giá của tài sản cố định vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong thời gian sử dụng của tài sản cố định.

- Số khấu hao lũy kế của tài sản cố định: là tổng cộng số khấu hao đã trích vào chi phí sản xuất, kinh doanh qua các kỳ kinh doanh của tài sản cố định tính đến thời điểm báo cáo.

- Giá trị còn lại trên sổ kế toán của tài sản cố định: là hiệu số giữa nguyên giá tài sản cố định và số khấu hao luỹ kế (hoặc giá trị hao mòn luỹ kế) của tài sản cố định tính đến thời điểm báo cáo.

Như vậy, hao mòn là hiện tượng khách quan nằm ngoài ý muốn của con người. Khi mua TSCĐ, dù sử dụng hay không sử dụng TSCĐ vẫn bị hao mòn. Còn khấu hao là hiện tượng chủ quan, tuỳ thuộc vào nhận thức của con người nhằm thu lại giá trị hao mòn của TSCĐ. Về phương diện kinh tế, khấu hao cho phép doanh nghiệp phản ánh giá trị thực của tài sản kết tinh vào sản phẩm đồng thời làm giảm lãi ròng của doanh nghiệp. Về phương diện tài chính, khấu hao là một phương tiện tài trợ giúp cho doanh nghiệp thu được bộ phận giá trị đã mất của TSCĐ. Về phương diện thuế khoá, khấu hao hao là một khoản chi phí được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Bài giảng Tài chính doanh nghiệp 2014 của ĐẠI HỌC NHA TRANG (Trang 80 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)