III. PHƯƠNG HƯỚNG GIẢI QUYẾT TRONG QUẢN LÝ SỬ DỤNG ĐẤT ĐÔ THỊ
2. Vai trò của luật pháp trong quản lý sử dụng đất đô thị.
Luật pháp là công cụ quản lý không thể thiếu được của nhà nước. Từ xưa đến nay Nhà nước luôn luôn thực hiện quyền cai trị của mình, trước hết bằng luật pháp. Nhà nước dùng luật pháp tác động vào ý chí của con người để điều chỉnh hành vi của con người. Đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai và nhà ở, luật pháp có những vai trò chủ yếu sau đây:
- Duy trì trật tự và an toàn xã hội trong lĩnh vực đất đai và nhà ở. Đất đai và nhà ở là hai yếu tố gắn chặt với lợi ích vật chất, tinh thần của các tổ chức và cá nhân, do đó rất dễ nảy sinh nhiều mâu thuẫn phức tạp. Trong các mâu thuẫn đó, nhiều trường hợp phải dùng đến pháp luật để cưỡng chế thì mới có thể giải quyết được. Như vậy luật pháp là công cụ quan trọng nhằm duy trì trật tự và an toàn xã hội.
- Luật pháp là công cụ bắt buộc các tổ chức và cá nhân thực hiện nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ khác. Nghĩa vụ của các tổ chức và cá nhân sử dụng đất đai và nhà ở, trước hết là nghĩa vụ thuế có tính chất bắt buộc. Song, không phải lúc nào các nghĩa vụ đó đều được các tổ chức và cá nhân tự giác thực hiện. Rất nhiều trường hợp phải dùng đến luật pháp để cưỡng chế và bắt buộc thì nghĩa vụ đó mới được thực hiện. Điều này không những để duy trì trật tự xã hội, mà còn là để cho các tổ chức và cá nhân sử dụng đất đai, nhà ở thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.
- Thông qua công cụ luật pháp nhà nước đảm bảo sự bình đẳng, công bằng giữa các tổ chức và cá nhân sử dụng đất đai và nhà ở cũng như đảm bảo sự kết hợp hài hoà các lợi ích. Trong luật pháp, thông qua những điều khoản bắt buộc, thông qua các chính sách miễn giảm, thưởng phạt v.v. cho phép Nhà nước thực hiện được quyền bình đẳng, sự công bằng cũng như giải quyết tốt mối quan hệ về lợi ích trong lĩnh vực đất đai và nhà ở giữa các tổ chức và cá nhân.
- Luật pháp là công cụ tạo điều kiện cho các công cụ quản lý khác, các chính sách chế độ của nhà nước thực hiện có hiệu quả hơn. Thông qua việc giám sát, kiểm tra, xử phạt, khen thưởng... công cụ pháp luật với chức năng canh giữ, điều chỉnh và xử lý sẽ tạo điều kiện cho các công cụ chính sách, chế độ của Nhà nước thực hiện an toàn, thuận lợi hơn và có hiệu quả hơn.
3.1. Các công cụ luật pháp chủ yếu trong quản lý sử dụng đất đô thị.
Hệ thống luật pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến lĩnh vực quản lý đất đai và nhà ở có rất nhiều loại khác nhau như: Hiến pháp, luật về đất đai, pháp lệnh về đất đai và nhà ở,
các thông tư chỉ thị v.v. của Nhà nước trug ương và của các chính quyền địa phương, của các bộ, ngành có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến đất đai nhà ở.
Các loại công cụ chủ yếu trên đây sẽ được nghiên cứu cụ thể ở chương V và được thể hiện qua các chương khác.
3.2. Một số vấn đề cần lưu ý khi sử dụng công cụ luật pháp trong quản lý sử dụng đất đô thị lý sử dụng đất đô thị
- Hoàn thiện thệ thống luật pháp nói chung và hệ thống luật pháp có liên quan đến đất đai và nhà ở. Hệ thống luật pháp của chúng ta hiện nay nói chung là chưa hoàn chỉnh. Nhiều luật ra đời, nhưng chưa cụ thể hoá ngay bằng các văn bản dưới luật. Nhưng cũng có nhiều văn bản dưới luật có chỗ chưa thống nhất với nhau và với văn bản luật pháp. Nhiều trường hợp các văn bản hợp pháp lại thay đổi quá nhanh, nhưng cũng có nhiều trường hợp văn bản thay đổi quá chậm do đó không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý.
Nhà nước ta đã nhận thấy các thiếu sót trong tình thế của luật pháp và hàng năm đã trình quốc hội thông qua nhiều luật mới, bổ sung hoàn chỉnh pháp luật đã ban hành. Tuy vậy, cho đến nay hệ thống pháp luật của chúng ta vẫn còn nhiều thiếu sót nhất định, cần phải được điều chỉnh tiếp tục hoàn thiện.
- Các đối tượng sử dụng đất đai, nhà ở phải hiểu rõ luật pháp. Muốn luật đi vào cuộc sống thì các đối tượng sử dụng đất đai nhà ở nói rộng ra là tất cả mọi công dân mọi tổ chức phải hiểu được luật pháp. Hiện nay, vẫn còn tình trạng nhiều tổ chức và cá nhân chưa hiểu rõ luật pháp, nhất là khu vực nông thôn, miền núi. Tuy vậy họ rất dễ làm sai luật và nguy hiểm hơn là họ không hiểu họ đã làm sai luật như thế nào. Để cho mọi đối tượng sử dụng đất đai, nhà ở hiểu được luật và làm theo luật, phải sử dụng nhiều hình thức phổ biến pháp luật như: hệ thống hoá các văn bản luật pháp thành sách phát xuống tận cơ sở, làng, xã; phổ biến thông qua các cơ quan truyền thông, báo chí, thông qua các lớp học; đưa chương trình giáo dục luật pháp vào trường học...
Để luật đi vào cuộc sống thì vấn đề hoàn chỉnh hệ thống luật pháp, tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong nhân dân vẫn chưa đủ. Một trong các khâu then chốt và quan trọng đó là việc tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp. Nếu tổ chức thực hiện nghiêm túc, xử lý công bằng thì luật sẽ được thực hiện tốt và ngược lại nếu thực hiện không nghiêm túc, né tránh, không công bằng thì luật sẽ không được thực hiện tốt, công cụ quản lý luật pháp sẽ không phát huy vai đầy đủ trò và hiệu quả vốn có của nó.
Để thực hiện nghiêm túc các công cụ pháp luật ngoài hai điều kiện tiền đề: Hệ thống luật phải được hoàn thiện và chặt chẽ, mọi công dân phải hiểu được luật pháp thì khâu xử lý các vụ việc theo pháp luật phải được giải quyết tốt. Muốn vậy người đại diện luật pháp phải là người giỏi về luật pháp, có đạo đức trong sáng, xử án phải chí công vô tư và phải chịu trách nhiệm về những phán quyết của mình. Mặt khác, nhà nước phải có cơ chế kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm túc những người đại diện luật pháp làm sai luật pháp.